Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Con gái em 7 tuổi, bé bị khó thở, 2-3 nhịp lại phải thở rướn, lâu lâu đang ngồi phải đứng lên để dễ thở hơn. Bác sĩ cho em hỏi, bé em bị gì và nên khám ở đâu ạ?
Chào bác sĩ, tôi bị đau vùng xương cụt khoảng một tháng nay, khi đi xe máy rất đau lúc xe bị dằn. Tôi không bị té ngã. Xin bác sĩ tư vấn điều trị. Cảm ơn!
Chào chú,
Đau vùng xương cụt (mông) có rất nhiều nguyên nhân. Cơn đau có thể đến vì bị chèn ép do tư thế ngồi lâu, tổn thương xương hoặc các tổn thương cơ và cơ quan ở gần vùng mông. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp để xác định cơn đau đến từ đâu, thông thường nếu đau liên quan đến cấn do tư thế ngồi có thể thử điều trị bằng cách thay đệm ngồi êm hơn, hạn chế dằn xóc, không ngồi lâu, sử dụng một số thuốc giảm đau, kháng viêm không kê toa để hỗ trợ có thể mang lại hiệu quả.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chú có thể đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thông qua tổng đài 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM). Trân trọng!
Tôi 35 tuổi, sống lành mạnh, ít rượu bia, không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng sao huyết áp lại cao, khoảng 170-180. Bác sĩ cho hỏi nguyên nhân vì sao như vậy?
Anh Phong thân mến,
Theo thông tin anh chia sẻ, anh mới 35 tuổi mà huyết áp đo được 170-180 mmHg, được coi là tăng huyết áp người trẻ, cần tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân gây tăng huyết áp ở người trẻ có thể gặp là suy thận, hẹp động mạch thận, u tuyến thượng thận, cường giáp, bệnh Cushing, hẹp eo động mạch chủ... Do đó, anh nên đến bệnh viện khám sớm để được điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (tại Hà Nội) và 028 7102 6789 (tại TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Chào bác sĩ,
Năm 2019, em mang thai bé đầu lòng được 20 tuần thì bị nhịp nhanh trên thất (I47), nhưng không can thiệp y khoa được và chỉ uống thuốc Betalok Zok 50 mg, mỗi ngày một viên đến khi sinh bé xong. Bé sinh ngày 18/11/2019, nặng 3650 gram, sinh thường.
Đến ngày 21/01/2021, em đã được bệnh viện cắt đốt điện sinh lý thành công với kết luận chức năng nút xoang trong giới hạn bình thường; dẫn truyền qua nút nhĩ thất: có dẫn truyền kép qua nút nhĩ thất với AH jump = 100ms, LW = 410ms, AH = 72ms, HV = 34ms. Có đường dẫn truyền phụ ẩn ở thành bên thất trái chỉ dẫn truyền ngược chiều với thời gian trơ 240ms.
Dễ khởi phát cơn nhịp nhanh thất do vòng vào lại nhĩ thất qua đường dẫn truyền phụ ẩn ở thanh bên thất trái kiểu orthodromic tần số 170 lần/phút. Tiến hành xuyên vách liên nhĩ và mapping tìm vị trí đường dẫn truyền phụ ở thành bên thất trái vị trí 3h. Cắt đốt thành công ở vị trí này. Sau cắt đốt theo dõi 30 phút không tái phát đường phụ LW = 410ms, AH = 86ms, HV = 36ms.
Em mới cắt đốt điện sinh lý đầu năm 2021, giờ tháng 12/2021, em lại mang thai bé thứ hai được 10 tuần, nhưng nhịp tim của em luôn 100-110 lần/phút, có khi 113 lần/phút. Em hỏi có phải nhịp nhanh trên thất của em có thể bị trở lại không, giờ em phải làm gì? Rất mong bác sĩ sớm hồi đáp. Xin chân thành cảm ơn!
Chị Hạ thân mến,
Chị đã được bệnh viện điều trị cắt đốt thành công đường dẫn truyền phụ 1/2021. Từ đó đến nay, chị không có cơn nhịp nhanh nào nữa, kết quả như vậy là rất tốt. Tuy nhiên, đối với điều trị cắt đốt cơn nhịp nhanh vẫn có tỷ lệ tái phát vài % sau đó. Cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất do đường phụ nhịp tim thường rất nhanh như chị đã biết trước đó từ 150-180 hoặc có khi đến 200 lần/phút chứ ít khi nào 100-120 lần phút.
Để chẩn đoán xác định có tái phát hay không chị cần đi tái khám lại, đo điện tim để bác sĩ phân tích loại nhịp nhanh này là gì và tìm nguyên nhân nhịp nhanh cho chị. Khi phụ nữ mang thai, thiếu máu, cường giáp... cũng làm tim đập nhanh. Do đó, chị nên khám lại bác sĩ tim mạch để tìm nguyên nhân và có hướng xử trí phù hợp. Thân mến!
Chào bác sĩ, buổi sáng, em đánh răng hay bị buồn nôn, ăn sáng vào hay bị đau bụng, mỗi lần ăn vào hay bị ợ hơi trào ngược, cảm giác đầy bụng. Nhiều khi em hồi hộp lo lắng là phải đi cầu. Bác sĩ cho em hỏi em có dấu hiệu bị bệnh gì ạ?
Chào bạn!
Triệu chứng, buồn nôn, ợ hơi, trào ngược sau khi ăn của bạn có thể là triệu chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Đây là bệnh lý tiêu hóa thường gặp phổ biến. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị được bằng điều chỉnh lối sống và kê đơn dùng thuốc nếu được chẩn đoán. Tuy nhiên, biểu hiện này cũng có thể xuất hiện ở một số bệnh lý khác như loét thực quản, hoặc u thực quản. Do vậy, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Khoảng hơn 10 ngày nay, em đi vệ sinh toàn ra máu tươi. 2-3 ngày gần đây, tình trạng đỡ hơn nhưng vẫn còn một ít máu dính trong phân (em có uống rượu). Xin hỏi bác sĩ là em bị bệnh gì ạ?
Thưa bác sĩ, năm nay, tôi 50 tuổi thường xuyên bị vết bầm tím trên chân tay từ hồi 16-17 tuổi, người thường xuyên mệt mỏi, khó thở, đầu óc thì lúc nào cũng thấy choáng, lâng lâng.
Tôi đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, bác sĩ nào cũng nói bình thường và năm nào cũng làm các xét nghiệm về máu, mỡ máu nằm trong khoảng 5.4-5.8. Xin hỏi tôi bị bệnh gì và có cần uống thuốc bổ sung gì không?
Tôi chưa tiêm vaccine covid-19. Tôi bị đột quỵ đã được 2 tháng. Nay tôi muốn hỏi bác sĩ, tôi có tiêm vaccine covid-19 được không?
Chào bạn,
Những người từng bị đột quỵ có nguy cơ bệnh nặng do nhiễm Covid-19. Đột quỵ không phải là một chống chỉ định của việc tiêm vaccine Covid-19. Do vậy, trong trường hợp bạn bị đột quỵ hai tháng trước thì chích vaccine Covid-19 được và nên chích để bảo vệ cơ thể chống lại virus tốt hơn. Thân mến!
Chào bác sĩ, em đang bị đau lòng bàn chân hai bên. Chân trái bị đau dây cơ lòng bàn chân, dây cơ ngón chân cái tới gót ấn vào là đau. Chân phải đau ở gót, bóp hai bên cạnh gót vào là đau. Em đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ bảo bị viêm cân gan bàn chân, tiêm chống viêm mà không đỡ. Em có chơi đá bóng, mong các bác sĩ tư vấn giúp em!
Chào bạn,
Bạn đã được chẩn đoán viêm cân gan chân và các triệu chứng của bạn có vẻ cũng phù hợp với chẩn đoán này.
Điều trị bệnh lý này bao gồm việc dùng thuốc kháng viêm đường uống, tiêm corticoid tại chỗ, một số bài tập căng giãn cân gan chân, mang dép đế mềm khi đi lại, mang nẹp chỉnh hình, vật lý trị liệu bằng shock wave... và các trường hợp mạn tính dai dẳng có thể cần phải phẫu thuật. Bạn cần tái khám để bác sĩ kết hợp các biện pháp điều trị và có thể cần tầm soát các bệnh lý thuộc nhóm viêm khớp cột sống mà đôi khi viêm cân gan chân chỉ là một biểu hiện trong số đó.
Một số thông tin trao đổi cùng bạn, nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể liên hệ tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Trân trọng!
Tôi 63 tuổi, bị cơ địa huyết áp thấp. Vừa rồi, tôi bị tức ngực trái, khó thở nên đã đến bệnh viện làm xét nghiệm. Bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn nhịp tim và xơ vữa động mạch vành hẹp 20-30%. Tôi đã uống thuốc hơn một tháng. Xin hỏi bác sĩ, tôi cần phải uống thuốc trong bao lâu thì không phải uống thuốc nữa? Xin cảm ơn bác sĩ.
Chào bác,
Sau khi điều trị một tháng, bác nên tái khám để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim. Riêng đối với bệnh xơ vữa động mạch, bác cần điều trị lâu dài vì bệnh sẽ tiến triển theo thời gian khi mình lớn tuổi. Ngoài việc dùng thuốc chống xơ vữa, điều trị rối loạn mỡ máu (nếu có), bác cần điều chỉnh lối sống như tập thể dục, vận động thể lực thường xuyên, ăn uống giảm mỡ béo, đồ ăn ngọt, giảm cân nếu có dư cân, tránh khói thuốc lá... Chúc bác sức khỏe!