Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch
Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.
Gần đây, em có bị đau bụng, ợ hơi, trào ngược dạ dày, đêm và gần sáng có hiện tượng nóng rát ngực. Đặc biệt, khi nóng rát ngực trái thì tim của em đập mạnh và có cảm giác lo lắng, bồn chồn, khó thở. Vì cơn đau vào đêm nên gây mất ngủ và mệt mỏi rất nhiều. Do lo lắng bệnh lý tim mạch, em đã đến bệnh viện thăm khám thì được siêu âm tim, chụp cắt lớp CT mạch vành và đeo máy đo tim 24h nhưng kết quả vẫn không có phát hiện bất thường gì của tim mạch.
Hiện tại, em được bác sĩ cho thuốc chống đa thắt ngực và thuốc dạ dày, nhưng hiện tượng đau nóng rát ngực và tim đập nhanh vẫn chưa giảm. Bác sĩ cho em hỏi vấn đề của em là do bệnh gì? Em có bị vấn đề gì về tim mạch nguy hiểm không ạ?
Chào bạn,
Triệu chứng mà bạn miêu tả liên quan rất nhiều đến bệnh lý viêm dạ dày - trào ngược thực quản. Bạn đã được khám chuyên khoa tim mạch và thực hiện một số thăm dò quan trọng về tim mạch hiện đã có kết quả bình thường. Bạn nên đến khám thêm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được làm thêm một số khảo sát về hệ tiêu hóa (ví dụ nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng...) và có được phác đồ điều trị tối ưu theo đúng chuyên khoa. Hy vọng rằng khi đó triệu chứng khó chịu của bạn sẽ được cải thiện tốt hơn.
Để đặt lịch khám với các bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!
Tôi năm nay 65 tuổi, ở dưới bìu bị nổi các mụn bọc máu màu đỏ đã từ lâu, nổi hạt cứng, có mụn lớn hơn hạt mè, ở ngay những tia máu nhỏ. Lúc đầu chỉ một đến hai mụn, đến nay khoảng hơn chục cái. Trước đây, tôi có nặn thử thì chảy máu (có khi vô tình ngứa gãi cũng bị chảy máu) và khó cầm máu, chỉ có tư thế nằm ngửa thì máu mới cầm được. Tôi xin được tư vấn là bệnh gì và điều trị như thế nào. Tôi xin cảm ơn bác sĩ.
Chào anh,
Theo mô tả của anh, bác sĩ nghi ngờ đây có thể là u máu (giống như nốt ruồi son). Trong trường hợp này, lời khuyên dành cho anh là không nên nặn. Bởi khi nặn sẽ bị chảy máu, nhiễm trùng, tốt nhất là anh nên đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra, đánh giá và đề xuất hướng điều trị phù hợp. Nếu kích thước các u máu to, bác sĩ sẽ chỉ định đốt điện để xử lý hiệu quả hơn.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, anh có thể liên hệ tổng đài và đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh theo Hotline 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM). Chúc anh mau khỏe!
Lúc sáng sớm (6h), tôi thử đường chỉ số 160mmg/dl nhưng khi thử Hpa1c là 6.0% và nhiều lần vẫn dưới 6.5%. Bác sĩ cho tôi hỏi tôi có phải uống thuốc tiểu đường hay không? Xin cảm ơn.
Mẹ em năm nay 67 tuối bị hoại tử khớp háng do điều kiện gia đình khó khăn không thể thay khớp háng được nên chỉ uống JEX. Sau khi xem qua mạng thì thấy có nhiều sản phẩm xương khớp khác có bán trên mạng nên em muốn nhờ các bác sĩ tư vấn giúp mẹ em nên sử dụng loại nào là tốt nhất để đảm bảo bảo sức khỏe?
Chào em,
Theo miêu tả, bệnh lý của mẹ em là hoại tử chỏm xương đùi. Nếu đúng như vậy thì bệnh lý này không có thuốc điều trị. Các thuốc giảm đau kháng viêm chỉ giúp hỗ trợ để đỡ đau. Nếu bệnh đã ở giai đoạn nặng chỉ có thay khớp háng mới giúp điều trị triệt để. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có thể hỗ trợ các vùng xương khớp khác chứ không có lợi ích gì trên chỏm xương đã hoại tử.
Nếu muốn đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, em có thể gọi tổng đài 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Trân trọng!
Thưa bác sĩ, em có một vết lõm sâu bẩm sinh ở lồng ngực, hai bên xương lồng ngực không cân đối, phần bên trái nhô lên trong khi phía bên phải xẹp xuống. Thể trạng của em cũng không tốt lắm, hiện tại, em chỉ năng 47 kg và không thể hoạt động nặng. Em có dấu hiệu của nhịp tim nhanh, thở ngắn ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Em không biết với tình trạng của em thì nên đi kiểm tra và điều trị ở chuyên khoa nào và có cần phẫu thuật nâng lòng ngực để khắc phục hay không?
Chào bạn,
Lõm ngực là một dị tật bẩm sinh, có thể đơn thuần hoặc kết hợp với dị tật bẩm sinh của tim nên bạn cần tới bệnh viện khám chuyên khoa lồng ngực để được đánh giá đầy đủ, từ đó, bác sĩ có thể tư vấn chi tiết hơn cho bạn. Nếu có kèm bệnh tim bẩm sinh thì tùy theo tình trạng các dị tật mà có hướng điều trị phù hợp. Trong trường hợp chỉ bị lõm ngực, có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt thanh nâng chỗ lõm lên.
Bạn nên sắp sếp thời gian đến khám chuyên khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực để chúng tôi có thể trực tiếp thăm khám tìm nguyên nhân và tư vấn cụ thể hướng điều trị cho bạn. Thân mến!
Vợ em mang bầu 2 tuần không biết nên tiêm vaccine sputnikv và nay thai nhi đuiợc 10 tuần. Bác sĩ cho em hỏi, giờ làm sàng lọc loại nào để biết được thai nhỉ có bị dị tật hay có bị bất thường về sức khỏe, não bộ, tim mạch hay các di chứng khác không? Lúc 9 tuần em có làm sàng lọc NIPT-prosave, kết quả vẫn bình thường nhưng em lo quá. Em cảm ơn bác sĩ.
Chào bác sĩ, trước đây, em thường bị đau bụng và đi đại tiện vào buổi sáng. Em đã đi nội soi và điều trị vi khuẩn HP hiện tại cũng đỡ được phần nào. Tuy nhiên, hiện tượng đau bụng vào buổi sáng vẫn xảy ra hoặc có những lúc ăn đồ ăn không hợp là đi đại tiện liền. Em cũng đã đi nội soi thêm lần nữa thì bác sĩ chẩn đoán là bị hội chứng ruột kích thích. Bác sĩ cho em hỏi nếu tình trạng này không khỏi thì sau này có khả năng ung thư không?
Cám ơn bác sĩ.
Chào bác sĩ, tôi 40 tuổi, mới mổ cắt manh tràng và ruột thừa gần 6 tháng nhưng ngày nào bụng tôi cũng sôi, ăn hay bị tiêu chảy hoặc táo bón. Bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị. Xin cảm ơn!
Chào bạn!
Bạn chưa nói cụ thể mình phẫu thuật do bệnh gì, có cắt một phần ruột non hay không. Trường hợp của bạn có thể chỉ cắt ruột thừa và manh tràng do bệnh u nhày ruột thừa, không cắt một phần ruột non, thường cắt manh tràng kèm cắt đoạn cuối ruột non mới có rối loạn tiêu hóa. Trường hợp của bạn có thể có bệnh khác kèm theo (viêm đại tràng, viêm dạ dày...). Bạn nên đi khám lại, nội soi dạ dày, đại trực tràng kiểm tra bạn nhé.
Thân chào bạn! Chúc bạn mau khỏi bệnh.
Tôi 68 tuổi, bị bệnh cao huyết áp và đã điều trị nhiều chục năm nay; ngoài ra còn đa nhân tuyến giáp hai thùy.
Tôi bị loạn nhịp tim, thường xuyên dưới 50 lần/phút. Thậm chí bệnh viện cho đeo máy trong 24h để kiểm tra thì thấp nhất chỉ 37 lần/phút, thỉnh thoảng có tức ngực. Hằng ngày, tôi vẫn đi bộ vào buổi sáng khoảng một giờ và vận động thêm nhưng không thấy mệt.
Xin bác sĩ tư vấn tôi cần phải khám và điều trị như thế nào?
Chào bác,
Theo thông tin bác cung cấp, bệnh của bác cần được khám và theo dõi thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Bác cần kiểm tra chức năng tuyến giáp, siêu âm giáp định kỳ. Suy giáp có thể làm nhịp tim chậm hoặc rung nhĩ. Nhân giáp lâu ngày cũng có thể hóa ác tính nên ít nhất mỗi năm phải siêu âm, nếu có nhân giáp lớn bác sĩ cần sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) cho bác. Bệnh tăng huyết áp phải điều trị thuốc lâu dài nên cũng cần tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ. Chúc bác sức khỏe!
Tôi bị cứng các khớp, nhất là khớp gối, cứng các ngón tay, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn. Tôi đã đi khám, bác sĩ nói tôi bị thoái hóa khớp. Bác sĩ đã kê đơn thuốc uống, chích bổ sung chất nhờn nhưng bệnh không khỏi. Hằng ngày, tôi có uống thêm canxi, glucosamin liều 1500 mg nhưng bệnh vẫn không bớt. Nhờ bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, xin cảm ơn.
Chào chú,
Theo như mô tả chú đã được chẩn đoán thoái hóa khớp gối. Theo định nghĩa y khoa, đó là tình trạng tổn thương lớp sụn của khớp, nguyên nhân thông thường là nguyên phát do lứa tuổi hoặc thứ phát sau các chấn thương. Hiểu nôm na thì chúng ta già đi thì khớp gối của mình cũng già và yếu đi, có điều mình đã đi đứng sử dụng nó nhiều năm, đi đứng chạy nhảy nên nhiều khi khớp của mình còn già hơn cả mình.
Việc điều trị thoái hóa khớp sẽ tùy vào tình trạng và mức độ thoái hóa cũng như lứa tuổi bệnh nhân. Các biện pháp không mổ bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, các thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm, các chế phẩm tiêm vào khớp như acid hyaluronic, PRP, steroid... kèm các bài tập vật lý trị liệu vùng khớp gối, thay đổi lối sống tránh các tư thế xấu cho khớp.
Các biện pháp can thiệp phẫu thuật bao gồm phẫu thuật đục xương chỉnh trục, nội soi cắt lọc khoan kích thích, ghép sụn, bơm tế bào gốc... và cuối cùng là thay khớp gối nhân tạo. Nhờ vào sự tiến bộ của kỹ thuật và dụng cụ mà ngày nay các phẫu thuật từ đục chỉnh trục, nội soi hay thay khớp đều diễn ra nhẹ nhàng, kết quả tốt, ít đau đớn giúp bệnh nhân phục hồi sớm trở lại với các hoạt động thường ngày.
Chính vì vậy, chú đừng ngần ngại đến thăm khám để bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp với tình trạng và mức độ bệnh của mình. Đừng để những cơn đau do thoái hóa khớp gây lo âu, buồn rầu và ảnh hưởng đến chất lượng sống chú nhé. Chúc chú mau khỏe.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chú có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM) để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Trân trọng!