Thứ sáu, 21/2/2025

Hỏi bác sĩ

Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch Tuần tư vấn Đau tức ngực & Các bệnh tim mạch Chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh giải đáp thắc mắc về bệnh tim mạch cùng nhiều bệnh lý khác mà độc giả quan tâm.

Tất cả Mới nhất Quan tâm nhất

Chào bác sĩ, hồi tháng 9, tôi có bị sốt và nghẹt mũi kèm theo mất khứu giác, test Covid-19 âm tính. Sau khi hết sốt khoảng 2 tuần, tôi phục hồi khứu giác được khoảng 20%. Sau đó một tuần, tôi bị loạn khứu giác, nghĩa là đa phần mùi gì cũng ngửi ra cùng một mùi mà rất khó chịu, chỉ trừ mùi tỏi và sả thì tôi ngửi thấy đúng mùi. Điều này làm tôi ăn uống không ngon miệng.
Xin hỏi bác sĩ tôi có thể đến đâu để điều trị hoặc có phương pháp nào giúp tự phục hồi không ạ? Cảm ơn bác sĩ!

Quan

Tôi ở nhà đo huyết áp bình thường nhưng khi đến bệnh viện thì đo huyết áp cao. Như vậy, tôi có thể bị cao huyết áp không? Xin cảm ơn bác sĩ!

Trần Doãn Đoàn

ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM

Chào anh,

Nhiều người có tình trạng tương tự như anh mô tả, thông thường gọi đó là tăng huyết áp "áo choàng trắng" hay tăng huyết áp phòng khám. Tuy nhiên, anh cũng nên đến bác sĩ tim mạch để được khám và đánh giá chắc chắn. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định anh mang máy theo dõi huyết áp 24 giờ (ABPM) để xem anh có bị bệnh tăng huyết áp thật sự không hay do tình trạng lo lắng, cường giao cảm. Thân mến!

Chào bác sĩ, tôi bệnh gout 8 năm nay, có tìm hiểu và kiêng ăn nhiều loại thức phẩm như nội tạng heo, hải sản tôm cua và các loại rau có chất purin, đậu hủ hay giá sống, hạn chế rượu bia. Khoảng 7 tháng nay, tôi ăn rau cải xanh và rau tía tô mỗi ngày theo nhiều lời khuyên trên google, nhưng bệnh gout không cải thiện, vẫn ở chỉ số 555 mol. Hiện nay, ngón tay cò súng bàn tay phải của tôi co duỗi bị đau. Mong bác sĩ có lời khuyên để giảm bệnh gout trong cơ thể. Cảm ơn bác sĩ.

Nam Nguyên Van

ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, Bác sĩ: Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào chú,

Đối với bệnh nhân bị viêm khớp gout, việc thay đổi chế độ ăn uống là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị. Tuy nhiên, việc tuân thủ chế độ ăn uống khoa học chỉ giúp hỗ trợ chứ không thay thế các biện pháp điều trị bằng thuốc. Để làm hạ axit uric về ngưỡng mục tiêu điều trị, người bệnh nên được sử dụng lâu dài các thuốc hạ axit uric máu như allopurinol, febuxostat...

Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu điều trị người bệnh cần được sử dụng song song với các thuốc dự phòng đợt cấp. Điều trị bằng thuốc không chỉ làm hạ axit uric, ngăn ngừa các đợt sưng đau khớp tái phát mà còn giảm các biến cố nghiêm trọng như suy thận, bệnh lý tim mạch... Do đó, lời khuyên dành cho chú là nên đi khám và điều trị thuốc liên tục để tránh biến chứng lâu dài.

Một số thông tin trao đổi cùng chú. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, chú có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ 1800 6858 (Hà Nội), 0287 102 6789 (TP HCM). Trân trọng!

Em chào bác sĩ, hiện nay, em 39 tuổi, cao 1,6 m, nặng 61 kg. Cách đây 3 năm hầu như các khớp (khớp gối, vai, cổ tay, khớp nhai...) bắt đầu có hiện tượng đau khi cử động, có thể cảm nhận những tiếng lục cục, lạo xạo ở khớp khi cử động. Xin hỏi bác sĩ phương pháp điều trị và chế độ ăn uống nào để dần khắc phục các triệu chứng trên không? Xin cảm ơn bác sĩ.

duy1606tv

BS.CKI Nguyễn Tấn Vũ, Bác sĩ: Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Độ tuổi của bạn kèm với các dấu hiệu đau và tiếng lạo xạo trong khớp khi vận động có thể bạn đã có dấu hiệu sớm của thoái hóa khớp. Tuy nhiên, tiếng lục cục trong khớp đa số chỉ là hiện tượng bình thường và có thể bạn chỉ có dấu hiệu thoái hóa một vài khớp trên cơ thể mà thôi. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp để xác định khớp nào có dấu hiệu thoái hóa để tư vấn điều trị cụ thể.

Để phòng tránh thoái hóa khớp cần hạn chế thừa cân, ăn uống cân đối các chất trong bữa ăn. Chế độ lao động vừa sức, hạn chế tư thế sai khi làm việc, tập luyện thể thao tăng từ từ cường độ tự nhẹ đến nặng, từ nhanh đến chậm và nghỉ ngơi phù hợp để tránh quá tải lên các khớp. Một số thông tin trao đổi cùng bạn, chúc bạn sớm khỏe. Trân trọng!

Tôi bị rối loạn nhịp tim sau khi mắc Covid-19. Trước khi bị Covid-19, tôi leo cầu thang bộ nhà 40 tầng trong 18 phút, nhịp tim trung bình trong quá trình leo là 97. Sau 2 tháng bị Covid-19, trong quá trình đeo Holter theo dõi nhịp tim 24 tiếng của bác sĩ, tôi leo 20 tầng trong 35 phút thì nhịp tim lên 135 nên tôi lập tức dừng lại.

Sau đó, chỉ số SPOS của tôi liên tục giảm; lần một xuống 93; lần 2 xuống 88 rồi lại lên; lần 3 xuống 82 tôi bị tê cứng chân tay và co giật toàn thân (kéo dài khoảng 2 phút). Tôi nằm nghỉ nhưng 12 tiếng sau khi di chuyển ngồi trên ôtô, SPOS đột ngột rơi xuống 62. Tôi rơi vào trạng thái tê cứng và co giật, rung toàn thân nghiêm trọng kéo dài 20 phút, nhịp tim lên 180 rồi giảm dần nhưng chậm.

Tôi đã đến bệnh viện tại thủ đô Nur Sultan của Kazakhstan (nơi tôi đang làm việc), các bác sĩ đã làm xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang phổi, CT phổi, CT não, siêu âm tim, điện tim điện não, và kết luận không tìm ra dấu hiệu bất thường nào và cho tôi uống Coracxan 5 mg và cho ra viện. Hiện tại tôi rất yếu, khi đi lại thì khó thở, căng tức ngực, khó chịu và mệt kiệt sức. Xin bác sĩ tư vấn, tôi nên làm gì? Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Văn Đạo

BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Khoa Tim mạch, BVĐK Tâm Anh Hà Nội

Chào bạn,

Chúng tôi rất chia sẻ với tình trạng rối loạn nhịp tim và giảm khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 của bạn. Các rối loạn nhịp tim, lo âu, hạn chế khả năng gắng sức sau mắc Covid-19 hoặc ngay cả sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 là những triệu chứng dai dẳng rất thường gặp khi bệnh nhân đến khám với chúng tôi.

Trường hợp của bạn có hai vấn đề. Thứ nhất, bạn gắng sức quá mức sau mắc Covid-19 khiến khả năng phổi không đáp ứng được nhu cầu oxy cơ thể, gây thiếu máu não co giật, bạn không nên lặp lại mức gắng sức như vậy nữa.

Thứ hai, để lượng giá mức gắng sức phù hợp với mình, chúng tôi khuyên bạn nên làm nghiệm pháp gắng sức (Treadmill) được thực hiện bởi các bác sĩ tim mạch. Trong quá trình bạn gắng sức, các bác sĩ tim mạch sẽ theo dõi sát toàn trạng của bạn và thông báo mức tới hạn cơ thể bạn có thể dung nạp, từ đó có lời khuyên cho bạn về mức gắng sức và các môn thể thao bạn có thể rèn luyện phù hợp với thể lực của bản thân. Chúng tôi tin tưởng với sự rèn luyện kiên trì và phù hợp sức khỏe của bạn, chức năng phổi sẽ hồi phục.

Người Việt Nam có bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm 50 năm khỏe mạnh chỉ với 2/3 phổi trái (ông phải cắt phổi phải và 1/3 phổi trái vì lao phổi). Ông đã ra đi nhưng để lại bài tập thở quý giá, bạn có thể tham khảo trên mạng. Vậy nên không có căn cứ gì mà bạn không sống vui sống khỏe sau khi có chế độ sinh hoạt và luyện tập phù hợp. Rất mong tin vui hồi phục sức khỏe từ bạn!

Nếu muốn đặt lịch khám và tư vấn với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP.HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

Chào bác sĩ, tôi là nam, cao 1,82 m, cân nặng mấy chục năm nay dao động 80-84 kg. Cách đây một tháng, tôi sút cân còn 78 kg và đi khám xét nghiệm bác sĩ kết luận bị tiểu đường tuýp 2 (không phụ thuộc insullin). Bác sĩ có cho uống thuốc 21 ngày, sau đó tái khám thì lượng đường trong máu có giảm còn 6,22 (trước đó là 17,95) và cho thuốc uống tiếp tục một tháng (uống được đến nay là 12 ngày).

Xin hỏi bác sĩ, bệnh của tôi ở giai đoạn này có nguy hiểm không, mức độ như thế nào? Tôi thuốc uống như vậy thì cơ thể có đáp ứng tốt không, cần ăn uống ra sao? Hiện tôi đang duy trì tập gym nhẹ, cơ thể vẫn khỏe, nhưng khi đói chưa kịp ăn thì thấy bủn rủn và tay run. Xin bác sĩ tư vấn giúp, trân trọng cảm ơn!

qthanh12a

Mẹ tôi sinh năm 1954 bị K giáp, đã uống iod 4 lần không giảm, sau đó xạ trị. Sau xạ trị, mẹ tôi không tham gia khám vì bác sĩ yêu cầu làm sinh thiết lại từ đầu, sức khỏe bà hiện tại không khỏe nên chỉ uống thuốc bù giáp.
Hiện sau 4 tháng dịch, mẹ tôi không đi khám được, có trình trạng nước bọt trắng, đàm đặc. Xin hỏi bác sĩ, mẹ tôi cần uống thuốc gì để cải thiện tình trạng này. Xin cảm ơn bác sĩ.

Lan Huong Nguyen

BS Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn Lan Huong Nguyen,

Thông tin bạn chia sẻ chưa đầy đủ để chúng tôi có thể tư vấn cụ thể cho bạn. Bạn nên đưa mẹ bạn đến bệnh viện thăm khám trực tiếp kèm theo toàn bộ các hồ sơ bệnh án và kết quả xét nghiệm trước đây, để các bác sĩ đánh giá và xác định rõ tình trạng bệnh hiện tại của mẹ bạn, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

Chào bác sĩ, em thường nghe nói ung thư giai đoạn đầu sẽ không có bất cứ dấu hiệu nào nhưng nếu khám tầm soát dấu hiệu ung thư thì có chắc chắn phát hiện ra không ạ? Em xin cảm ơn!

Lâm Tuyết

BS Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn Lâm Tuyết,

Tầm soát ung thư, có thể được hiểu theo cách đơn giản, là đi tìm và phát hiện bệnh khi chưa có triệu chứng và/hoặc khi bệnh ở giai đoạn sớm. Bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn càng sớm, cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao. Dựa trên rất nhiều yếu tố như độ tuổi, giới tính, tiền căn bản thân - tiền căn gia đình, các yếu tố nguy cơ, loại bệnh cần tầm soát... bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn nên thực hiện tầm soát với các xét nghiệm nào.

Tuy nhiên, tầm soát một lần đơn lẻ cho kết quả bình thường, không có nghĩa là chắc chắn sẽ không mắc bệnh. Tầm soát ung thư cần được thực hiện định kỳ, tùy theo các yếu tố như đã kể trên cộng với kết quả của lần tầm soát trước, mà sẽ đưa ra lịch tầm soát cách nhau bao lâu (3 tháng, 6 tháng, một năm...).

Để đặt lịch khám, tầm soát với các chuyên gia Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) và 0287 102 6789 (TP HCM) để được hỗ trợ. Thân mến!

Thưa bác sĩ, tôi năm nay 39 tuổi. Khoảng 2 tháng trở lại đây, tôi thỉnh thoảng khi chuyển đổi tư thế di chuyển (như bước chân lên bậc cầu thang hơi cao, bước chân lên ghế hơi cao...) thì có cảm giác đau buốt. Tê dại kiểu như tiêm thuốc tê tại một vùng nhỏ cỡ 1/2 lòng bàn tay ở vị trí đùi bên trái (nếu duỗi thẳng cánh tay trái, điểm đó ở vị trí đầu các ngón tay trái duỗi thẳng). Cơn đau diễn ra tầm 15 giây, sau đó vùng đau cảm giác tê bì, sờ tay vào vùng đó cảm giác hơi gợn gợn. Kính nhờ bác sĩ tư vấn bệnh giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Phạm Hoàng Việt

BS.CKI Nguyễn Tấn Vũ, Bác sĩ: Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,

Triệu chứng của bạn có đau và rối loạn cảm giác (tê, cảm giác lạ) vùng đùi khi vận động. Khả năng có vấn đề về chèn ép thần kinh ở vùng đùi hoặc một số trường hợp chèn ép rễ thần kinh vùng thắt lưng. Bác sĩ cần thăm khám trực tiếp để xác định tổn thương có thể đến từ đâu và có thể làm thêm điện cơ, siêu âm... để chẩn đoán bệnh một cách chính xác. Trân trọng!

Chào bác sĩ, chồng em 32 tuổi, có tỷ lệ phân mảnh ADN tinh trùng 21% và đột biến MThFR 1298 + PAI-1/Serpin 1. Em 31 tuổi có đột biến MTHFR 1298 và 677. Cả hai vợ chồng em được bổ sung 5-mthf được 1 tháng. Vậy cho em hỏi trường hợp này, chúng em có khả năng có thai tự nhiên được không và cơ hội là bao nhiêu % ạ?
Chồng em có thể điều trị để giảm tỷ lệ phân mảnh ADN tinh trùng được không thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.

Kim Thao

BS Lê Xuân Nguyên, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào chị,

Chúng tôi xin chia sẻ cùng lo lắng của anh chị. Tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng 21% thuộc nhóm nguy cơ có khả năng dẫn đến tình trạng sảy thai sớm. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang triển khai kỹ thuật lọc rửa chuyên biệt giúp loại bỏ các tinh trùng bất thường DNA trong mẫu xuất tinh từ đó hạn chế nguy cơ sảy thai.

Bên cạnh đó, Enzyme methylenetetrahydrofolate reductase (MTHFR) đóng vai trò rất quan trọng trong chu trình chuyển hóa của axit folic. Đột biến gen MTHFR sẽ dẫn đến tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu. Trong trường hợp của anh chị, chúng tôi cần thực hiện thêm một số khảo sát chuyên biệt để đánh giá cụ thể các vấn đề sức khoẻ sinh sản hiện tại của cả hai vợ chồng để đưa ra các định hướng điều trị.

Thân mến!