Ngày 20/3, ông Hồ Văn Khánh, trưởng thôn 2 (huyện Phước Sơn), cho biết thông tin trên, miêu tả thêm cá chép to bằng 3 ngón tay, được người bán dạo ướp đá bán với giá 40.000 đồng một kg. Ông Khánh cho rằng có thể cá ướp đá bán dạo nên không tươi, đựng trong hũ nhựa kín nên sinh độc tố.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch huyện Phước Sơn, cho biết công an huyện đang thu thập thông tin từ những người bán cá dạo. "Hiện chưa có kết quả nên chưa thể kết luận cá chép bán dạo không tươi gây ngộ độc", ông Trung nói. Còn theo ông Khánh, từ khi xảy ra vụ ngộ độc, người dân không dám mua cá chép bán dạo về ăn.
Thôn 2 có 200 hộ dân, gần 800 nhân khẩu, là người Giẻ Triêng. Hôm 5/3, một gia đình tại đây sau ăn cá muối chua nhà làm đã bị ngộ độc, một người tử vong, ba người nằm viện. Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm mẫu cá chép muối chua, xác định nhiễm độc botulinum - là vi khuẩn độc kỵ khí sinh ra trong môi trường kín.
Các chuyên gia nhận định, quá trình chế biến muối chua, cá chép được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn, tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển. Botulinum là độc tố thần kinh cực mạnh, triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Ông Hồ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, cho biết cá muối chua do người dân tự làm, là món đặc sản của địa phương. Món này được nhiều người ở huyện đóng vào hũ nhựa để bán ra thị trường, thời gian sử dụng khoảng 3 tháng.
Theo ông Hồ Văn Thẩy, người dân thôn 2, cá muối chua được dùng trong bữa ăn hàng ngày, giống như tôm chua, mắm cái... ở nhiều vùng miền khác. Nguyên liệu chính là cá đánh bắt ở suối, chủ yếu là cá niên, cá đét vì thịt dai, thơm. Cá to từ 2 đến 3 ngón tay, đang tươi sống, được xẻ dọc sống lưng, lấy ruột, rửa sạch. Sau khi để ráo nước, cá được ướp gia vị gồm cơm nguội hoặc bột ngô rang, muối, ớt bột. Nhiều người bỏ gia vị vào từng con một hoặc cho vào thau trộn đều, sau đó đặt cá vào ống tre lồ ô hoặc ché sành, hũ nhựa, dùng lá chuối bịt miệng ché lại hay đậy kín nắp hũ.
Hủ cá muối thường đặt gần góc bếp để chín nhanh và côn trùng không thể xâm hại, 7 ngày sau là có thể dùng được. Để ăn ngon hơn, khi dùng, người Giẻ Triêng cho thêm một vài loại lá riêng đặc trưng của vùng như tiêu rừng, lá chanh rừng và một ít mì chính.
"Món ăn này không dùng dầu mỡ và rất chú trọng tới việc điều phối các vị chua, cay, mặn", ông Thẩy cho hay. Những vị này làm thịt cá dai, không bở, có mùi thơm như mắm thính của người miền xuôi, thêm vị chua, cay khiến người ăn cảm thấy vừa miệng, không ngán.
Theo ông Thẩy, người Giẻ Triêng nào cũng biết cách muối cá. "Không ai dùng cá chép để muối cả, chỉ dùng cá suối", ông nói, thêm rằng bất ngờ khi biết có người dùng cá chép để muối.
Sau các vụ ngộ độc, Sở Y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép muối chua. Người dân có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.
Người dân cũng được khuyên không nên sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không ăn các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng.
Trong vòng 10 ngày, huyện Phước Sơn liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc, gồm 10 người thuộc 3 gia đình, sau khi ăn cá chép muối chua. Ngoài ca tử vong, 9 người còn lại đang điều trị.
Ngày 20/3, theo các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đang hỗ trợ Quảng Nam điều trị bệnh nhân, 3 người sau khi được truyền thuốc giải độc botulinum đã cải thiện sức khỏe, trong đó hai người qua nguy kịch, một người còn tiên lượng dè dặt. 6 bệnh nhân còn lại tình trạng ổn định, đang tiếp tục điều trị.