"Trong 24 giờ qua, nhìn bức tranh tổng thể Covid-19 trên toàn cầu, nhất là tại các nước trong khu vực, chúng tôi rất lo lắng về nguy cơ tình hình dịch lây nhiễm vào Việt Nam", ông Long nói sáng 25/4. Viện Pasteur TP HCM giải trình tự gene các ca nhiễm nhập cảnh từ Campuchia gần đây, kết quả 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 và 14,3% mẫu mang biến thể B.1.351.
Tại Ấn Độ, trong 24 giờ qua phát hiện 340.000 ca nhiễm mới. Tình hình và bối cảnh Covid-19 tại Ấn Độ được Bộ Y tế đánh giá là "hết sức đáng quan ngại". Tại Campuchia, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm trên 600 ca nhiễm. Tại Lào, cũng trong 24 giờ, số nhiễm mới vượt qua số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Ngày ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất ở Việt Nam là hôm bắt đầu đợt dịch liên quan Hải Dương, với 82 ca ngày 28/1.
Điều lo lắng nữa khi dịch xâm nhập là các biến chủng kép nCoV tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia. Đây là những biến chủng được cho là mang ít nhất hai đột biến (còn gọi là đột biến kép) có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, tử vong nhiều hơn so với các biến chủng trước. Do đó khi lây nhiễm cộng đồng, từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn rất nhanh chóng.
"Tình hình lây nhiễm hiện nay trên thế giới cho thấy tất cả những đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước", ông Long đánh giá.
Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Nguy cơ lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam hiện hữu, cộng thêm việc một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác.
"Ngành y tế đã chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch lan rộng, tình huống dịch xuất hiện tại địa phương, nhất là với khu vực Tây Nam bộ", Bộ trưởng nói.
Tây Nam bộ là khu vực trọng điểm vì tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Campuchia, khả năng xâm nhập vào ViệtNam. Công tác kiểm soát biên giới đường bộ đã được tiến hành tốt, song kiểm soát biên giới trên đường biển là thách thức đối với tất cả các tỉnh tại khu vực này, theo Bộ trưởng.
Hồi nửa đầu tháng 4, khi khảo sát Kiên Giang, đặc biệt Hà Tiên, Bộ Y tế quyết định thành lập bệnh viện dã chiến khu vực này để chủ động ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Lý do là từ Hà Tiên về TP Rạch Giá (thuộc tỉnh Kiên Giang) cách nhau 100 km, việc đi lại khó khăn, Hà Tiên lại đang điều trị nhiều ca Covid-19. Bệnh viện dã chiến giúp công tác cách ly điều trị bệnh nhân thuận lợi hơn.
"Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản cho các tình huống: Xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; Có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; Xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng", ông Long nói.
Bộ trưởng Long nhấn mạnh một trong những bài học thành công trong cuộc chiến chống dịch ở nước ta là sự tham gia chủ động, tích cực của người dân. Tuy nhiên một tháng qua, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng nên người dân lơ là, chủ quan mất cảnh giác. Nhiều người ra đường không đeo khẩu trang, không thực hiện biện pháp 5K của Bộ Y tế.
"Người dân cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, trong đó hai yếu tố quan trọng có thể quyết định làm giảm nguy cơ lây nhiễm là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay", ông Long kêu gọi.
Bộ Y tế đang triển khai công tác tiêm chủng vaccine Covid-19. Ông Long khuyến cáo người dân và tất cả những ai thuộc nhóm ưu tiên hãy thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Tất cả tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương có đường biên giới phải kiểm soát tốt tình hình nhập cảnh, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Người dân nếu phát hiện người nhập cảnh trái phép, cần lập tức báo với chính quyền địa phương.
"Chúng tôi cũng đề nghị tất cả địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ca nhiễm. Chuẩn bị các kịch bản như dịch lan tràn trong cộng đồng trong thời gian rất ngắn để sẵn sàng ứng phó, không lúng túng, bị động", ông Long nhấn mạnh.