Tài liệu được được trình bày trong một cuộc họp của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cuối tháng 7, ghi lại nỗ lực của cơ quan trong việc thuyết phục công chúng tiêm phòng và tự thực hiện ngăn ngừa virus. CDC cho rằng Delta đã khiến cuộc chiến với Covid-19 thay đổi.
Theo báo cáo, Delta dễ lây truyền từ người sang người nhanh hơn virus gây Ebola hoặc cảm cúm. Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, cho hay người đã tiêm chủng nhiễm biến thể Delta mang lượng lớn virus trong mũi và cổ họng. Điều này khác với những phiên bản virus trước đó, khi người tiêm vaccine hầu như không có khả năng lây bệnh cho cộng đồng.
Song, phát hiện mới không có nghĩa vaccine kém hiệu quả. Các loại vaccine vẫn giúp ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng và tử vong. Những ca nhiễm nCoV đột phá rất hiếm khi phải nhập viện. Khoảng 97% ca Covid-19 mới là ở người chưa tiêm chủng.
Người đã tiêm vaccine đôi khi báo cáo tình trạng nhức đầu, đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác - các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên, tương tự Covid-19. Song phần lớn không cần nhập viện, bởi kháng thể và tế bào T từ vaccine sẽ tiêu diệt virus trước khi nó xâm nhập vào phổi.
Tiến sĩ Michal Tal, khoa miễn dịch Đại học Stanford, cho biết: "Vaccine vẫn sẽ tác động rất rất lớn đến số ca chuyển nặng và nhập viện. Đấy là sứ mệnh của nó".
CDC cho biết các phiên bản trước của virus hiếm khi vượt qua hàng rào miễn dịch. Song Delta là câu chuyện hoàn toàn khác. Biến thể lây lan gấp đôi so với virus gốc. Nghiên cứu cho thấy lượng virus ở người chưa tiêm chủng nhiễm Delta cao hơn hàng nghìn lần.
Mặc khác, nồng độ virus cao khiến một số người nhiễm trùng đột phá. Tuy nhiên, khi nCoV cố gắng xâm nhập phổi, các tế bào miễn dịch tăng lên, nhanh chóng loại bỏ mầm bệnh trước khi nó tàn phá cơ thể. Như vậy, người đã tiêm vaccine sẽ nhiễm nCoV trong thời gian ngắn hơn nhiều so với nhóm chưa tiêm chủng, theo tiến sĩ Frances Lund, nhà miễn dịch học tại Đại học Alabama, Birmingham.
"Nhưng điều này có nghĩa trong vài ngày đầu mắc bệnh, họ vẫn truyền được virus cho người khác", bà nói thêm.
Để ngăn ngừa virus ngay tại vùng xâm nhập, các chuyên gia ủng hộ phát triển vaccine dạng hít để ngăn mầm bệnh từ đường hô hấp trên. "Vaccine phiên bản 1.0 ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong. Phiên bản 2.0 nên chặn được đường truyền của virus. Chúng ta cần tiếp tục lặp lại quá trình nghiên cứu", tiến sĩ Michal Tal nhận định.
Kết luận của CDC tác động mạnh tới nỗ lực ngăn chặn đường lây. Mới đây, chuyên gia ghi nhận một số trường hợp nhiễm nCoV đột phá, tức là mắc bệnh sau khi tiêm vaccine từ 14 ngày trở lên. Ở các bệnh nhân này, biến thể Delta dễ lây lan như người chưa tiêm phòng, kể cả khi họ không có triệu chứng.
Các gia đình có con nhỏ, cha mẹ già hoặc người thân bị suy giảm miễn dịch cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt khi sinh sống ở vùng dịch đang bùng phát. Người Mỹ đã tiêm vaccine có thể vẫn phải đeo khẩu trang, không chỉ để bảo vệ bản thân mà cả người xung quanh.
Trung bình, Mỹ có khoảng 67.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, khả năng người được tiêm chủng mang biến thể Delta khiến con số tăng lên.
Dữ liệu trong nghiên cứu của CDC liên quan đến cụm dịch ở Provincetown, bang Massachusetts, nơi diễn ra lễ hội ngày Quốc khánh 4/7 khiến 882 người nhiễm nCoV. Gần ba phần tư trong số đó đã tiêm phòng đầy đủ. Họ cũng theo dõi tình hình từ các giải đấu thể thao chuyên nghiệp thông qua Covid-19 Sports and Society Workgroup. Liên đoàn xét nghiệm hơn 10.000 người mỗi ngày và giải trình tự tất cả các mẫu virus.
Hiện chưa rõ mức độ phổ biến của hiện tượng nhiễm trùng đột phá và virus tồn tại trong cơ thể người bao lâu. Tiến sĩ Walensky cho biết tình trạng này rất hiếm, người không tiêm chủng vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đợt bùng phát.
Nghiên cứu của CDC cho thấy người đã tiêm vaccine vẫn bị virus tấn công. "Ở cấp độ cá nhân, đây là lý do chúng tôi cập nhật khuyến nghị", tiến sĩ Walensky nói.
Các chuyên gia gợi ý người tiêm vaccine vẫn nên xét nghiệm nếu tiếp xúc với F0. Tại Anh, các F1, F2 đã tiêm chủng vẫn được yêu cầu tự cách ly trong 10 ngày.
Thục Linh (Theo NY Times, Washington Post)