Tháng 4, khi hàng loạt nước châu Âu gỡ hạn chế phòng ngừa Covid-19, nhiều người cho rằng khu vực sẽ đón một mùa hè sạch bóng virus. Người dân không còn đeo khẩu trang, đổ xô đến các bãi biển và điểm du lịch. Tuy nhiên, chỉ sau gần hai tháng, họ phải đối mặt với thực tế rằng virus sẽ không bao giờ biến mất.
Nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng biến chủng phụ BA.4 và BA.5 của Omicron có lợi thế lây nhiễm và khả năng né tránh miễn dịch tốt hơn các chủng trước đó. Nói cách khác, kháng thể từ vaccine và nhiễm bệnh tự nhiên đều không cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Đây cũng là lý do khiến BA.4 và BA.5 trở thành hai biến chủng trội. Chúng không dẫn đến các triệu chứng nặng hơn. Tuy nhiên, cũng giống với các đợt bùng phát trước, ca nhiễm gia tăng nói chung cũng khiến số người chết và nhập viện cao hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC), số người vào khu hồi sức tích cực cao hơn giai đoạn trước. Cơ quan này cảnh báo làn sóng dịch bệnh mới đang bắt đầu. Trang Our World in Data thống kê các ca nhiễm tăng liên tục tại Bồ Đào Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp, Áo, Italy, Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong vòng 6 tuần qua, với gần 3 triệu trường hợp trong tuần trước, chiếm một nửa tổng số ca toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện tăng gần gấp đôi. Tỷ lệ lây nhiễm ở người cao tuổi tiếp tục tăng. Châu Âu ghi nhận gần 3.000 người chết vì Covid-19 mỗi tuần.
Tác động tiềm tàng của BA.5 rõ rệt nhất ở Bồ Đào Nha. BA.5 trở thành chủng virus trội ở nước này kể từ đầu tháng 5, không lâu sau khi nó được phát hiện vào cuối tháng 3. Đến tháng 6, nó chiếm 84% trên tổng số ca nhiễm nCoV ghi nhận trong nước. Hiện số ca mắc mới trung bình 7 ngày tại nước này hiện là 5.200, đứng thứ 5 trên thế giới.
Ở Pháp, số ca mắc mới tăng gấp ba lần, số người nhập viện tăng lần đầu kể từ tháng 4. Theo cơ quan y tế công cộng Santé Publique France, số ca nhiễm BA.5 tăng 24% trong tuần đầu tháng 6.
Theo Giám đốc Cơ quan Tiêm chủng Pháp Alain Fischer, câu hỏi đặt ra hiện nay không phải liệu nước này có đối mặt với làn sóng virus mới hay không, mà là cường độ của nó ra sao. Ông ủng hộ việc khôi phục một số quy định phòng dịch để hạn chế sự lây lan của virus.
"Dịch bệnh đang gia tăng một lần nữa, đây là điều hoàn toàn bất ngờ. Các biến chủng phụ với khả năng lây nhiễm cao hơn từ 10-15%, dịch bệnh có lợi thế mới, dù chúng ta đã trải qua mùa đông", tiến sĩ Benjamin Davido, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Raymond-Poincaré, nhận định.
Tại Anh, làn sóng mới cũng do hai biến chủng BA.4 và BA.5 gây nên. Christina Pagel, giáo sư tại Đại học College London, cho biết Anh sẽ là quốc gia lớn đầu tiên (nhưng không phải cuối cùng) trải qua làn sóng BA.4 và BA.5 sau làn sóng Omicron.
"Điều này có nghĩa số ca nhiễm không cao bằng tháng 3, vì miễn dịch làm giảm quy mô của đợt lây nhiễm mới. Tuy nhiên, tỷ lệ đáng kể người dân sẽ nhiễm bệnh, đặc biệt khi tác dụng của liều vaccine tăng cường đang suy yếu dần", ông nói.
Theo WHO và nhiều chuyên gia, số ca nhiễm tăng một phần do giới chức đã thu hẹp đáng kể quy mô xét nghiệm. Tuy nhiên, chính phủ từ lâu đã gạt bỏ viễn cảnh Covid-19 nguy cấp như giai đoạn đầu, hạn chế siết chặt các quy định về khẩu trang, vaccine hoặc nhập cảnh. Hầu hết các nước chỉ kêu gọi người dân tiêm chủng tự nguyện, tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao mắc bệnh.
Tình hình hiện tại cho thấy Covid-19 vẫn chưa phải mầm bệnh theo mùa như kỳ vọng của nhiều chuyên gia. Martin McKee, giáo sư y tế công cộng tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết những đợt bùng phát liên tiếp chưa cho thấy ý nghĩa lâu dài của chính sách sống chung với Covid-19.
"Đây không phải loại bệnh cúm mùa. Không có gì đảm bảo vaccine hiện tại sẽ tiếp tục hiệu quả chống lại các biến chủng trong tương lai. Các làn sóng đến và đi vài tháng một lần. Chúng ta cần đánh giá lại về hướng đi trong tương lai", ông nói.
Theo Giám đốc ECDC Andrea Ammon, hầu hết người trên 60 tuổi đều đã tiêm liều thứ ba vaccine cách đây ba đến 6 tháng, khả năng bảo vệ chống triệu chứng nặng có thể đang suy yếu.
Bên cạnh đó, làn sóng mới không chỉ giới hạn ở châu Âu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ tuần này cho biết biến chủng BA.5 chiếm khoảng 65% trong số các ca nhiễm mới. Bloomberg Intelligence ước tính nước này có thể ghi nhận hơn 600.000 bệnh nhân mỗi ngày, dựa trên mô hình lây nhiễm tại Nam Phi.
Tỷ lệ dương tính ở New York đang ở mức cao nhất kể từ tháng 1. Los Angeles đã nâng mức cảnh báo Covid-19 vào ngày 18/7. Giới chức cũng cho biết sẽ áp dụng lại quy định đeo khẩu trang trong nhà nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.
"Từ góc độ tâm lý, nhiều người có thể cảm thấy Covid-19 đang ở trạng thái lấp lửng. Việc không có hạn chế đi lại gửi thông điệp rằng mọi thứ đang trở lại bình thường. Nhưng ở khía cạnh khác, tỷ lệ ca nhiễm tăng lên, mọi người nhiễm virus và gặp rủi ro. Mọi thứ vẫn không như ban đầu", Rachel McCloy, một nhà tâm lý học hành vi của Đại học Reading, cho biết.
Thục Linh (Theo SCMP, CNN)