Theo thống kê của Cục Thú y Việt Nam, bệnh dại lưu hành tại hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân tử vong vì bệnh dại liên tục gia tăng, đứng đầu là Bến Tre với 11 ca. Trong 9 tháng đầu năm 2022, bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Đa số trường hợp tử vong do bệnh dại tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, không tiêm ngừa vaccine dại. Đáng lưu ý, hầu như 100% các trường hợp khi lên cơn dại đều tử vong.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, trong giai đoạn 2017–2021, cả nước ghi nhận 378 người tử vong vì bệnh dại tại 52 tỉnh thành phố mỗi năm có gần 500.000 người bị phơi nhiễm với virus này.
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Anh Tuấn – Viện Pasteur TP HCM, hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh chưa tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ, chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước. Khi thấy động vật có bất thường mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.
"Đây là các quan niệm không đúng vì tiêm ngừa dại là việc cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là những trường hợp bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ... Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc đông y, đi lấy nọc... dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nguy cơ tử vong cao", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bác sĩ Tuấn cho biết, sự chủ quan cũng như tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại có thể là rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.
"Vaccine dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ mới là công nghệ tế bào và đã được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho người tiêm. Người dân không nên lo lắng về các tác dụng phụ của vaccine mà dè dặt trong việc tiêm ngừa", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này khuyến nghị, để bảo vệ bản thân và góp phần giảm gánh nặng bệnh dại, mỗi cá nhân cần xóa bỏ những lầm tưởng về căn bệnh này và các vấn đề liên quan đến vaccine dại.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do virus dại lây từ động vật có vú sang người thông qua tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Trong đó, 99% ca bệnh dại có nguồn lây từ chó nhiễm virus dại. Thời gian ủ bệnh ở người phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, thường kéo dài từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Vết cắn càng nặng và gần cơ quan thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Trong vòng 1-4 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê liệt và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ trải qua giai đoạn viêm não với những biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp những biểu hiện như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2- 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.
Tiểu Chi