Hỗ trợ từ người thân
Bạn bè và gia đình hãy giúp sản phụ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân tái khám và yêu cầu bác sĩ thay đổi thuốc. Bệnh nhân trầm cảm rất sợ cô độc. Do vậy gia đình nên sắp xếp để luôn có một người mà sản phụ tin tưởng ở bên cạnh.
Điều trị bằng thuốc
Người mẹ bị trầm cảm nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu khó khăn thì mời bác sĩ đến nhà. Báo với bác sĩ về tất cả triệu chứng gây khó chịu để giúp chẩn đoán chính xác hơn. Nếu uống loại thuốc nào đó khiến bạn cảm thấy khó chịu hoặc không hiệu quả thì nên báo với bác sĩ để đổi thuốc khác.
Bên cạnh việc dùng thuốc, sản phụ cần duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, có thể bổ sung vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp để nâng đỡ cơ thể. Nếu dùng thuốc mang lại hiệu quả tốt thì không nên dừng lại, vì trầm cảm cần có thời gian điều trị kéo dài để phục hồi hoàn toàn.
Bệnh nhân ngưng thuốc mà tái phát triệu chứng, nên đến gặp bác sĩ để tư vấn thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó, nếu hiệu quả thì giảm liều dần để giảm nguy cơ tái phát.
Vai trò của bản thân
Điều quan trọng nhất trong quá trình điều trị là bệnh nhân phải tin tưởng rằng sức khỏe của mình sẽ tốt hơn nên cần kiên nhẫn và lạc quan về khả năng phục hồi. Bạn có thể cảm thấy đau nhức một vùng nào đó trên cơ thể, nhưng đừng lo bởi đây là triệu chứng khá phổ biến, không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng bị nhức đầu là do u não, đau ngực vì bệnh tim, càng làm cho trầm cảm trở nên nặng nề. Thay vào đó, hãy thư giãn và quên đi đau đớn, bệnh sẽ dần tan biến.
"Sản phụ đừng quên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều bởi vì mệt mỏi làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và có thể hãy nhờ người thân cho con bú vào ban đêm", bác sĩ Xuyến nhắn nhủ. Bên cạnh đó, bác sĩ nhấn mạnh việc ăn uống đủ chất cũng rất quan trọng, bởi ăn thiếu chất có thể gây hạ đường huyết, làm cho bệnh trầm cảm trở nặng hơn. Sản phụ nên ăn nhiều trái cây, rau quả khi cảm thấy đói.