Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Nguyên nhân
- Táo bón.
- Thai ngày càng lớn gây áp lực lên trực tràng.
- Lượng hormone progesterone và máu tăng lên...
Biểu hiện
Biểu hiện ở hậu môn:
- Chảy máu.
- Ngứa.
- Đau rát.
- Xuất hiện khối nhỏ lồi.
Mang thai bị trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ nặng, kéo dài khi mang thai sẽ gặp phải một số vấn đề như:
- Chảy máu, đau rát hậu môn khi đi vệ sinh: Ở những tháng cuối, bụng bầu to kèm theo bị trĩ sẽ khiến mẹ mang thai khó chịu, vất vả trong việc đi vệ sinh, cảm giác đau rát do trĩ sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, sợ hãi khi đi vệ sinh.
- Búi trĩ tắc mạch: Đây là tình trạng khá nguy hiểm của bệnh trĩ, mẹ bầu cần lưu ý. Khi búi trĩ bị hoại tử sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở hậu môn lên cao.
- Khó sinh: Nếu sinh thường, bệnh trĩ nặng sẽ dẫn đến khó sinh, khó rặn và tăng cơn đau đẻ hơn so với thông thường.
- Gây mệt mỏi, căng thẳng cho bà bầu: Với các biến chứng của bệnh trĩ thai kỳ sẽ khiến bà bầu rơi vào trạng thái mệt mỏi, stress, lo lắng hơn.
Bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi?
Trĩ không phải là bệnh nguy hiểm, không gây ảnh hưởng lớn tới thai nhi. Nhưng nếu bị trĩ nặng khi mang thai, không điều trị sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bà mẹ.
Trong một số trường hợp xuất hiện biến chứng của trĩ như tắc mạch, chảy máu, bà mẹ phải điều trị nội khoa, sử dụng thuốc bôi và đặt tại chỗ, điều trị nhiễm khuẩn, phòng tránh nguy cơ nhiễm khuẩn đường sinh dục, nhiễm trùng ối gây kích thích tăng nguy cơ sẩy thai, dọa đẻ non.
Điều trị
- Thai phụ bị trĩ nhẹ sẽ tự khỏi sau sinh.
- Tuy nhiên, trĩ thường gây ngứa rát, đau, khó chịu cho mẹ bầu, trường hợp nặng có thể dẫn tới sa, hoại tử búi trĩ.
- Do đó, khi có dấu hiệu trĩ, mẹ bầu cần làm một số cách chữa trị sau:
- Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ:
- Táo bón khi mang thai là nguyên nhân dẫn tới bà bầu bị trĩ. Mẹ mang thai nên tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ vào thực đơn. Chất xơ có tác dụng điều hòa và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng táo bón gây bệnh trĩ.
- Các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, các loại hạt (hạt chia, hạt hạnh nhân, óc chó...), trái cây giàu chất xơ (cam, bưởi, táo, lê, dâu tây...)...
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ:
- Giữ cho hậu môn sạch, khô ráo là cách chăm sóc và điều trị trĩ tốt, dễ làm nhất.
- Mỗi ngày, mẹ mang thai dùng khăn mềm đã nhúng nước ấm, sau đó nhẹ nhàng lau khô vùng hậu môn.
- Tránh để hậu môn bị ẩm ướt, nhiễm khuẩn.
- Ngâm hậu môn bằng nước ấm:
- Nước ấm có tác dụng giảm đau, sưng, ngứa và lưu thông máu, giúp thoải mái, nhẹ nhàng hơn.
- Ngồi vào nước ấm có pha với povidine ngâm hậu môn từ 5-10 phút. Mỗi ngày từ 2 lần.
- Uống đủ nước:
- Uống đủ số lượng nước ấm uống mỗi ngày là cách giúp tình trạng táo bón thuyên giảm ở bà bầu.
- Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, tình trạng mệt mỏi được cải thiện, các triệu chứng táo bón hoặc trĩ cũng sẽ giảm dần.
- Đi lại, vận động nhẹ nhàng:
- Bà bầu ngồi nhiều, ít vận động là nguyên nhân khiến trĩ nặng, khó chữa hơn.
- Để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng trĩ, mẹ mang thai nên đi lại nhiều hơn, nằm nghiêng về một bên để giảm máu ứ đọng ở hậu môn.
- Không rặn mạnh khi đại tiện:
- Khi đi đại tiện, mẹ tránh ngồi quá lâu, rặn mạnh gây áp lực lớn lên vùng hậu môn.
- Tốt nhất nên tập cho mình thói quen đi đại tiện đều đặn vào một giờ cố định trong ngày.
- Thuốc trị trĩ cho phụ nữ mang thai:
- Dùng một số loại thuốc chữa trị dành riêng cho phụ nữ mang thai để giảm bớt tình trạng đau buốt, khỏi trĩ.
- Tuy nhiên, khi dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng nên tham vấn bác sĩ và không tự ý mua thuốc, tránh các biến chứng do thuốc.
Mỹ Ý