Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health.
Tiểu không tự chủ có phải bệnh lý?
Tiểu không tự chủ là triệu chứng xuất hiện trong nhiều bệnh hoặc tình trạng khác nhau ở đường tiết niệu, chứ không phải bệnh lý.
Nguyên nhân
Có nhiều nhóm nguyên nhân gây tiểu không kiểm soát khác nhau là:
- Sau phẫu thuật: xảy ra khi phái mạnh hoạt động gắng sức sau quá trình cắt tận gốc tuyến tiền liệt, cắt tận gốc bàng quang hoặc chữa ung thư tiền liệt tuyến bằng xạ trị.
- Tiểu gấp do cơn co bóp cơ bàng quang mạnh hơn lực giữ của cơ vân, có thể do:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Táo bón.
- Viêm tuyến tiền liệt.
- Sỏi niệu quản hoặc sỏi bàng quang.
- Khối u ở tuyến tiền liệt.
- Bệnh thần kinh (đột quỵ, Parkinson).
- Tiểu són do tràn đầy: có khối u ở tuyến tiền liệt làm ống niệu đạo tắc nghẽn hoặc rối loạn cơ bàng quang.
- Bên cạnh đó còn có một số nguyên nhân ít gặp hơn là:
- Hẹp niệu đạo.
- Tác dụng phụ của thuốc chống dị ứng.
- Giảm chức năng thần kinh trong bệnh đa xơ cứng.
- Đái tháo đường.
- Ngoài ra, tuổi tác càng cao thì nguy cơ són tiểu càng nhiều vì các cơ bàng quang và cơ thắt vân ở niệu đạo yếu dần do lão hóa.
5 loại tiểu không tự chủ thường gặp
- Khi gắng sức: cười to, ho, hắt xì hay thực hiện hoạt động gắng sức.
- Do tiểu gấp: mắc tiểu đến mức quý ông không thể nhịn nổi.
- Do tràn đầy: bàng quang không tống nước tiểu đi được, làm nước tiểu ứ đầy trong đó và bị tràn ra ngoài.
- Tiểu không kiểm soát thường trực: gây ra rò rỉ nước tiểu ở nam giới liên tục, có thể do cơ vòng không hoạt động nữa, hay có lỗ rò nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.
- Tiểu không tự chủ chức năng: do có một lý do nào đó khiến cho phái mạnh không kịp tới nhà vệ sinh để đi tiểu hoặc không tự di chuyển tới đó được.
Chẩn đoán
- Bước 1: Khai thác thông tin.
- Bác sĩ sẽ hỏi về thời điểm có triệu chứng đầu tiên, diễn biến như thế nào, có từng phẫu thuật, xạ trị không, đang dùng thuốc gì, từng mắc những bệnh nào.
- Bên cạnh đó, nếu có những vấn đề khác như tiểu ra máu, bí tiểu, đau hay nóng rát khi đi tiểu... cũng cần phải thông báo đầy đủ với bác sĩ.
- Bước 2: Khám lâm sàng.
- Sờ nắn vùng bàng quang để xem có hiện tượng tràn nước tiểu không.
- Kiểm tra chức năng thần kinh.
- Nội soi bàng quang đánh giá sự suy yếu cơ thắt hay bất kỳ tổn thương nào, đồng thời loại trừ tình huống hẹp cổ bàng quang và hẹp niệu đạo; loại trừ sỏi bàng quang, khối u, túi thừa đều có thể làm tình trạng tiểu không tự chủ thêm trầm trọng.
- Làm thêm xét nghiệm khác, gồm có:
- Xét nghiệm nước tiểu xác định có vết máu hay bất thường nào không.
- Nuôi cấy nước tiểu tìm dấu hiệu nhiễm trùng.
- Siêu âm đánh giá nước tiểu tồn dư.
- Niệu động học đa kênh kiểm tra những vấn đề khác.
- Siêu âm vùng chậu bao quát cả đường tiết niệu và hệ sinh dục.
Điều trị
- Để khắc phục tình trạng tạm thời, nam giới có thể mang bỉm, tránh nước tiểu són ra quần gây ra các tình huống ngại ngùng.
- Tùy nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị phù hợp, cụ thể:
- Điều chỉnh lối sống tại nhà:
- Ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, nhưng tập trung nhiều vào rau, trái cây, cá, thịt trắng, đậu... để ngăn ngừa táo bón và giữ cân nặng khỏe mạnh với nhóm dinh dưỡng lành mạnh.
- Giảm tối đa chất kích thích như bia rượu, thuốc lá, cà phê, nước trà đặc hay các loại ma túy nói chung. Chúng kích thích thần kinh mạnh, tác động tới bàng quang và giảm khả năng kiểm soát cơ vân.
- Uống nước vừa phải: đã mắc chứng tiểu không tự chủ thì nam giới chỉ nạp dưới 2 lít chất lỏng hằng ngày, ít uống nước vào buổi tối.
- Tập đi tiểu theo lịch: sau mỗi một khoảng thời gian cố định, nam giới nên đi tiểu luôn chứ không đợi tới khi có nhu cầu.
- Phương pháp không phẫu thuật:
- Dành cho những bệnh nhân phát sinh tiểu không tự chủ sớm (dưới 1 năm) sau khi cắt tuyến tiền liệt tận gốc. Liệu pháp sàn chậu đang được sử dụng phổ biến nhất. Tuy nhiên, ở nam giới, phương pháp này chưa có bằng chứng rõ ràng để chứng minh hiệu quả.
- Nam giới có thể tập luyện tại nhà bằng cách: làm động tác cố gắng ngưng tiểu, giữ nguyên tư thế này trong 10 giây, tiếp theo thả lỏng 10 giây và lặp lại thêm 3 lần. Một ngày nên tập luyện nhiều lần và kiên trì trong thời gian dài để có kết quả tốt nhất.
- Bên cạnh đó, người bệnh còn được kê đơn thuốc giúp giảm tình trạng mắc tiểu khẩn cấp, thuốc giãn cơ bàng quang, thuốc tiêm ngăn cơ bàng quang co thắt...
- Phẫu thuật: Nếu người bệnh không đáp ứng với các phương pháp ở trên, nên được xem xét để phẫu thuật.
Mỹ Ý