Cứ 100.000 người tại TP HCM, có gần 3.000 người nhiễm và 120 người tử vong vì Covid-19. Trung bình 7 ngày, TP HCM có hơn 7.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, số ca tử vong riêng trong ngày 7/9 hơn 250 người. Hệ thống y tế tại TP HCM vẫn đang quá tải trong khi phần lớn người dân chưa được bảo vệ đầy đủ bằng hai mũi vaccine. Do đó, việc mở cửa lại khi dịch bệnh chưa kiểm soát tốt liệu có khiến công sức dập dịch lâu nay đổ bể, đe doạ tới sức khoẻ cộng đồng?
Ở chiều ngược lại, phong toả kéo dài ở thành phố - vốn đóng góp 20% tổng GDP cả nước - đang đẩy nhiều doanh nghiệp và người dân tới "giới hạn chịu đựng" khi gần như mọi hoạt động kinh tế đóng băng. Thu nhập người lao động giảm sút, đặc biệt là nhóm nhập cư và thu nhập thấp. Trong 21.000 doanh nghiệp được Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress khảo sát, 70% đã đóng cửa, phần lớn vì đứt gãy chuỗi cung ứng. Về lâu dài, việc đóng cửa kéo dài sẽ làm lung lay vị thế mà Việt Nam dày công xây dựng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cho tới nay, ngoại trừ Trung Quốc là nước hiếm hoi thành công với mô hình phong toả triệt để nhằm xoá vết F0 trong cộng đồng, phần lớn các nước khác trên thế giới đều chọn cách sống chung với Covid-19.
Lãnh đạo TP HCM cũng thừa nhận, không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi, đã có những động thái lỏng tay hơn như cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động lại theo hình thức bán mang về từ 7/9.
Tuy nhiên, việc sống chung với dịch, đặc biệt với biến thể Delta, theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP HCM, "không thể chỉ dựa trên ý chí" mà muốn sống chung với biến thể Delta, ông nói, "cần điều kiện".
Điều kiện đầu tiên: Người dân được bảo vệ bằng vaccine
Thực tế cho thấy nhiều nước trên thế giới kể cả tỷ lệ bao phủ vaccine hai mũi trên 70%, số ca nhiễm mới vẫn tăng mạnh vì biến chủng Delta. Tuy nhiên, việc bao phủ vaccine sẽ giúp hạn chế các ca bệnh nặng và tử vong.
Hiện nay, TP HCM là địa phương được Trung ương ưu tiên phân bổ vaccine, tỷ lệ người dân đủ điều kiện đã được tiêm mũi 1 tính tới 8/9 là khoảng 85%. Dự kiến đến 15/9, hơn 90% người dân đủ điều kiện được tiêm mũi 1, đồng thời thành phố cũng tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian (có thể đạt tới 20-30%). Việc tiêm vaccine cần có độ trễ để mang lại hiệu quả, song theo ông Ngân, đây là những tín hiệu phần nào cho phép TP HCM tính toán mở cửa.
Điều kiện tiếp theo là phải khống chế được dịch bệnh, dù không cần đợi "sạch hết F0".
Hiện nay, TP HCM chia làm 4 nhóm nghiên cứu về y tế, kinh tế, dân sinh và đầu tư, xây dựng để cùng tính kế hoạch phục hồi lại hoạt động kinh tế. Từ nay đến 15/9 (thời hạn hết đợt giãn cách tăng cường), chính quyền thành phố và các nhóm nghiên cứu vẫn phải quan sát, theo dõi tình hình dịch bệnh.
Dịch bệnh như ngọn lửa lan khắp thành phố, việc truy vết và quét sạch F0 là bất khả thi với nguồn lực hiện tại. Tuy nhiên để có thể mở cửa lại kinh tế, theo ông Ngân, số ca F0 và tử vong phải có dấu hiệu giảm.
"Hiện nay số ca nặng vẫn còn nhiều nên TP HCM vẫn gặp thách thức về số người tử vong. Tôi kỳ vọng tình hình sẽ sớm chuyển biến tích cực nhờ có các thuốc điều trị Covid-19 tại hệ thống bệnh viện", ông Ngân nói. Việc cần làm tiếp theo là phải phổ biến các túi thuốc chữa F0 này tại các nhà thuốc để người dễ dàng tiếp cận nếu cần.
Một tiêu chí quan trọng khác của việc khống chế được dịch bệnh để mở cửa lại, theo giới chuyên gia, là tỷ lệ ra viện và tỷ lệ nhập viện phải được cân đối để bệnh viện thoát khỏi tình trạng quá tải.
Bác sĩ Wyn Trần cũng đánh giá, trong bất kỳ đại dịch nào, điểm mấu chốt cuối cùng là kiểm soát tỷ lệ tử vong và nhập viện - hai con số đánh sập nền kinh tế bất kỳ nước nào. Khi Covid-19 không còn là mối quan hệ nguy hiểm tới hệ thống y tế, số ca F0 tăng nhưng số tử vong và nhập viện giảm, có thể xem như nơi đó đang dần "thoát khỏi" đại dịch.
Điều kiện cuối cùng là sẵn sàng một quy trình an toàn khi vận hành lại nền kinh tế. Doanh nghiệp phải ở thế chủ động trong "trạng thái bình thường mới" này.
Ông Đặng Hoàng Hải Anh, Nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng, Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, các mô hình chia vùng đỏ, cam, xanh ở các thành phố lớn theo mức độ dịch bệnh là một hướng quản lý dịch bệnh hay.
Theo ông, có thể nhân rộng mô hình này cho các vùng kinh tế nói chung và xây dựng chi tiết các hoạt động mở cửa tương ứng từng vùng. Ví dụ, các vùng xanh có thể hoạt động kinh tế bình thường. Vùng cam hoạt động kinh tế giới hạn và vùng đỏ cần ưu tiên quản lý dịch bệnh hơn là phát triển kinh tế.
Khảo sát mới nhất của Ban IV và VnExpress với hơn 20.000 doanh nghiệp, hộ gia đình cho thấy, họ cũng mong muốn chính quyền xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để tùy đặc điểm tình hình có thể chủ động, linh hoạt lựa chọn và áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình "3 tại chỗ" kéo dài quá tốn kém và không giữ chân được người lao động do các vấn đề về tâm lý, đời sống.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM Chu Tiến Dũng, bản thân doanh nghiệp cũng phải xác định đây không phải giai đoạn "ngủ đông" mà cần lên dây cót để quay lại sản xuất, kinh doanh trong một "trạng thái bình thường mới", khác hoàn toàn so với trước đây. Doanh nghiệp phải xác định môi trường làm việc không còn như trước, cần giữ khoảng cách 5K, đeo khẩu trang khi làm việc, phân bổ lao động hợp lý để đảm bảo an toàn, cũng như có hệ thống theo dõi sức khoẻ nhân viên... Đây là những việc mà tự thân doanh nghiệp cần chuẩn bị để sẵn sàng khi được hoạt động trở lại.
Một số ngành nghề theo ông Hải Anh, nên được ưu tiên phát triển trong điều kiện dịch bệnh. Trong ngắn hạn, cần đảm bảo cho các khu chế xuất công nghiệp, khu vực FDI hoạt động tốt để giữ vững chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia.
Đồng thời, trong ngắn hạn và trung hạn cần phát triển thương mại điện tử. Gần một nửa dân số Việt Nam đã tham gia thương mại điện tử, song số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa - đang chiếm đa số trong cơ cấu nền kinh tế, lại chưa tham gia nhiều vào kinh doanh trực tuyến. Cởi bỏ các nút thắt đó sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng nội địa, khai thác được tốt hơn sức bật nội địa, theo ông Hải Anh.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại cần được tính toán kỹ lưỡng nếu không sẽ càng phương hại tới doanh nghiệp, dù tất cả đang rất trông đợi kế hoạch này.
Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, các hoạt động kinh tế, kinh doanh có tính dòng chảy, và dây chuyền, khó có thể gói gọn trong một địa phương. Ông băn khoăn tính hiệu quả của việc mở cửa từng vùng, từng địa phương, ví dụ, TP HCM mở cửa trong khi các tỉnh thành nam bộ vẫn phong toả thì cũng khó lòng hiệu quả.
Nếu việc mở cửa kinh tế chưa được cân nhắc kỹ lưỡng mà tiến hành chủ yếu do sức ép kinh tế, theo ông Bảo, điều này sẽ phương hại thêm cho các doanh nghiệp một lần nữa khi họ phải đối diện với tính bất định.
Việc mở cửa sẽ được các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh hưởng ứng, thế nhưng họ cũng phải tốn thời gian, công sức và chi phí để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí có đơn vị sẽ phải tái đầu tư để có chiến lược sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Tuy nhiên, nếu việc mở cửa không bền vững - mở cửa rồi lại phong toả khi dịch bùng lên, ông lo ngại doanh nghiệp sẽ càng khó trụ được trong tương lai.
Quỳnh Trang – Phương Ánh