Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, 67 tuổi, vừa trải qua một mùa hè khủng hoảng. Hàng loạt bê bối liên quan đến đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, các đồng minh thân cận nhất trong đảng và thậm chí cả gia đình Thủ tướng đã khiến vị thế của ông trở nên bấp bênh.
"Cơn bão" kéo đến khi chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản tăng vọt và tâm lý bất mãn âm ỉ trong đảng LDP càng tăng sức ép với ông. Tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Kishida đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Lúc này, một phép thử khác lại xuất hiện: Cuộc đua giành quyền lãnh đạo đảng LDP vào tháng 9. Người giữ chức Chủ tịch LDP cầm quyền sẽ được bầu làm thủ tướng Nhật Bản.
Nhiều nhà quan sát từng dự đoán ông sẽ tiếp tục tranh cử một nhiệm kỳ nữa, nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu Thủ tướng Kishida tuyên bố rút khỏi cuộc đua giành chức chủ tịch đảng, đồng nghĩa ông sẽ phải rời ghế lãnh đạo đất nước nếu LDP chọn ra người đứng đầu mới.
Những chiến thắng ngoại giao, kế hoạch ngân sách đầy tham vọng để tăng cường sức mạnh quân sự, mối quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ không thể cứu nổi sự nghiệp chính trị của ông.
"Bước đầu tiên rõ ràng để chứng tỏ rằng LDP sẽ thay đổi là tôi phải từ chức", Thủ tướng Kishida tuyên bố trước báo giới hôm 14/8 với phong cách điềm tĩnh thường thấy, như không có chuyện gì xảy ra.
Là một chính trị gia kỳ cựu, Kishida trở thành Thủ tướng hồi tháng 9/2021 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 9 năm nay. Người tiền nhiệm của ông, Yoshihide Suga, đã từ chức chỉ sau một năm tại vị, do tỷ lệ ủng hộ ảm đạm khi Nhật Bản chật vật vượt qua làn sóng Covid-19 tồi tệ.
Một tháng sau khi nhậm chức, ông đã dẫn dắt LDP bước vào cuộc tổng tuyển cử và vươn lên với tư cách người đứng đầu liên minh chiến thắng. Nhưng vài tháng qua, LDP trải qua hàng loạt tranh cãi.
Tháng 12 năm ngoái, 4 bộ trưởng nội các, là những đồng minh thân cận với Thủ tướng, và một số bộ trưởng khác đã từ chức, khi các lãnh đạo LDP bị cáo buộc bỏ túi hàng triệu USD tiền quỹ của đảng.
Một cuộc điều tra của các công tố viên sau đó tiết lộ thêm nhiều chi tiết gây bất ngờ và cuối cùng LDP tuyên bố 85 thành viên đảng đã không kê khai thu nhập trung thực.
Đây chỉ là bê bối mới nhất trong nhiều tranh cãi làm lung lay nhiệm kỳ của Kishida. Cũng vào năm ngoái, ông sa thải con trai mình khỏi vị trí thư ký điều hành chính phủ sau khi người ta phát hiện anh này lạm dụng chức vụ để tổ chức tiệc tùng tại dinh thự thủ tướng.
LDP tiếp tục chao đảo trước những thông tin về mối liên hệ giữa họ với Giáo hội Thống nhất gây tranh cãi tại Nhật. Tổ chức này có liên quan đến vụ ám sát cố thủ tướng Shinzo Abe.
Bê bối vẫn chưa dừng lại. Hồi tháng 4, LDP mất hai ghế trong cuộc bầu cử bổ sung khi các nghị sĩ của đảng từ chức. Một người bị cáo buộc mua phiếu bầu, người còn lại liên quan đến cuộc điều tra gây quỹ.
Tới tháng 7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chấn động bởi các cáo buộc xử lý sai thông tin mật và nhạy cảm, quấy rối cấp dưới và gian lận. Hàng loạt biện pháp kỷ luật, đình chỉ, thậm chí sa thải đã được đưa ra sau đó.
Lúc này, tỷ lệ ủng hộ của LDP chạm đáy với 19%, mức thấp nhất kể từ năm 2000, theo khảo sát từ báo Asahi Shimbun.
Thủ tướng Kishida cam kết sẽ giải quyết "trực diện" cuộc khủng hoảng, nhưng cách ông xử lý cũng trở thành vấn đề bị chỉ trích. Ông điều trần trước ủy ban đạo đức chính trị Hạ viện điều tra về bê bối tham nhũng của các đảng viên LDP, nhưng có vẻ không chắc chắn về những thông tin mình đưa ra, và không muốn nói nhiều.
Hồi tháng 6, liên minh của Thủ tướng thông qua các cải cách về ngân sách bầu cử, nhưng vấp phải hoài nghi từ công chúng. "Họ tốn rất nhiều thời gian cho nỗ lực cải cách, nhưng gần như không có gì thay đổi. Đã quá muộn, ông ấy lẽ ra nên làm gì đó sớm hơn", Hiromi Murakami, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple, Nhật Bản, nói.
Chính phủ của ông khi đó cũng tìm cách xoa dịu cử tri và giảm nhẹ tác động của lạm phát bằng chương trình giảm thuế tạm thời. Tuy nhiên, người dân Nhật cho rằng như vậy là chưa đủ.
"Tình hình luôn căng thẳng. Tôi phải vật lộn với nhiều vấn đề cả trong và ngoài nước", Thủ tướng Kishida đánh giá nhiệm kỳ của mình vào cuối tháng 6, khi ông chạm mốc 1.000 ngày lãnh đạo đất nước.
Tháng 6 cũng là thời điểm những lời bàn tán về các ứng viên "hậu Kishida" xuất hiện, khi các thành viên bất mãn trong đảng lo sợ ông sẽ tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Đồn đoán lan rộng đến mức được đưa lên các phương tiện truyền thông quốc gia.
"Họ nghĩ nếu ông ấy tiếp tục nắm quyền, con thuyền sẽ đắm. Họ rơi vào hoảng loạn", Jeff Kingston, giáo sư nghiên cứu châu Á và lịch sử tại Đại học Temple, bình luận.
Bê bối tham nhũng của LDP xảy ra vào thời điểm không thể nhạy cảm hơn, khi người Nhật phải vật lộn với tình hình kinh tế khó khăn và lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao.
"Tình hình kinh tế ảnh hưởng đến tâm trạng của công chúng. Mọi người đã phải chịu đựng quá nhiều từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ hầu như không chi trả được hóa đơn. Nhưng giờ đây, họ lại nhìn thấy các chính trị gia có những khoản tiền lớn mà không phải nộp thuế", giáo sư Murakami nói, đề cập đến việc LDP thừa nhận một số nghị sĩ đảng không cáo báo chính xác thu nhập.
Suốt nhiều tháng, các nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Kishida không thể đứng vững, một phần bởi sự thiếu quyết đoán của ông khi xử lý những tranh cãi, bê bối xung quanh mình. Dù vậy, ông vẫn giữ nguyên lập trường, ngay cả khi tâm lý bất bình gia tăng trong hàng ngũ LDP. Kết quả hiện đã rõ ràng.
"Mọi người giờ đây quá mệt mỏi", chuyên gia Murakami nhận xét hồi tháng 7, vài tuần trước khi Thủ tướng Kishida quyết định sẽ từ chức. "Nó đang tích tụ lại, không chỉ vì vụ bê bối gây quỹ".
Dù tín nhiệm ở trong nước lao dốc, Kishida lại thể hiện tốt trên trường quốc tế. Ông từng là ngoại trưởng tại vị lâu nhất của Nhật Bản trước khi trở thành Thủ tướng. Trên cương vị lãnh đạo đất nước, ông đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào năm ngoái, thăm Ukraine, đồng thời làm tan băng quan hệ với Hàn Quốc, đồng minh quan trọng ở Đông Á.
Mối quan hệ giữa Tokyo và Washington mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thủ tướng Kishida có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ hồi đầu năm theo lời mời từ Tổng thống Joe Biden và được hoan nghênh nhiệt liệt.
"Cảm ơn mọi người", ông nói khi kết thúc bài phát biểu. "Tôi chưa bao giờ nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt như vậy ở quốc hội Nhật Bản".
Nhưng truyền thông Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ chuyến thăm, cho rằng Thủ tướng Kishida "không nên sử dụng nó như một công cụ với các vấn đề chính trị trong nước".
Nếu thực sự đây là mục đích của Thủ tướng, ông đã không thành công. Kishida bị nhấn chìm trong các cuộc tranh cãi và đảng của ông cùng cử tri đã hết kiên nhẫn.
"Mọi người chỉ quan tâm đến ví tiền của họ", giáo sư Kingston nói. "Nhiều người sẽ ấn tượng khi thấy ông ấy được chào đón ở NATO, EU và Mỹ, nhưng cuối cùng, điều người Nhật quan tâm là muốn có nhiều tiền hơn trong ví".
Thủ tướng Kishida tuyên bố LDP cần một khởi đầu mới và cần thuyết phục người dân Nhật Bản rằng đảng có thể thay đổi.
Phe đối lập vẫn còn quá yếu và chia rẽ để có thể trở thành một lựa chọn khả thi, nhưng lại có rất nhiều ngờ vực trong đảng cầm quyền. "Liệu một gương mặt mới ở vị trí lãnh đạo có thể đoàn kết LDP và khắc phục hình ảnh đã bị suy yếu của đảng hay không? Tháng 9 sẽ cho câu trả lời", bình luận viên Shaimaa Khalil từ BBC cho hay.
Vũ Hoàng (Theo BBC, AFP, Reuters)