Cuộc đua phát triển vaccine thành công vào năm ngoái cộng với bối cảnh khan hiếm nguồn cung đã tạo thế thuận lợi trên thị trường cho các công ty như Moderna và Pfizer. Song hiện tại, ở những quốc gia thu nhập thấp, chưa đến 10% dân số được tiêm chủng. Tình trạng thiếu hụt vaccine dẫn đến hàng triệu ca tử vong. Giới chức y tế Mỹ và nước ngoài vì thế liên tục hối thúc các hãng dược nỗ lực hơn nữa, giải quyết nhu cầu tiêm chủng toàn thế giới.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi cả Pfizer và Moderna tham gia vào mô hình liên doanh, chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất hợp đồng. Mục tiêu là tăng lượng vaccine đến các nước thu nhập thấp và trung bình.
Sau nhiều lần đàm phán, Pfizer bán thêm cho Mỹ 500 triệu liều vaccine với giá phi lợi nhuận, song vẫn chưa thực hiện chuyển giao công nghệ. Các cuộc thảo luận với Moderna đi vào ngõ cụt, theo một quan chức. Người này bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với công ty.
Một liên minh sản xuất thuốc và vaccine lớn ở các nước đang phát triển đã yêu cầu ông Biden có động thái mạnh mẽ hơn nhằm thuyết phục các hãng chia sẻ công thức và quy trình sản xuất vaccine.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng gặp khó khăn trong việc đưa Moderna vào bàn đàm phán, theo tiến sĩ Martin Friede, quan chức của WHO và Charles Gore, người đứng đầu Medicines Patent Pool thuộc Liên Hợp Quốc. Cả hai đang làm việc với một trung tâm chuyển giao công nghệ do WHO hậu thuẫn ở Nam Phi, được thành lập để hỗ trợ phát triển vaccine mRNA.
"Chúng tôi rất muốn được thảo luận với Moderna đề vấn đề sở hữu trí tuệ. Nếu thành công, điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng hiện tại, mọi nỗ lực đều không được hồi đáp", tiến sĩ Friede nói.
Những người ủng hộ cho rằng Moderna có nghĩa vụ chia sẻ công nghệ vaccine, bởi trong quá trình phát triển, hãng nhận sự hỗ trợ của Viện Y tế Quốc gia (NIH) và khoản tiền 2,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang, một phần của Chiến dịch Thần tốc.
Trong email hồi đáp tối 21/9, Colleen Hussey, phát ngôn viên của Moderna, cho biết hãng đã đồng ý từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ và sẵn sàng chia sẻ nó với các bên khác "trong thời kỳ hậu đại dịch". Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hãng đáng nhẽ phải làm điều này từ bây giờ, không phải sau khi Covid-19 kết thúc.
Bên cạnh đó, dù việc chia sẻ công thức điều chế vaccine rất quan trọng, nó chưa đủ để các nước thiết lập địa điểm sản xuất nhanh chóng và hiệu quả, Alain Alsalhani, chuyên gia vaccine thuộc Tổ chức Bác sĩ Không biên giới, nhận định.
"Bạn cần có trong tay cả quá trình (từ điều chế đến thành phẩm) vì đây là công nghệ mới. Một trong những vấn đề chúng tôi gặp phải là tài liệu khoa học về sản xuất vaccine mRNA ở quy mô công nghiệp quá mỏng. Đó là lý do vì sao cần chuyển giao công nghệ đầy đủ, chứ không phải chỉ đưa ra một công thức vaccine đơn thuần", ông nói.
Trong khi đó, Pfizer-BioNTech tuyên bố đã ký dự định thư với công ty sinh phẩm Nam Phi Biovac để sản xuất vaccine cho người châu Phi. Tuy nhiên, Biovac chỉ có vai trò đóng chai mà không sản xuất theo quy trình công nghệ. Vaccine thực tế sẽ được làm tại châu Âu.
Nhiều người cho rằng Biovac chưa đủ điều kiện để sản xuất vaccine, song chuyến thăm gần đây của WHO cho thấy cả công ty và cơ sở giảng dạy trực thuộc là Afrigen đều phù hợp với các tiêu chí đề ra. Theo bản báo cáo chuyến thăm, đội ngũ ở Afrigen "có năng lực, kinh nghiệm" và "đã đưa ra kế hoạch nghiêm túc với vaccine mRNA".
Trong trường hợp các hãng dược không tự nguyện, chính quyền Mỹ có thể sử dụng quyền hạn của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để thúc đẩy "chia sẻ tài sản trí tuệ". Theo đó, ông Biden sẽ tuyên bố đại dịch là mối đe dọa an ninh quốc gia. Điều này cho phép ông "yêu cầu công ty ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và đổi lấy khoản bồi thường hợp lý" từ liên bang hoặc đối tác sản xuất, Lawrence O. Gostin, chuyên gia luật y tế công cộng tại Đại học Georgetown, giải thích.
"Moderna đã nhận nguồn tài trợ đáng kể của liên bang trong Chiến dịch Thần tốc. Cả hãng và Pfizer đều được hưởng lợi từ quỹ NIH trong các nghiên cứu cơ bản về công nghệ mRNA đã kéo dài suốt hơn một thập kỷ", theo ông Gostin. Ông cho rằng các công ty có trách nhiệm xã hội và đạo đức trong việc chia sẻ công nghệ đó vì lợi ích toàn cầu.
Song nhiều quan chức Mỹ nhận định việc buộc các công ty làm điều này không hề đơn giản. Nó sẽ luôn dẫn đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài và cuối cùng phản tác dụng.
Theo giám đốc điều hành của Pfizer và Moderna, quy trình sản xuất mRNA trong vaccine rất phức tạp. Đến nay, quá ít người có kinh nghiệm làm điều này. Việc thiết lập cơ sở sản xuất mới ở quốc gia khác không khả thi, không nhanh chóng và thiếu hiệu quả. Các hãng cho rằng họ có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu vaccine toàn thế giới vào giữa năm tới. Cách nhanh nhất để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vaccine là phân phối các liều được tặng.
Tuy nhiên, sau khi theo dõi 18 tháng đại dịch, một số chuyên gia dược phẩm chỉ ra khâu sản xuất ở các nước phát triển là cực kỳ quan trọng để đảm bảo công bằng tiêm chủng. Ví dụ, phần lớn vaccine quyên góp cho châu Phi đến từ Viện Huyết thanh Ấn Độ. Song 5 tháng trước, chính phủ nước này đã chặn xuất khẩu để ưu tiên nguồn cung cho người dân đang trải qua làn sóng lây nhiễm tàn khốc. Quốc gia cho biết sẽ nối lại xuất khẩu vào tháng tới.
"Chúng tôi nghe suốt là ‘Vaccine sắp đến rồi, vaccine sắp đến rồi’, nhưng ba triệu người đã chết kể từ khi Pfizer được FDA phê duyệt", Zain Rizvi, chuyên gia của tổ chức Public Citizen, cho biết.
Việc bảo vệ công nghệ mRNA giúp Moderna và Pfizer thu được khoản lợi trực tiếp, giữ vững ưu thế cạnh tranh, không chỉ trong việc bán vaccine. Ngoài khoản thu hơn 53 tỷ USD trong năm nay từ đại dịch, mRNA còn có nhiều tiềm năng sinh lời khác, chẳng hạn trong điều chế thuốc ung thư, HIV và sốt rét.
"Họ không muốn có đối thủ cạnh tranh trong tương lai", ông Rizvi nói.
WHO cho biết ngay cả khi không có sự phối hợp của Moderna, trung tâm chuyển giao công nghệ ở Nam Phi vẫn sẽ cố gắng sao chép càng giống càng tốt công thức vaccine của hãng. Đây sẽ là tiêu chuẩn vàng để so sánh ứng viên từ các công ty sinh phẩm khác. Trung tâm có thể dạy lại các nhà sản xuất có mong muốn cho ra vaccine quy mô lớn.
"Nếu có Moderna hoặc BioNTech làm cộng sự, chúng tôi sẽ cho ra vaccine đã được phê duyệt trong 18 tháng. Không có họ, chúng tôi phải trải qua quá trình phát triển đầy đủ, kéo dài 36 tháng nếu mọi thứ trơn tru, hoặc lâu hơn", tiến sĩ Friede nói.
Thục Linh (Theo NY Times)