Hòa thượng Thích Học Thành, trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc kiêm sư trụ trì của chùa Long Tuyền, đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi bị hai nhà sư thân cận tố cáo lạm dụng tình dục ni cô. Thích Học Thành bác bỏ, cho rằng các nhà sư trên ngụy tạo tài liệu, đưa tin sai sự thật.
Chùa Long Tuyền nằm ở chân dãy núi Phượng Hoàng, quận Hải Điến, Bắc Kinh. Chùa được thành lập từ thời nhà Liêu (907-1125) và được tu bổ, mở cửa đón khách bên ngoài từ năm 2005.
Long Tuyền có hàng trăm sư và ni cô. Nhiều người trong số họ có trình độ học vấn rất cao từ các trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc. NYTimes năm 2016 mô tả rằng chùa "được điều hành bởi một số nhà sư có học thức cao nhất trên thế giới: các nhà vật lí hạt nhân, thần đồng toán học và lập trình viên máy tính - những người đã từ bỏ cuộc sống trần tục để khám phá sự mơ hồ của cõi tâm linh".
Kể từ khi mở cửa, chùa chú ý đến việc phát triển các kênh, phương pháp tiếp cận mới và các phương tiện kết hợp truyền thống Phật giáo với văn hóa hiện đại. Chùa được trang bị máy quét vân tay, webcam và iPad để nghiên cứu kinh hoặc văn bản Phật giáo.
Chùa gồm 5 ban chính là xây dựng, văn hóa, từ thiện, quảng bá và giáo dục. Ngoài ra còn có ba trung tâm chuyên biệt là dịch thuật, đồ họa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thông tin. Những bộ phận này giúp chùa phát triển các dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng, xuất bản sách và CD ROM, làm từ thiện, phát triển trang web, dịch các tác phẩm Phật giáo, sáng tạo truyện tranh và phim hoạt hình tuyên truyền.
Tháng 2/2006, Thích Học Thành mở tài khoản trên mạng xã hội Weibo và tích cực trả lời câu hỏi của người theo dõi. Tháng 8/2008, trang web Tiếng nói Long Tuyền bằng tiếng Trung và tiếng Anh ra đời. Ba năm sau, Thích Học Thành tiếp tục mở các trang mạng xã hội bằng 8 thứ tiếng, bao gồm tiếng Trung, Anh, Pháp, Đức, tiếng Nga, Nhật, Hàn và Tây Ban Nha. Hàng trăm bài giảng của sư trụ trì đã được phát hành trên đĩa CD ROM vào năm 2015.
Một sản phẩm đặc biệt gây chú ý của chùa là robot sư Hiền Nhị, ra đời năm 2015, được phát triển bởi một nhóm nhà sư, tình nguyện viên và chuyên gia trí thông minh nhân tạo tại chùa. Robot có thể làm theo các chỉ dẫn của con người để thực hiện các chuyển động cơ thể, đọc kinh và phát nhạc Phật. Nó cũng có thể trò chuyện và trả lời các câu hỏi theo cách nhìn của Phật giáo.
Robot còn có phiên bản chatbot (chương trình tự động tương tác với người dùng bằng tin nhắn) trên một số nền tảng như Wechat và Facebook. Hàng nghìn câu hỏi mà sư trụ trì Thích Học Thành đã trả lời trên mạng xã hội trở thành nguồn dữ liệu cho chatbot.
Những người theo chủ nghĩa truyền thống lo lắng rằng các công cụ công nghệ cao của Long Tuyền có thể lấn át những lời dạy của Đức Phật. Họ cho rằng chùa mải mê tập trung vào các chủ đề thực tế như giải quyết mâu thuẫn gia đình mà bỏ qua các câu hỏi triết lý quan trọng hơn.
Trong khi đó, sư trụ trì phản bác rằng Phật giáo cần theo kịp thời đại bằng cách sử dụng các công cụ hiện đại. Ông cho rằng việc chờ đợi mọi người lên chùa nghe các bài giảng kinh hàng ngày không còn thực tế.
Theo NYTimes, chùa Long Tuyền nhận được sự ưu ái từ đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn ủng hộ chủ nghĩa vô thần nhưng những năm gần đây đã cố gắng thúc đẩy truyền thống văn hóa cổ đại. Thích Học Thành là ủy viên Ban Thường vụ toàn quốc khóa 13 của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Ngôi chùa còn trưng bày các bài viết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và những người thường xuyên lên chùa phải gửi thông tin về quan điểm chính trị của họ.
Chùa cũng chú ý đến việc thúc đẩy quyền lực mềm. Cuối năm 2015, chi nhánh nước ngoài đầu tiên của chùa Long Tuyền được mở tại Hà Lan với tên gọi chùa Đại bi Long Tuyền. Tháng 7/2016, họ mở thêm chi nhánh tại Botswana ở châu Phi với tên gọi chùa Bác hoa Long Tuyền.
Với vị trí nằm gần một một số trường đại học hàng đầu của Bắc Kinh và trung tâm khoa học công nghệ chính của thành phố, ngôi chùa trở thành điểm đến phổ biến cho giới trẻ. Nhiều người muốn tìm hiểu những ý nghĩa sâu xa hơn trong một xã hội vật chất trong khi những người khác muốn tìm không gian để tĩnh tâm.
Ngôi chùa còn đặc biệt phổ biến trong giới khởi nghiệp, một phần vì tin đồn được lan truyền rộng rãi rằng Allen Zhang đã nảy ra ý tưởng sáng tạo ứng dụng tin nhắn Wechat sau khi tham dự một khóa tu tại chùa.
Dù Zhang đã bác bỏ tin đồn này, nhiều doanh nhân trẻ vẫn đến Long Tuyền để tìm cảm hứng sáng tạo. "Một số người đến đây có thể không thực sự quan tâm hoặc tin tưởng vào Phật giáo", Rax Xie, nhà phát triển phần mềm cho biết. "Nhưng họ có sự kết nối và sự tiếp nhận nhất định với tư tưởng và văn hóa đằng sau Phật giáo".