Đây không phải là quán ăn từ thiện, mà là một nhà hàng Ấn Độ bình thường nằm dọc đường cao tốc ở Sharjah, một trong 7 vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Khi các cơ sở ăn uống khác đóng cửa vào buổi đêm, nhà hàng Biryani Spot bắt đầu hoạt động. Đầu bếp thu nhặt thức ăn thừa và tái sử dụng, chế biến thành những hộp cơm nóng sốt miễn phí dành cho lao động không được trả lương hoặc không có việc làm, phần lớn là người đến từ Đông Nam Á.
Những người có nhu cầu nhận thực phẩm miễn phí sẽ đến nhà hàng và trật tự xếp hàng lúc 22h mà không bị chất vấn một câu nào.
"Bây giờ có rất nhiều người thất nghiệp, rất nhiều người gặp khó khăn vì lương thấp", Mohammed Shujath Ali, đồng sáng lập nhà hàng, nói. "Chúng tôi không muốn lãng phí thực phẩm mà muốn tặng lại cho những người cần nó".

Đầu bếp chuẩn bị suất cơm miễn phí cho người nghèo trong nhà hàng ở Sharjah, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hôm 4/11. Ảnh: AP.
Khi các doanh nghiệp nhỏ ở UAE dừng hoạt động vào mùa xuân năm nay bởi Covid-19, Ali và vợ vẫn sẵn sàng mở cửa nhà hàng. Từng là kỹ sư cơ khí, Ali luôn mơ được mở nhà hàng của riêng mình, nơi những lao động nhập cư làm việc trong các nhà máy sản xuất nhựa và vải của Khu công nghiệp số 13 tại vùng Sharjah bụi bặm có thể thưởng thức các món ăn quen thuộc của Ấn Độ, Pakistan và Bengali với giá rẻ đặc biệt.
Hậu quả kinh tế mà Covid-19 gây ra thúc đẩy Ali thực hiện kế hoạch của mình. Hàng chục nghìn lao động ở Dubai mất việc chỉ sau một đêm, khi các khách sạn, nhà hàng và các hộ gia đình sa thải nhân viên ngành dịch vụ lương thấp để ứng phó với lệnh phong tỏa.
Những lao động này không phải là công dân UAE để nhận được các khoản hỗ trợ của chính phủ, nên họ phải dựa vào đồ từ thiện để sống sót.
Trong hơn hai tháng, nhà hàng Biryani Spot đã huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu cứu trợ thực phẩm ngày càng tăng trong khu vực. Nhà hàng phục vụ bánh mỳ paratha và một loạt các món cơm có thịt với giá dưới 1,5 USD vào ban ngày và miễn phí vào ban đêm.
Taj al-Islam, 50 tuổi, người Bangladesh, làm nghề rửa xe, chật vật để tiết kiệm 270 USD gửi về quê nuôi 5 đứa con mỗi tháng. Những suất cơm miễn phí giúp ông kéo dài quỹ dự phòng lâu hơn một chút.
Mohammed Shakeel, 38 tuổi, người Pakistan, đến vào lúc nửa đêm để lấy đồ ăn thừa mang về nhà thờ Hồi giáo của anh ở Dubai, cách nhà hàng khoảng 25 km. Sau 19 năm làm quản lý dịch vụ tại một đại lý xe hơi sang trọng, Shakeel bị sa thải khi Covid-19 tấn công nền kinh tế. Bây giờ, công việc hàng ngày của anh là đi từng công ty gõ cửa xin việc, mệt mỏi và váng vất vì thiếu ăn.
"Ở những nơi khác, tôi sẽ được hỗ trợ nếu mất việc như thế này, nhưng ở đây không ai giúp đỡ cả", Shakeel nói khi lấy đồ ăn.

Taj al-Islam (trái) nhận suất ăn miễn phí hôm 4/11. Ảnh: AP
Thách thức lớn nhất với Biryani Spot tới nay là lan truyền thông tin về bữa ăn miễn phí. Khu vực này rất rộng, vắng người qua lại. Nằm khuất trên phố, biển hiệu nhỏ màu vàng của nhà hàng rất dễ bị bỏ qua giữa hàng dãy cửa hàng xiêu vẹo và các tòa nhà bỏ hoang.
Ali quảng cáo tặng đồ ăn thông qua Facebook. Khi không có người đến, anh đóng gói cơm hộp, lái xe chở thẳng tới những khu vực đông người hơn như bến xe taxi hay khu văn phòng, nơi anh biết sẽ có những người làm nghề dọn dẹp ca đêm đói bụng.
Ali gọi những hộp cơm này là "đóng góp nhỏ nhoi" cho những người cần giúp đỡ, điều được răn dạy trong đức tin Hồi giáo của anh.
"Chúng tôi chỉ là một hộ kinh doanh nhỏ, làm công việc của mình, giống mọi người thực hiện công việc theo cách riêng của mỗi người", Ali nói.
Hồng Hạnh (Theo AP)