Khi nhà chức trách Singapore phát hiện Covid-19 hoành hành khắp các ký túc xá công nhân trên quốc đảo, họ đã phong tỏa toàn bộ công nhân bên trong, xét nghiệm và ban lệnh phong tỏa toàn quốc.
Đến tháng 8, chính quyền Singapore tuyên bố tất cả lao động trong ký túc xá đã khỏi bệnh hoặc âm tính nCoV, trong khi số người nhiễm mới bên ngoài khu vực này chỉ ở mức 2 ca mỗi ngày.
Tuy nhiên, số ca nhiễm trong ký túc xá công nhân bắt đầu tăng, lên mức 45 ca mỗi ngày, cho thấy những thách thức của nỗ lực khống chế Covid-19, ngay cả ở những khu vực được giám sát chặt chẽ.
Khi quốc gia rơi vào suy thoái và đối mặt áp lực lớn để vực dậy nền kinh tế, nhà chức trách Singapore đang lựa chọn biện pháp cách ly có chọn lọc thay vì hạn chế diện rộng như trước, nhưng đa số người lao động có thu nhập thấp vẫn bị quây lại trong các khu ký túc xá chật hẹp.
"Không có nhiều lựa chọn", Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth, nói. "Chúng tôi cần phải thực tế. Chúng tôi cần tiếp tục phát triển kinh tế".
Các khu ký túc xá, nơi ở của hơn 300.000 lao động trong các ngành công nghiệp như xây dựng, đóng tàu, với vài người ở chung một phòng, chiếm gần 95% trong tổng số hơn 57.000 ca nhiễm Covid-19 ở Singapore.
"Tình hình cho thấy khó khăn trong việc tiêu diệt loại virus này", Michael Osterholm, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Minnesota, người quan sát chặt chẽ chiến dịch của Singapore, nhận xét.
Khi Covid-19 bùng phát lại trong ký túc xá, người lao động phải cân nhắc để tránh thêm mối lo cho tương lai, còn các nhà tuyển dụng phải nghĩ cách đảm bảo đủ số lượng công nhân.
"Nhiều dự án đã khởi động lại phải dừng", Nixon Loh, tổng giám đốc công ty xây dựng Loh&Loh nói, cho hay 70 trong số 280 công nhân của mình buộc phải ở nhà lần nữa.
Nhiều người trong ký túc xá không nhiễm nCoV, nhưng việc cả khu bị cách ly khiến họ có nguy cơ nhiễm. Tuy nhiên, chính phủ Singapore cho hay họ đã chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Đối phó với đợt tái bùng phát lần này, thay vì đóng cửa hoàn toàn khu ký túc xá, Singapore đang đặt cược vào một hướng đi khác: để công nhân đi làm nhưng phải liên tục xét nghiệm, duy trì giãn cách xã hội ở khoảng cách rộng hơn, theo dõi sát và nhanh chóng cách ly người tiếp xúc gần với ca nhiễm.
"Chúng tôi tin rằng việc liên tục xét nghiệm sẽ giúp kiểm soát dịch", Tan See Leng, thứ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, nói.
Vẫn có nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn, khi rất ít ca nhiễm mới xuất hiện triệu chứng, trong khi xét nghiệm PCR có thể không phát hiện được virus ở thời điểm lấy mẫu.
Bộ Y tế Singapore cho hay một số ca nhiễm mới cho kết quả dương tính với xét nghiệm kháng thể, cho thấy đây là những trường hợp đã nhiễm nCoV nhưng đã bình phục và không còn khả năng lây cho người khác.
Những biện pháp khác được áp dụng để chiến đấu với virus là giảm bớt số người trong một phòng ký túc, kiểm tra nước thải để truy vết virus tại công trường và ứng dụng công nghệ rộng rãi hơn trong việc truy vết tiếp xúc với người nhiễm.
Hsu Li Yang, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, cho hay nguy cơ đóng cửa hàng loạt ký túc xá lần nữa rất thấp và các biện pháp kiểm dịch sẽ có mục tiêu cụ thể hơn.
Có điều, đa số công nhân nhập cư chỉ được đi lại giữa ký túc xá và nơi làm việc.
"Ngoài đi lại trên xe đưa đón, chúng tôi không được phép đi bất kỳ đâu", Sharif Uddin, một giám sát xây dựng, nói. "Tinh thần lúc nào cũng căng thẳng".
Ngành xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề khi các khu ký túc xá bị phong tỏa, khiến tăng trưởng quý II giảm 59%. Bởi ngày càng nhiều cụm dịch bùng lên, nhiều công nhân lại bị cách ly tiếp vài tuần sau khi đi làm lại. Một số sợ lại bị cách ly hơn là nhiễm Covid-19.
"Cảm giác như đang ngồi tù", Habibur Rahman, 25 tuổi, một công nhân xây dựng, nói. "Chúng tôi chỉ muốn quay lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi muốn làm việc toàn thời gian để kiếm tiền gửi về quê".
Hồng Hạnh (Theo Reuters)