Theo quan niệm dân gian, "tai Phật" tức là tai dày với dái tai to, dài. Người có "tai Phật" được cho là nhiều phúc khí, sống lâu, cuộc đời gặp may mắn, hậu vận tốt. Do đó một số người cậy nhờ phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ để tạo đôi tai to với mong ước được đổi vận số.
Hùng nhờ mua filler (chất làm đầy) giá hơn một triệu đồng về nhà tự tiêm vào tai, mỗi bên khoảng 0,4 ml. Tiêm xong, anh bị đau nhức, tai căng cứng, hôm sau phải tiêm chất giải rồi tự uống kháng sinh, kháng viêm. Đến ngày thứ ba, tình trạng nặng dần, vết thương hở, tai bầm tím, anh vào Bệnh viện Da liễu TP HCM khám.
Bác sĩ xác định dái tai bệnh nhân bị tắc mạch, loét hoại tử, phải điều trị hơn một tuần tình trạng viêm, hoại tử mới dần cải thiện. "Tôi chưa thấy đổi vận nhưng đã phải tốn thời gian, tiền bạc giải quyết hậu quả tiêm filler, may là tai có thể trở về như cũ", Hùng chia sẻ.
Anh Dũng, 27 tuổi, quyết định thẩm mỹ thành "tai Phật" vì tính chất công việc. Anh hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, được yêu cầu có dái tai to, dày để thực hiện những điệu múa khó. Anh được tiêm một loại chất, không rõ chất gì, vào dái tai. Sau một thời gian, vành tai có màu sắc không đồng nhất, anh tiêm chất giải nhưng không khôi phục được tai như ban đầu. Đến bệnh viện khám, bác sĩ ghi nhận dái tai của anh có nhiều mô hạt viêm, nghi do silicon. Các bác sĩ phẫu thuật lấy ra các mô hạt viêm, dịch tiết... rồi tái tạo dái tai, vành tai.
Tiêm "tai Phật" là dịch vụ được nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa quảng cáo thời gian gần đây. Như một cơ sở thẩm mỹ ở quận Bình Thạnh, quảng cáo "chỉ với chưa đến 3 triệu đồng, người được tiêm sẽ sở hữu dái tai to, đều đặn giống có tướng tài lộc, phú quý và may mắn", giúp "lộc lá ùn ùn kéo đến". Nhân viên cơ sở này giải thích là theo nhân tướng học, dái tai to dày số mệnh mới phú quý giàu sang, mang nhiều may mắn, giúp việc kinh doanh buôn bán thuận lợi, phát tài.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết bệnh viện thỉnh thoảng tiếp nhận những bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler thẩm mỹ thành "tai Phật". Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật, chất làm đầy không đảm bảo chất lượng. "Vùng tai có nhiều mao mạch nhỏ nên dễ bị chảy máu, bầm tím. Nếu tiêm quá nhiều filler hoặc tiêm nhầm vào mạch máu vùng dái tai sẽ căng tức, tắc mạch máu dẫn tới nguy cơ hoại tử vùng tai", bác sĩ phân tích.
Theo bác sĩ Giang, tiêm chất làm đầy là phương pháp làm đẹp được nhiều người lựa chọn vì hiệu quả tức thời, không phải đụng dao kéo, không mất thời gian nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, bác sĩ Trần Nguyên Giáp, giảng viên bộ môn Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khuyến cáo tiêm filler là thủ thuật nhỏ nhưng có những yêu cầu nghiêm ngặt, như tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn, tiêm đúng vị trí, không tiêm số lượng quá lớn gây chèn ép mô, hoại tử vùng tai, phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Có hai cách làm to phần dái tai, theo các bác sĩ thẩm mỹ, gồm tiêm filler và cấy mỡ tự thân. Loại filler phổ biến là HA (acid hyaluronic), có thể giữ được "tai Phật" trong 1-2 năm. Cấy mỡ là phương pháp lấy mỡ tự thân tiêm vào dái tai, có thể giữ được "tai Phật" hơn 3 năm nhưng phải cấy 2-3 lần, đòi hỏi các yêu cầu về kỹ thuật an toàn cao hơn. Nếu điều kiện thực hiện thủ thuật không đảm bảo, chất làm đầy kém chất lượng có thể gây sưng tấy, tạo thành ổ nhiễm trùng, áp xe lớn ở tai, chảy mủ, hoại tử vùng da xung quanh.
Chi phí thủ thuật bơm "tai Phật" khoảng 6-10 triệu đồng tùy loại filler sử dụng. Sau thủ thuật, nếu có dấu hiệu bất thường như đau nhức, thay đổi màu sắc da, chẳng hạn đỏ rực cả vùng da tai hoặc bị bầm tím, cần đến bệnh viện để xử trí kịp thời.
"Những người cơ địa sẹo lồi không nên tác động thẩm mỹ vào phần dái tai, vì nếu xảy ra sẹo lồi vùng tai thì rất khó điều trị", bác sĩ Giáp khuyến cáo.
Lê Phương