Trong quý II, Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu - đơn vị sở hữu thương hiệu Sữa Mộc Châu - đạt hơn 734 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng 44% lên gần 65 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Sữa Mộc Châu cũng tăng lần lượt 7,6% và 40%.
Sự chênh lệch giữa tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận nằm ở chỉ tiêu biên lợi nhuận gộp. Sau khi về một nhà với Vinamilk, hiệu suất kinh doanh của Sữa Mộc Châu được cải thiện đáng kể. Biên lợi nhuận gộp trong quý II tăng lên gần 30% so với mức 17% cùng kỳ năm 2019. Nửa đầu năm, tỷ lệ này cũng tăng lên 29%.
Kết quả này giúp lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh gần gấp đôi cùng kỳ, bù đắp cho tốc độ tăng của chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.
Không chỉ cải thiện về hiệu suất hoạt động, các giao dịch giữa Sữa Mộc Châu và Vinamilk cũng tăng đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu bán hàng gần 140 tỷ đồng cho Nhà máy sữa Tiên Sơn của Vinamilk.
Đến cuối quý II, tổng tài sản của Sữa Mộc Châu đạt gần 1.100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu gần 830 tỷ, trong đó lợi nhuận chưa phân phối hơn 130 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, Vinamilk sở hữu 75% vốn GTN Foods, công ty mẹ của Mộc Châu Milk. Hai tháng sau thương vụ này, bà Mai Kiều Liên trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của GTN Foods và Sữa Mộc Châu.
CEO Vinamilk cho biết hiệu quả của thương vụ này là giá trị cộng hưởng giữa Sữa Mộc Châu và Vinamilk được tạo ra từ lợi thế của mỗi bên. Sữa Mộc Châu chưa tìm được đường vào thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong khi Vinamilk có sẵn tiềm lực từ hệ thống phân phối có thể giúp làm được điều này. Ngược lại, Vinamilk có thể mở rộng tới những thị trường Tây Bắc nhờ sự hỗ trợ của Mocchaumilk.
Bà Liên cũng khẳng định Vinamilk sẽ không xóa bỏ thương hiệu Sữa Mộc Châu. Hai công ty sẽ hoạt động song song, nhưng sẽ kết hợp những thế mạnh của nhau. Trong đó, Vinamilk sẽ hỗ trợ Sữa Mộc Châu về quản trị, làm lại thương hiệu, thay đổi bộ nhận diện mới.
Minh Sơn