"Hậu trường" của thương vụ đầu tư Vinamilk vào GTNFoods được CEO Vinamilk chia sẻ với VnExpress bên lề phiên họp thường niên năm 2020 của GTNFoods.
Theo bà Mai Kiều Liên, Vinamilk trở thành cổ đông lớn của công ty mẹ Sữa Mộc Châu không phải do chủ động từ đầu, mà phía GTNFoods tìm đến họ. "Một cổ đông lớn của GTNFoods đã đặt vấn đề với Vinamilk về nguyện vọng thoái vốn. Lúc đó, ban lãnh đạo công ty đã xem xét vấn đề này như một cơ hội đầu tư và sau khi bàn bạc với lãnh đạo GTN, Vinamilk quyết định sẽ tham gia", bà Liên cho biết.
Hiệu quả của thương vụ này, theo CEO Vinamilk, là giá trị cộng hưởng giữa Sữa Mộc Châu và Vinamilk được tạo ra từ lợi thế của mỗi bên. Sữa Mộc Châu vẫn chưa tìm được đường vào thị trường phía Nam và xuất khẩu, trong khi Vinamilk có sẵn tiềm lực từ hệ thống phân phối có thể giúp làm được điều này. Ngược lại, Vinamilk có thể mở rộng tới những thị trường Tây Bắc nhờ sự hỗ trợ của Mocchaumilk.
Bà Liên cũng đánh giá, thương vụ này có thể là "cú hích" với Vinamilk. Sữa, cũng như nhiều ngành hàng khác, không thể lúc nào cũng tăng hai con số, theo lời lãnh đạo công ty sữa lớn nhất Việt Nam. Riêng với Vinamilk, tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng là chậm so với chính mình.
"Nếu so với tốc độ tăng trưởng chung của ngành sữa trên thế giới, tốc độ tăng của Vinamilk có thể xem là không hề thấp. Nói như vậy không phải để bào chữa cho sự khó khăn. Nhưng với sự kết hợp cùng Mocchaumilk, điều này thực sự sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cả hai bên", bà Liên nói.
Trước câu hỏi Vinamilk và Mocchaumilk liệu có "giẫm lên chân nhau" khi cả hai thương hiệu cùng hoạt động trong ngành sữa, bà Liên cho rằng điều này sẽ không xảy ra.
"Dù hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng ngành hàng, nhưng rõ ràng từ trước đến nay, Sữa Mộc Châu và Vinamilk vẫn cùng phát triển, cùng có tăng trưởng. Thị trường sữa vẫn còn rất lớn, ngoài Mộc Châu và Vinamilk vẫn còn những đối thủ khác. Chúng tôi hoàn toàn có thể gia tăng thêm thị phần", bà Liên nói.
Công việc đầu tiên sau khi Vinamilk tham gia sâu hơn là đánh giá lại quỹ đất của Mocchaumilk để xây dựng trang trại bò sữa công nghệ cao, có thể theo hướng sữa hữu cơ hoặc sữa theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Dự kiến Sữa Mộc Châu đầu tư trang trại bò với quy mô 4.000 con, tổng mức đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Việc tiếp theo là nâng cấp thiết bị tại nhà máy sữa, sau đó, khi có đầy đủ điều kiện sẽ xây dựng nhà máy mới để đảm bảo sự đồng bộ. Bước đi này, theo bà Liên, sẽ đúng như cách mà Vinamilk đã làm để thành công ty sữa lớn nhất thị trường, là đi từ thấp đến cao, không nhanh nhưng cũng không chậm.
CEO Vinamilk cũng nhấn mạnh sẽ "không xóa bỏ thương hiệu Sữa Mộc Châu". "Thương hiệu Sữa Mộc Châu và Vinamilk vẫn sẽ giữ nguyên, nhưng hai công ty sẽ kết hợp những thế mạnh của nhau. Trước mắt, Vinamilk sẽ hỗ trợ Sữa Mộc Châu làm lại thương hiệu, thay đổi bộ nhận diện mới. Thương hiệu Sữa Mộc Châu sẽ vẫn giữ nguyên, nhưng hình ảnh sẽ thay đổi để tăng khả năng nhận diện khách hàng, phù hợp hơn cho xuất khẩu", bà Liên nhận định.
Trước câu hỏi về ảnh hưởng của dịch viêm phổi tới hoạt động của Vinamilk, bà Liên nói rằng điều này thậm chí còn là cơ hội, "trong cái rủi có cái may".
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe, đặc biệt là những sản phẩm nhiều dinh dưỡng như sữa. Doanh số bán hàng qua kênh siêu thị của Vinamilk đã gia tăng gần đây. Ảnh hưởng lớn nhất, theo bà Liên, là chương trình sữa học đường khi các học sinh kéo dài thời gian nghỉ. Tuy nhiên vấn đề này chỉ là sự thay đổi trong chu trình sản xuất.
Theo nguồn tin của VnExpress, sau khi trở thành Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ mới của GTNFoods, bà Liên cũng đồng thời được bầu vào vị trí Chủ tịch tại các công ty thành viên khác, bao gồm Vilico và Sữa Mộc Châu.
Minh Sơn