Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi chiều 2/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, hoạt động tội phạm ma túy ngày càng phát triển. Trước đây, ma túy tính bằng gram thì hiện nay tính bằng tấn, chục tấn. Trước đây có xã, huyện không có ma túy thì bây giờ đã có mặt ở hầu hết các địa bàn hành chính, đặc biệt là xâm nhập vào giới trẻ gây lo lắng cho người dân. "Chúng tôi đã chặn biên giới hàng nghìn bánh ma túy heroin, chỉ cần có tín hiệu ở trong nước thôi là bằng mọi cách tội phạm sẽ chở ma túy vào".
Theo Bộ trưởng Công an, nguyên nhân khiến tội phạm ma túy lộng hành như trên do một số nước có xu hướng hợp pháp hóa ma túy. Điều này tác động tiêu cực tới các nước phát triển. Tại Việt Nam, người nghiện ma túy được coi là người bệnh. Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không phải là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Tất cả những điều đó khiến Việt Nam trở thành địa bàn có nhu cầu sử dụng ma túy lớn.
Hơn nữa, việc xử lý tội phạm ma túy rất khó khăn khi quy định ma túy phải là tinh chất. Trong khi đó không có ma túy tinh chất vì đây là hàng hóa giá trị cao, ngay cả tội phạm cũng pha trộn những chất khác vào để có lời. "Công an khi phát hiện bánh 70% ma túy cũng không thể buộc tội cho nhóm buôn bán ma túy, nhưng người sử dụng thì vẫn nghiện".
Nếu coi người nghiện ma túy là con bệnh, hàng năm Chính phủ phải nhập về chính thức một lượng ma túy nhất định để cung cấp cho những người nghiện. Nhà nước phải xây dựng cơ sở đồng bộ để chữa bệnh. "Đây là việc không thể làm khi rất nhiều người dân lương thiện đang chờ Chính phủ giúp đỡ", người đứng đầu ngành công an nói.
Bộ Công an xác định tội phạm ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, là nguyên nhân gây ra các loại tội phạm khác. Trên 50% người bị giam giữ trong trại giam của Bộ Công an liên quan đến ma túy.
Ông cho biết, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ thị nêu rõ sớm sửa đổi bổ sung Luật phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn phòng chống ma túy và có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
"Chúng tôi đã có hơn một năm khẩn trương soạn thảo luật này", Bộ trưởng Công an nói, khẳng định dự luật sửa đổi, bổ sung các chế tài nhằm không để Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy. Dự luật cũng quy định rõ về tiền chất ma túy, ngăn chặn việc lợi dụng sơ hở để tinh chế ma túy từ tiền chất; quy định giải pháp quản lý người nghiện để hạn chế nguồn cung trong nước, ngăn chặn nguồn cung cấp từ nước ngoài vào. "Chúng tôi sẽ có các giải pháp cai nghiện, trong đó tính đến nhân quyền, nhưng nhân quyền lớn nhất là bảo đảm cuộc sống an toàn cho đại đa số nhân dân", Đại tướng Tô Lâm nói.
Thảo luận tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nhất trí cần phải sửa luật vì tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp khi nhiều lái xe container dương tính với ma túy, gây ra tai nạn nghiêm trọng. Ông cũng bày tỏ lo lắng với nạn ma túy tại các nhà hàng, quán ba, karaoke, vũ trường.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng đồng tình cần có chế tài mạnh để phòng, chống ma túy. Theo ông, ma túy chủ yếu gây tác hại ở các nước nghèo vì càng nghèo càng khổ thì ma túy càng có cơ hội tấn công. Việt Nam hiện nay lại đang có đủ các loại hình thức ma túy, từ các sơ đẳng là thuốc phiện, đến heroin, ma túy đá...
Đại biểu Bùi Mậu Quân (nguyên Cục trưởng Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) cho rằng, cần đấu tranh triệt để với tội phạm ma túy để cắt nguồn cung, đặc biệt là đấu tranh với các đường dây từ nước ngoài. "Ma túy là vấn đề xã hội nên phải đấu tranh có bài bản", ông nói.
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay lần đầu tiên họ dùng nhằm ngăn chặn tái phạm. Chủ tịch UBND cấp xã giao công an cấp xã chủ trì phối hợp cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là một năm với người người từ đủ 18 tuổi trở lên; 6 tháng với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó. Cơ quan y tế và công an có thẩm quyền xét nghiệm. Nhà nước đảm bảo kinh phí và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.
Dự luật sửa đổi lần đầu trình Quốc hội xin ý kiến; ngày 12/11, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường.