Chiều 11/9, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Thay mặt Chính phủ đọc tờ trình, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho biết luật sửa đổi bổ sung đã thêm một chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy".
Lý giải điểm mới này, ông Vương cho biết, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm qua ngày càng tăng, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Hình thức sử dụng đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...
Từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự khiến việc này càng trở nên phức tạp. Sự bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng... đã tạo điều kiện cho nhiều người lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, năm 2019 cả nước có gần 3.900 cơ sở kinh doanh có điều kiện (vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, club...) có biểu hiện liên quan tội phạm và tệ nạn ma túy. Hơn 13.800 người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở này đã bị xử lý hành chính; độ tuổi dưới 18 chiếm 4%, từ đủ 18 đến 35 tuổi là 85%, từ 35 tuổi trở lên 11%.
Người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Có những vụ kẻ ngáo đá giết chính người thân của mình.
Thứ trưởng Vương đánh giá dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội của người nghiện ma túy, nhưng lại chưa có quy định quản lý họ. Tiền phạt hành vi sử dụng trái phép chất ma túy cũng chưa đủ sức răn đe, chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt từ 500.000 đồng đến một triệu đồng. "Cần phải quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và có chế tài nghiêm khắc hơn với hành vi sử dụng theo đúng Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị", ông Vương nói.
Dự thảo luật lần này đã bổ sung quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay lần đầu tiên họ dùng nhằm ngăn chặn tái phạm. Chủ tịch UBND cấp xã giao công an cấp xã chủ trì phối hợp cơ quan, tổ chức, đoàn thể cùng cấp và gia đình quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy.
Thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là một năm với người người từ đủ 18 tuổi trở lên; 6 tháng với người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi, kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó. Cơ quan y tế và công an có thẩm quyền xét nghiệm. Nhà nước đảm bảo kinh phí và đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy là hành vi vi phạm pháp luật. Thường trực Ủy ban tán thành việc bổ sung các quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Đây được coi là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn một người tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến bị lệ thuộc và trở thành nghiện ma túy.
Việc bổ sung quy định này cũng góp phần thể chế hóa quan điểm chỉ đạo có "chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy" được nêu tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cung cấp thêm thông tin lý giải sự khác nhau về thời hạn quản lý với người sử dụng trái phép chất ma túy từ đủ 18 tuổi và dưới 18 tuổi. Ban soạn thảo cũng cần cân nhắc bổ sung trường hợp các lực lượng chuyên trách khi phát hiện người sử dụng trái phép chất ma túy thì có thể xử lý phân luồng, chuyển tài liệu liên quan cho UBND cấp xã nơi người đó cư trú chứ không phải UBND cấp xã nơi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Cho ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc quản lý người nghiện. Ông nói trong xã phường chỉ cần có một người nghiện ma túy cũng khiến cả cộng đồng lo lắng. Gia đình có người nghiện thì tan cửa nát nhà.
Đồng tình, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nói ma túy "nghiện thì nhanh nhưng cai nghiện rất khó". Kể chuyện khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, một người cai nghiện thành công được đưa lên làm điển hình. Người này lấy dao chặt ngón tay để cam kết không nghiện nữa thế nhưng cuối cùng vẫn tái nghiện. Qua ví dụ này, ông đề nghị phải trị từ gốc, giáo dục, tuyên truyền và phòng ngừa từ xa ma túy.