Đó không phải là phụ huynh duy nhất trong những ngày này tặc lưỡi tham gia chương trình “Sữa học đường quốc gia” một cách không thoải mái. Tên đầy đủ của chương trình này là “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học”. Mục tiêu được nêu lên là giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam. Được ký năm 2016, nhưng tới năm học này nó gây chú ý khi Hà Nội bắt đầu triển khai.
Bạn nói, thôi thì đã xác định cho con học trường công là phải chấp nhận hết những chính sách, giống như đã từng chấp nhận rất nhiều điều khác: góp tiền lắp điều hòa, tiền mua máy chiếu; đóng tiền học tiếng Anh liên kết với trung tâm bên ngoài... Nhưng việc uống sữa này, dấy lên nhiều băn khoăn hơn cả, vì nó trực tiếp liên quan đến sức khỏe của con.
Có mấy bằng đại học, đọc nhiều sách dinh dưỡng, vị phụ huynh “đã ký giấy uống sữa” tâm sự, thật lòng thì cô không muốn cho con ăn, uống bất kỳ cái gì ở trường mà cô không được biết về thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Đặc biệt là với sữa thì ngày sản xuất còn quan trọng hơn hạn sử dụng. Đọc thông báo của trường, sau một dãy dài các văn bản trích dẫn về tính pháp lý của chương trình này, các phụ huynh rất băn khoăn khi chỉ có một câu duy nhất nói về chất lượng sữa, rằng: “Sữa được dùng trong chương trình Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không đường, đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành của Bộ Y tế”.
Theo văn bản từ nhà trường, mỗi nhà sẽ đóng góp không quá 3.400 đồng cho một hộp sữa, 5 hộp mỗi tuần trong 9 tháng con đi học. Tức sẽ phải chi thêm hơn 600.000 đồng tiền sữa cho một học sinh trong năm học này. Nó không phải là số tiền quá lớn đối với các gia đình trung lưu thành thị, nhưng nó đi kèm với băn khoăn về sức khỏe của con do uống sữa không phù hợp. Vụ việc 73 cháu mầm non ở Đồng Nai phải nhập viện cấp cứu ngày 2/3/2018, sau khi uống sữa thuộc Đề án Sữa học đường là một ví dụ.
Câu hỏi đặt ra là hệ thống giáo dục có nhất định phải can thiệp vào chế độ dinh dưỡng của học sinh? Nếu câu trả lời là có, rằng vấn đề suy dinh dưỡng, tầm vóc và thể lực của trẻ em Việt Nam đã trở thành một vấn đề khẩn thiết, buộc phải sử dụng hệ thống nhà trường để can thiệp, thì hơn một lít sữa tiệt trùng mỗi tuần có giải quyết được vấn đề?
Chương trình dạy và học thể dục - thể thao trong nhà trường hầu như không có mấy thay đổi trong suốt nhiều năm qua, chủ yếu vẫn là tập đội hình, đội ngũ và vận động cơ bản, với thời gian rất hạn chế. Một yếu tố quan trọng khác để cải thiện tầm vóc là giấc ngủ của trẻ, thì ngày càng bị “ăn lẹm” một cách thảm thương, do chương trình học đè nặng. Chỉ bằng việc uống thêm một hộp sữa nhỏ mỗi ngày, không có mấy cải thiện về vận động hay giấc ngủ, thì mục tiêu “góp phần tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5-2cm so với năm 2010” quả là một cái đích đáng hoài nghi.
Mục tiêu tầm vóc và thể lực là không sai, nhưng để hướng tới điều đó, “sữa” không thể là giải pháp toàn năng. Nếu hệ thống giáo dục quyết định can thiệp vì tương lai giống nòi, cần một chương trình tổng thể về dinh dưỡng, chứ không phải là một chương trình đơn lẻ với một thực phẩm bổ sung dinh dưỡng duy nhất. Nếu “sữa” có quyền đứng đơn lẻ, thì liệu có cần thêm các chương trình “Thịt bò học đường”, “Cam học đường” hay là “Cải bó xôi học đường”?
Thế nhưng cô bạn tôi, sau nhiều năm đọc các tài liệu cả Đông lẫn Tây, vẫn đành phải ký giấy đồng ý cho con uống sữa ở trường như nhiều phụ huynh khác. Ở lớp đó, tỷ lệ các cháu uống sữa học đường đã được quy thành một loại “chỉ tiêu”, một loại thành tích; cũng giống như mọi chỉ tiêu khác đều được thể hiện bằng con số. Bất kỳ con số nào dưới mức hoàn thành kế hoạch, sẽ đều là một bất lợi đối với lớp, với cô giáo, với nhà trường. Mặc dù thông điệp được chính quyền đưa ra là “không ép” nhưng thật khó cho một ngôi trường báo cáo rằng họ không hoàn thành chương trình quốc gia. Thôi thì 600.000 đồng một năm để hoàn thành chỉ tiêu, các bậc phụ huynh đành chấp nhận.
Đó là số tiền của mỗi gia đình. Còn trên toàn thành phố, ngân sách Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018-2020 là gần 4.190 tỷ đồng. Không thể cho đó là một con số nhỏ, ngay cả đối với những công dân giàu có và lạc quan, bởi chưa có cơ sở nào để họ có thể yên tâm rằng, việc can thiệp vào cả việc ăn uống của con họ ở trường sẽ mang lại kết quả như mục tiêu của đề án, hoặc chỉ cần đừng có rủi ro nào với sức khỏe của con em.
Mặt khác, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc, có hay không một mục đích liên quan đến lợi nhuận của nhà cung cấp sữa, bên cạnh mục tiêu trên giấy trắng mực đen là cải thiện thể chất?
Không ít người khi phải ký vào giấy đồng ý uống sữa học đường tự hỏi rằng, năm sau hoặc năm sau nữa, liệu có xuất hiện các chương trình mà gắn một loại sản phẩm khác với “học đường” hay không. Việc tuyệt đối hóa tác dụng của bất kỳ một loại thực phẩm nào mà thiếu đi những khảo sát, nghiên cứu và giải thích thuyết phục cho một tương lai lâu dài của con trẻ, sẽ không tạo ra kết quả tích cực. Ngược lại, nó chỉ gây thêm mối nghi ngờ cho hàng triệu phụ huynh về những quyết sách ảnh hưởng đến con, cháu mình.
Trịnh Hằng