Việc hai quan chức cấp cao Lầu Năm Góc tuần trước từ chức đã khiến số ghế bị bỏ trống ở Bộ Quốc phòng Mỹ lên mức cao mới. Không ít người cho rằng tình trạng trên bắt nguồn từ những thông tin nhiễu loạn quanh quyết định từ chức của bộ trưởng quốc phòng James Mattis, theo Foreign Policy.
Tư lệnh Không quân Mỹ Heather Wilson thông báo ý định rời chức vụ hôm 8/3, kết thúc nhiều tháng đồn đoán trước câu hỏi liệu bà sẽ được Tổng thống Donald Trump đề bạt làm bộ trưởng quốc phòng hay sẽ bị sa thải vì tham gia vào chiến dịch ngăn cản kế hoạch thành lập Quân chủng Vũ trụ do Trump khởi xướng.
Diễn ra cùng ngày nhưng ít được chú ý hơn là quyết định từ chức của Phyllis Bayer, phó tư lệnh hải quân phụ trách về năng lượng, môi trường và thi công.
Số lượng ghế trống tại Lầu Năm Góc hiện nay gợi nhớ về thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ của Trump, khi Nhà Trắng vất vả tìm kiếm ứng viên đảm nhận những chức vụ cao trong các bộ. Tuy nhiên, việc bộ trưởng Mattis từ chức và câu hỏi liên quan đến phong cách quản lý của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan cũng như việc chính quyền Trump trì hoãn bổ nhiệm một bộ trưởng mới đang khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn, chuyên gia nhận định.
Số vị trí trống khiến các quan chức quốc phòng kỳ cựu cảm thấy lo lắng. Họ quan ngại tình trạng quá nhiều vị trí quan trọng bị thiếu có thể làm giảm hiệu quả công việc của Lầu Năm Góc.
"Những người tạm quyền, vai trò của họ không đáng kể", Jim Townsend, cựu quan chức Lầu Năm Góc, nhận xét. "Khi bạn có những vấn đề cần xử lý hay những sáng kiến cần thực hiện, các quan chức tạm quyền khó có thể tự quyết. Đây là lúc những quan chức được bổ nhiệm nhảy vào thể hiện vai trò lãnh đạo".
Hai trong 7 vị trí thứ trưởng và gần một nửa trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ hiện đều do các quan chức tạm quyền đảm nhận. Nhiều vị trí phó trợ lý bộ trưởng cùng hàng loạt chức danh cấp cao khác tại Lầu Năm Góc vẫn bỏ trống. Townsend cho hay số vị trí trống tại Bộ Quốc phòng hiện nay là "chưa từng có tiền lệ".
Tuy nhiên, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Eric Pahon, tình trạng một số vị trí bị bỏ trống trong giai đoạn chuyển giao là điều bình thường và nó không ảnh hưởng tới hoạt động thường nhật của Bộ.
"Với mỗi thay đổi ở vị trí lãnh đạo cấp cao, thông thường, đội ngũ nhân sự hỗ trợ cũng sẽ thay đổi theo. Thời gian kể từ lúc bộ trưởng Mattis bất ngờ từ chức tới nay khá ngắn và Lầu Năm Góc không có bất kỳ gián đoạn nào trong hoạt động dưới sự lãnh đạo của quyền bộ trưởng", Pahon nói.
Dù vậy, sự trống trải ở Bộ Quốc phòng một lần nữa làm bật lên mối quan ngại lớn hơn trước câu hỏi có bao nhiêu vị trí trong chính quyền Trump còn trống sau hai năm ông bước chân vào Nhà Trắng.
Theo Washington Post và tổ chức Partnership for Public Service chuyên phân tích các vấn đề của chính phủ, đến nay, chỉ 429 trên 712 vị trí chủ chốt trong chính quyền Mỹ mà cần Tổng thống đề cử và thượng viện thông qua được lấp đầy.
Nhà Trắng tuần qua ngụ ý có thể sớm đề cử Shanahan đảm nhận chức Bộ trưởng Quốc phòng nhưng lưu ý rằng quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Một cựu quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo động thái trên có thể khiến thêm nhiều người nữa rời khỏi Bộ.
"Tại Bộ Quốc phòng, hầu hết mọi người gia nhập để hỗ trợ Tổng thống và làm việc cho Mattis. Không ai đến để làm việc cho Shanahan", ông nói.
Mặt khác, theo ông, phong cách quản lý thiếu quyết đoán, sự thiếu kinh nghiệm chính trường cũng như không am hiểu về vai trò của quốc hội ở Shanahan cũng có thể khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc rút lui. Shanahan từng công tác tại tập đoàn Boeing hơn 30 năm trước khi nhận chức thứ trưởng quốc phòng hồi năm 2017.
"Bộ trưởng Mattis là người vô cùng khôn ngoan. Ông chấp nhận ý kiến bất đồng và lắng nghe nhiều hơn nói. Trái lại, Shanahan nghĩ mình là chuyên gia ở mọi lĩnh vực và thường xuyên bác bỏ những quan điểm bất đồng hoặc khác biệt", cựu quan chức Lầu Năm Góc bình luận.
Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, những bất đồng giữa Shanahan và tư lệnh Wilson là nguyên nhân khiến bà quyết định từ chức. "Bà ấy không muốn làm việc cho quyền bộ trưởng quốc phòng hiện nay", nguồn tin cho hay.