![]() |
Những ngôi mộ của người Do Thái ở St Petersburg bị bôi các chữ thập Đức Quốc xã. |
Một ví dụ mới đây nhất ở Nga là việc báng bổ các ngôi mộ của người Do Thái ở thành phố St Petersburg bằng những chữ thập Đức Quốc xã. Tháng 11 năm ngoái, các vụ nổ bên ngoài 2 giáo đường Do Thái ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) làm 25 người chết (đa số các nạn nhân thực ra là người Hồi giáo). Cùng ngày hôm đó, một trường học Do Thái ở Paris (Pháp) bị đốt cháy. Còn gần đây, các nhóm phát xít mới đã tấn công nhà của những nhân vật nổi tiếng gốc Do Thái trong Công đảng cầm quyền ở Anh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Romano Prodi mở hội thảo về nạn bài Do Thái ở Brussels hôm thứ năm tuần trước. Cuộc họp suýt nữa không diễn ra: Ông Prodi dọa hủy bỏ nó, sau khi Chủ tịch Đại hội Do Thái Thế giới tuyên bố rằng chính ủy ban này cũng bài người Do Thái. Những lời chỉ trích xuất phát từ việc EU công bố kết quả một cuộc thăm dò hồi tháng 11. Theo đó, 59% số người được hỏi nói rằng Israel là một mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.
Tại hội thảo, Elie Wiesel, từng sống tại trại tập trung Auschwitz và được trao giải Nobel, bình luận người Do Thái châu Âu đang phải sống “trong lo sợ” và một số đã tính chuyện rời bỏ nơi sinh quán. Ông Prodi thì bác bỏ những lời ám chỉ tình hình hiện nay tồi tệ như những năm 1930 và 1940, nhưng cũng đề nghị củng cố luật chống phân biệt chủng tộc của EU.
Nạn bài Do Thái nghiêm trọng nhất là ở Pháp, nước có cộng đồng Do Thái (600.000 người) và Hồi giáo (5 triệu) lớn nhất châu Âu. Theo các số liệu của chính phủ, các biện pháp chống bài Do Thái tại các trường học Pháp đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarcozy nhận xét hồi tháng này số vụ tấn công đã giảm 37% năm 2003. Nhưng các tổ chức Do Thái cho biết có nhiều vụ khác đã không được chính phủ ghi lại.
Tư tưởng bài Do Thái ở châu Âu xuất hiện từ hàng thế kỷ trước, bắt nguồn từ ý nghĩ rằng người Do Thái phải chịu trách nhiệm tập thể về cái chết của Chúa Jesus. Mãi đến năm 1965, nhà thờ Cơ đốc giáo mới chính thức bác bỏ quan niệm này. Một cuộc thăm dò, do Liên đoàn chống Bôi nhọ (ADL), có trụ sở ở Mỹ, tiến hành năm 2002, cho thấy 30% số người được hỏi tại 10 nước châu Âu đồng ý rằng “người Do Thái có quá nhiều quyền lực trong lĩnh vực thương mại”. Không chỉ ở châu Âu, một cuộc thăm dò tương tự do ADL thực hiện ở Mỹ cho thấy 24% dân chúng Mỹ cũng có chung ý nghĩ như vậy. Dĩ nhiên, ở các nước Hồi giáo, tư tưởng bài Do Thái còn sâu sắc hơn, nó thường được cho phép, thậm chí khuyến khích trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Những tín đồ đạo Hồi cũng có thể đặt ra câu hỏi tương tự: Thế còn tư tưởng bài Hồi giáo ở châu Âu, Mỹ và các nơi khác thì sao? Quả thật, các cuộc thăm dò dư luận tại EU cho thấy thành kiến đối với người Hồi giáo còn hằn sâu hơn Do Thái. Tại Pháp, 10% dân chúng thừa nhận ghét người Do Thái, nhưng có tới 23% không thích người gốc Bắc Phi. Các vụ tấn công nhằm vào người Hồi giáo đã gia tăng ở châu Âu kể từ sau sự kiện 11/9. Đáng chú ý là hiện nay, lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu Jean-Marie Le Pen nhằm hầu hết những lời phỉ báng của ông vào người Hồi giáo, chứ không phải Do Thái.
Các nhóm Do Thái và chính phủ Israel than phiền rằng báo chí phương Tây thường chĩa mũi dùi vào Israel và các chính sách an ninh của nước này. Theo họ, những lời chỉ trích thái quá thể hiện tư tưởng bài Do Thái ngầm. Phản ứng của Israel đối với cách đưa tin của BBC khiến đài này mới đây chỉ định một nhà báo có uy tín chuyên giám sát việc đưa tin về Trung Đông và lo giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc người Israel hay Palestine cảm thấy bị báo chí phân biệt đối xử là kết quả một sự hiểu lầm, do khó khăn trong việc đưa tin hai chiều, hơn là vì thành kiến. Thực ra, số người châu Âu kỳ thị Do Thái chỉ chiếm một thiểu số, mặc dù thiểu số này không phải không đáng lo ngại.
Minh Châu (theo Economist)