Việc đi nước cờ độc đoán này cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đến cùng trong vấn đề biển Đông. Bởi nếu các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ngưng đấu thầu tại Việt Nam, kèm theo những động thái trừng phạt kinh tế khác, trước mắt sẽ gây hệ lụy lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta vốn giao thương nhiều với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và nông nghiệp. Nhưng nhìn một cách sâu xa, đây lại là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp của chúng ta chiếm lĩnh và làm giàu từ chính thị trường Việt.
Trong lĩnh vực xây dựng, Trung Quốc là chủ thầu của rất nhiều dự án nhà tầng lớn, các công trình quy hoạch đường xá quy mô quốc gia tại Việt Nam, với tốc độ xây dựng đến chóng mặt. Tuy nhiên, trừ những công trình đặc thù đòi hỏi công nghệ cao như nhà máy điện, tàu điện ngầm, cao ốc... thì các công trình dân sinh như cầu cống, đường sá, nhà vài chục tầng, doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn đủ sức thi công. Nhiều đơn vị thi công của chúng ta có đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật và trang thiết bị máy móc khá tốt.
Hơn nữa, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, những dự án hạ tầng dân sinh luôn cần được chú trọng hàng đầu. Việc nhà thầu Trung Quốc rút về nước ồ ạt sẽ khiến lĩnh vực xây dựng của chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung vật liệu và công nghệ cao, song lại mở ra mảnh đất màu mỡ cho các công ty xây dựng.
Về phía nhà nước, cần quên đi những khoản lợi ích nhỏ trước mắt mà Trung Quốc đem lại để tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp của ta được tham gia đấu thầu xây dựng, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ nguồn vốn đáp ứng cho thi công.
Về phía doanh nghiệp, cần nhanh chóng đổi mới công nghệ, đào sâu những hướng thi công mới, tích cực tham gia đấu thầu các công trình vừa với sức mình. Đây cũng là điều kiện tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn nhân công của chúng ta. Câu chuyện về việc Việt Nam tự lực xây cầu Chương Dương trong khi cầu Thăng Long còn dang dở là minh chứng lớn nhất cho khả năng tự lực của chúng ta.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của chúng ta. Nếu Trung Quốc hạn chế nhập khẩu hàng nông nghiệp từ Việt Nam không khỏi khiến bà con nông dân lao đao. Việc trông mong quá nhiều vào Trung Quốc khiến chúng ta quên đi thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân trong nước. Các doanh nghiệp cần liên kết với nhau xây dựng một nền nông nghiệp đồng bộ, hiện đại nhằm nhằm cho ra năng suất cao, nâng cao chất lượng nông sản. Đồng thời, cũng cần quản lí giá cả chặt, hướng tới thị trường trong nước và những thị trường đa dạng hơn.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải nâng cao khả năng dự báo, nghiên cứu thị trường, giúp quy hoạch tốt các vùng nguyên liệu, dự báo sản lượng cho vùng đó, tránh tình trạng năm thừa, năm thiếu, nông sản dễ bị ép giá. Bên cạnh đó, cần đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp như máy móc, hóa chất, nghiên cứu giống, chế biến nông sản. Tránh nhập quá nhiều nguyên vật liệu từ nước ngoài sẽ gây hạn chế cho khâu chế biến nông sản. Nhà nước và doanh nghiệp cũng cần giáo dục nâng cao ý thức cho người nông dân, để họ không vì lợi nhuận trước mắt mà phá bỏ hợp đồng.
Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc lâu nay đã giúp họ dần thâu tóm thị trường Việt Nam. Tuy nhiên gần đây, vấn đề này đang dần được khắc phục. Đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp. Điều cần làm nhất với các doanh nghiệp của ta lúc này là tích cực đầu tư công nghệ, lao động nghiệm túc, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, lấy lại niềm tin từ thị trường trong nước.
Hiện nay, việc Trung Quốc không xuất nguyên liệu qua Việt Nam đã thúc đẩy các doanh nghiệp tại Bình Dương bắt tay đi tìm nguồn cung từ các nước khác. Kết quả là các sản phẩm hàng hóa đã có những bước tiến đáng kể về chất lượng.
Lịch sử đã cho thấy, chưa từng có quốc gia nào thịnh vượng khi dựa vào Trung Quốc. Chúng ta đã làm ăn quá nhiều với nền kinh tế Trung Quốc suốt hàng chục năm qua, nên việc từ bỏ sẽ gây hệ lụy không nhỏ trước mắt. Nhưng về lâu dài, việc đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà nước cải thiện tư duy làm ăn, cải thiện môi trường đầu tư và chịu khó động não tìm đối tác ở các nước khác. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh, làm phong phú thêm môi trường đầu tư.
Bất cứ cuộc thai nghén nào cũng phải trải qua cơn đau đẻ, đây là cơ hội ngàn năm có một, nếu chúng ta biết "vượt cạn" thành công, thì tương lai, chúng ta sẽ thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều cần thiết nhất đối với các doanh nghiệp của chúng ta lúc này là nắm bắt cơ hội, đổi mới tư duy sản xuất, kinh doanh để nhanh chóng vực dậy tiềm năng kinh tế Việt tự lực tự cường.
>> Xem thêm : Giàn khoan Trung Quốc không có thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Chia sẻ bài viết của bạn về biển Đông tại đây