Đà tăng của nhóm cổ phiếu công nghệ đã nâng chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục vào thứ ba (18/8), bất chấp đại dịch đang phá hủy cả nền kinh tế. Số liệu của Credit Suisse chỉ ra cổ phiếu của Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft và Facebook - 5 công ty đại chúng lớn nhất ở Mỹ - đã tăng 37% trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, các mã còn lại trong S&P 500 giảm 6%.
Năm công ty này hiện chiếm 20% tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán. Đây là mức chưa từng có đối với một lĩnh vực trong ít nhất 70 năm. Giá trị của Apple cao nhất trong nhóm, có thời điểm đạt 2.000 tỷ USD phiên hôm qua (19/8), gấp đôi so với 21 tuần trước.
Các hãng công nghệ thống trị thị trường chứng khoán nhờ khả năng có mặt trong mọi ngóc ngách cuộc sống, định hình cách mọi người làm việc, giao tiếp, mua sắm và thư giãn. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong thời kỳ đại dịch, mọi người mua sắm thường xuyên hơn trên Amazon, nhấp vào quảng cáo của Google, Facebook hoặc bỏ tiền mua iPhone. Các công ty vì thế kiếm được lợi nhuận lớn hơn bao giờ hết.
Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu công nghệ trong năm nay, bỏ qua các công ty đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng, và đánh cược rằng vị thế của Big Tech sẽ còn vững vàng nhiều năm nữa. "Covid-19 là cơn bão tích cực hoàn hảo cho họ", Thomas Philippon - Giáo sư tài chính tại Đại học New York bình luận.
Sự thâm nhập ngày càng sâu của các công ty này trong cuộc sống người Mỹ phản ánh rõ trong lưu lượng truy cập các website thuộc Alphabet, Facebook và Amazon. Lưu lượng truy cập hàng ngày đã tăng mạnh trong tháng 3, với Facebook tăng 15% và YouTube 10%, theo SimilarWeb. Tình hình trên thế giới cũng tương tự. Facebook cho biết số lượng người dùng hàng ngày các dịch vụ của họ trên toàn cầu vào tháng 6 cao hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh của Amazon, vốn đã rất mạnh so với các đối thủ trong lĩnh vực thương mại điện tử và điện toán đám mây, càng trở nên quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình. Cổ phiếu của họ đã tăng hơn 50% so với mức đỉnh tiền đại dịch, cho thấy nhà đầu tư rất tin tưởng mức độ hưởng lợi từ đại dịch của Amazon.
Dù vậy, những người chỉ trích nói rằng các Big Tech phát triển một phần nhờ một loạt các hành vi phản cạnh tranh. Các nhà quản lý châu Âu đang điều tra xem liệu App Store của Apple có vi phạm các quy tắc cạnh tranh hay không. Các cơ quan quản lý của Mỹ đang xem xét liệu các công ty công nghệ lớn có vi phạm chống độc quyền khi mua lại các công ty khác hay không.
Một số chuyên gia về chống độc quyền tin rằng sự thống trị ngày càng tăng của các công ty này đã dẫn đến việc lương lao động trì trệ và bất bình đẳng tăng cao. Tháng trước, các CEO công nghệ đã bị tiểu ban chống độc quyền Hạ viện chất vấn gay gắt.
"Bất kỳ hành động đơn lẻ nào của một trong những công ty này có thể ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trong chúng ta theo những cách sâu sắc và lâu dài", Nghị sĩ đảng Dân chủ David Cicilline phát biểu trong tuyên bố khai mạc phiên điều trần, "Nói một cách đơn giản: Họ có quá nhiều quyền lực".
Theo một số chuyên gia về cạnh tranh, mức độ tập trung trong một số ngành công nghiệp ngày nay lớn hơn so với cuối những năm 1800, khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật chống độc quyền mạnh tay nhằm hạn chế quyền lực của ngành đường sắt.
Jan Eeckhout - Giáo sư kinh tế tại Đại học Pompeu Fabra (Tây Ban Nha) cho biết vào năm 1929, Sears và A&P chiếm 3% doanh số bán lẻ. Việc này khiến Quốc hội Mỹ lo ngại và đưa ra luật chống độc quyền bổ sung vào năm 1936. Còn ngày nay, Walmart và Amazon thậm chí chiếm tổng cộng 15% doanh số bán lẻ.
Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà nghiên cứu tại RAND Corporation đã sử dụng hồ sơ công khai, dữ liệu khác và các kỹ thuật suy luận thống kê để lập mô hình kết nối giữa các công ty lớn nhất. Ví dụ hàng đầu là Amazon, với nền tảng thương mại điện tử được sử dụng bởi hàng nghìn nhà bán lẻ và dịch vụ điện toán đám mây Amazon Web Services.
Jonathan Welburn, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Với một ngày làm việc tại nhà điển hình, một người có thể giao tiếp với đồng nghiệp bằng Slack, tham dự hội nghị truyền hình trên Zoom, đặt đồ ăn mang về qua DoorDash và xem phim trên Netflix vào buổi tối. Tất cả các dịch vụ này đều dùng Amazon Web Services."Amazon là một đầu mối kỹ thuật số trung tâm và là hình ảnh thu nhỏ của chiều hướng mà nền kinh tế đang vận hành", ông Welburn, nhận xét.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của điện toán đám mây cho thấy các công ty công nghệ đang xây dựng vị thế thống trị của họ như thế nào. Chi tiêu toàn cầu cho điện toán đám mây đã tăng 33% lên hơn 30 tỷ USD trong quý II, theo Synergy Research.
Để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ đám mây đầy đủ như Amazon, Microsoft và Google là một nỗ lực vô cùng tốn kém. John Dinsdale, Trưởng ban phân tích của Synergy, cho biết mỗi công ty chi tiêu từ 10 đến 15 tỷ USD mỗi năm cho các trung tâm dữ liệu và mạng đám mây của họ. Và đó chỉ mới là một phần chi tiêu để cạnh tranh. Chỉ một số ít công ty trên thế giới có đủ khả năng chi trả thế này.
Big Tech cho biết chi tiêu khổng lồ của họ sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ và giá cả sẽ dần thấp hơn. "Các kỹ sư của chúng tôi đang giúp Mỹ tiếp tục dẫn đầu toàn cầu về các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, ôtô tự lái và điện toán lượng tử", CEO Google Sundar Pichai cho biết trong phiên điều trần tại Hạ viện gần đây, "Cạnh tranh thúc đẩy chúng tôi đổi mới và nó cũng đưa đến sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và nhiều lựa chọn hơn cho mọi người".
Còn trong phát biểu của mình, CEO Apple Tim Cook khẳng định rằng công ty không có thị phần chi phối ở bất kỳ thị trường nào mà họ kinh doanh. Hồi tháng 7, CEO Microsoft Satya Nadella cho biết công ty không thể phát triển vô hạn khi phần còn lại của nền kinh tế và các ngành khác đang gặp khó khăn. "Thế giới cần diễn biến tốt thì chúng tôi mới làm tốt về lâu dài", ông nói.
Bên cạnh đó, các công ty mới vẫn có thể xâm nhập thị trường Mỹ. Người dùng của Zoom đã tăng vọt trong đại dịch và cổ phiếu của công ty này đã tăng hơn 150% kể từ cuối tháng 2. Và ứng dụng video ngắn TikTok cho thấy rằng vẫn có cơ hội xây dựng một ứng dụng mạng xã hội phổ biến.
Tất nhiên, sự phục hồi của cổ phiếu công nghệ có thể là kết quả của sự lạc quan quá mức và giá cổ phiếu có thể giảm. Nhưng nếu Big Five tiếp tục báo cáo lợi nhuận khổng lồ, tức là họ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường. Trong 12 tháng tính đến cuối tháng 6, các công ty này có lợi nhuận tổng cộng 500 triệu USD mỗi ngày.
"Thị trường chứng khoán có lợi thế lớn là nhìn vào dòng lợi nhuận trong tương lai", ông Philippon nói, "Họ nghĩ rằng lợi nhuận hiện ở mức cao và trong tương lai sẽ còn cao nữa".
Phiên An (theo NYT)