Cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 mang lại bầu không khí lạc quan, tràn đầy hy vọng cho bán đảo, khi hai bên tuyên bố sẽ chính thức chấm dứt chiến tranh và hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo. Điều này trái ngược với sự thù địch và căng thẳng phủ bóng mây chiến tranh ở khu vực suốt nhiều năm qua, theo Reuters.
Giới quan sát cho rằng việc ông Kim thông qua tuyên bố chung với Tổng thống Hàn Quốc đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược dài hạn của đất nước Triều Tiên, mở đầu cho thời kỳ quốc gia này tìm kiếm những cơ hội đàm phán, thảo luận để đảm bảo hòa bình nhằm tập trung xây dựng đất nước.
Trong bài phát biểu tại hội nghị đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền hôm 20/4, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này sẽ đóng cửa bãi thử hạt nhân và ngừng phóng thử tên lửa đạn đạo, điều rất được truyền thông phương Tây chú ý. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông còn một khía cạnh nữa ít được chú ý hơn, đó là thông báo về một "đường lối chiến lược mới" chú trọng vào phát triển kinh tế và khoa học công nghệ, theo bình luận viên Eric Gomez của Viện Cato.
Đây được coi là thông điệp chính thức của Triều Tiên về việc chấm dứt chiến lược "đường lối byungjin" đã được nước này thực hiện suốt 5 năm qua. Byungjin, hay "kinh tế và quốc phòng cùng tiến", là chiến lược được ông Kim đưa ra vào năm 2013, trong đó nhấn mạnh Triều Tiên phải phát triển kinh tế song song với xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa hùng mạnh.
Trong thời kỳ thực hiện byungjin, ông Kim Jong-un tìm cách siết chặt quyền lực với quân đội và thúc đẩy chương trình hạt nhân, tên lửa. Ông cho chế tạo và phóng thử hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm trung đến tầm xa, đạt bước đột phá trong công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, đồng thời cho thực hiện liên tiếp các vụ thử hạt nhân với uy lực chưa từng có.
Ngoài đầu tư cho quân sự để sở hữu "thanh gươm báu hạt nhân", Kim Jong-un còn tìm cách phát triển kinh tế bằng các chính sách nới lỏng kiểm soát nông sản, tăng cường hoạt động giao thương với Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới, giúp kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 4% trong năm 2015, theo BBC.
Ông Kim cũng đề ra hướng phát triển kinh tế mới, giao khoán trách nhiệm và quyền quyết định trong các vấn đề kinh tế cho cấp dưới, thử nghiệm các ý tưởng mới để đánh giá và rút kinh nghiệm. Trong đại hội đảng năm 2016, ông Kim đề ra những mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế dài hạn, được cho là đặt nền tảng cho chiến lược mới chú trọng vào kinh tế.
Trong diễn văn hôm 20/4, ông Kim tuyên bố đường lối byungjin đã được thực hiện thành công, khi Triều Tiên đã nắm trong tay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có tầm bắn vươn tới lục địa Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng đường lối này của Triều Tiên mới chỉ thành công một nửa.
Bình Nhưỡng có thể đã thúc đẩy thành công con đường sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng chính điều đó lại khiến họ hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng có của Liên Hợp Quốc. Lệnh trừng phạt này nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, quốc gia được coi là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên. Các lệnh cấm vận khiến dòng dầu tới Triều Tiên bị đứt đoạn, các tuyến vận tải trên biển bị kiểm soát gắt gao, nhiều hoạt động mang lại ngoại tệ cho đất nước bị đình trệ, khiến một số chuyên gia nhận định kinh tế Triều Tiên đang trên bờ vực sụp đổ.
Trong bối cảnh đó, có vẻ như chiến lược mới hướng đến đàm phán để tập trung phát triển kinh tế, công nghệ là hướng đi đúng đắn duy nhất của Triều Tiên, theo chuyên gia Robert Carlin của Trung tâm An ninh và Hợp tác Quốc tế (CISAS).
Theo Carlin, việc Kim Jong-un đề ra chiến lược phát triển mới cho đất nước mang nhiều ý nghĩa cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ở trong nước, lãnh đạo này kỳ vọng chiến lược mới có thể giúp nền kinh tế có những cải thiện nhanh chóng về dài hạn, giúp Triều Tiên có vị thế như một quốc gia "bình thường" ở khu vực Đông Á có thể chia sẻ sự thịnh vượng với Hàn Quốc và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Về đối ngoại, việc ông Kim Jong-un tuyên bố chiến lược mới ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy lãnh đạo này đặt mục tiêu đàm phán chính là được giảm bớt lệnh trừng phạt, bởi việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế theo đường lối chiến lược mới của Triều Tiên.
Các chuyên gia cho rằng việc chấm dứt đường lối byungjin đã mở ra một thời kỳ mới đối với Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân vẫn rất quan trọng với Kim Jong-un, nhưng bài phát biểu của lãnh đạo này cho thấy sự thay đổi lớn trong động lực chính trị nội tại ở Triều Tiên, kết quả là quốc gia này nhiều khả năng sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn để đổi lấy phát triển kinh tế.
Kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều đã tạo tiền đề quan trọng cho cuộc hội đàm sắp diễn ra giữa ông Kim và ông Trump. Carlin cho rằng Tổng thống Mỹ có thể tiếp tục giữ chân ông Kim ở bàn đàm phán bằng cách đưa ra những thỏa thuận kinh tế từng bước một theo hướng "có đi có lại" với Triều Tiên. Nếu Mỹ quyết không chịu nhượng bộ cho đến khi Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, ông Kim sẽ khó có những động thái "đáp lễ" theo yêu cầu của Washington.
Bình An