Quyền Anh đỉnh cao của thập niên 1990 hầu như chỉ tập trung tại Mỹ. Những trận đánh lớn nhất, kể cả của Mike Tyson, đều diễn ra ở đây.
Nhưng Tyson của tháng 1/2000 không còn ngự trị trên đỉnh cao. Những kèo đấu của ông tại Mỹ chỉ toàn gặp các võ sĩ hạng ruồi: Francois Botha - hai năm trước đó còn phải đánh trận undercard cho chính Tyson với Holyfield. Orlin Norris, 34 tuổi, chẳng khác nào một "ông lão" khi thượng đài. Cả hai đều bị đấm gục dễ dàng, dù "Mike thép" đã sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Với nhiều VĐV, làm lại sự nghiệp một lần đã là quá, nhưng với Tyson, ông thậm chí làm tới hai. Lần đầu là sau án hiếp dâm thí sinh của cuộc thi hoa hậu da màu Desiree Washington, trước khi ông ra tù năm 1995. Lần hai là sau trận đấu tai tiếng với Holyfiled và mãi tới năm 1999, Tyson mới được phép thượng đài trở lại. Huyền thoại quyền Anh hạng nặng lúc này đâm đơn kiện ông bầu Don King, nhằm lấy lại khối tài sản hàng chục triệu USD bị chiếm dụng khi ngồi tù. Thi đấu, kiếm càng nhiều càng tốt, giúp Tyson vừa có kinh phí theo kiện, vừa để duy trì cuộc sống.
Và rồi Tyson nghĩ tới nước Anh.
Ý tưởng đến xứ sương mù của "Mike thép" không được nhiều người đón nhận. Truyền thông Anh tỏ ra dè dặt, bởi đối thủ của Tyson - Julius Francis - hầu như chẳng có khả năng đe dọa cựu vô địch thế giới. Những CĐV trung lập tỏ ý nghi ngại với một người dính nhiều tiền án như Tyson. Trước khi đến Anh vài tháng, ông ngồi tù bốn tháng vì tấn công một tài xế ở Mỹ. Nếu không có sự can thiệp của Bộ trưởng Nội vụ Jack Straw, khi nhấn mạnh các doanh nghiệp ở Manchester sẽ thiệt hại nặng nếu trận đấu bị hủy, Tyson chưa chắc có cơ hội ra mắt (cũng là lần duy nhất) tại quê hương của quyền Anh.
Tyson đến Anh đúng kiểu showbiz. Ngay sau khi xuống sân bay Heathrow, ông đến thẳng trung tâm London, mua sắm tưng bừng ở những con phố đắt đỏ nhất, trong đó có nhiều món quà xa xỉ ở các cửa hiệu kim hoàn. Những hoạt động của cựu võ sĩ sinh năm 1966 tạo được hiệu ứng. Người dân Anh bắt đầu tò mò về tay đấm ăn chơi bên kia bờ Đại Tây Dương. Họ cũng tự hỏi, rằng Tyson làm thế nào để rủng rỉnh tiền tới vậy, dù ra tù vào tội bao năm.
Những người mến mộ Tyson thực sự, rốt cuộc chủ yếu đến từ Caribbe và có gốc châu Phi. Mỗi khi Tyson đánh xe đi mua sắm, họ bám theo sát, tới mức "Mike thép" buộc phải ẩn náu nhờ trong một đồn cảnh sát để tránh làm phiền. Sau gần một giờ thấy tình hình không suy suyển, ông phải bắc loa, nói qua hàng rào trước 2.000 người hâm mộ: "Xin lỗi các bạn. Tôi còn phải luyện tập. Tôi sẽ đánh giá cao nếu các bạn để tôi ra ngoài. Cảm ơn và yêu các bạn rất nhiều".
Có người hâm mộ thì cũng có những người phản đối Tyson, dữ dội nhất là "Justice for Women", tổ chức nữ quyền vận động các nạn nhân bị bạo lực gia đình đứng ra vạch mặt những kẻ vũ phu. Trong mắt những người này, Tyson - võ sĩ từng hành hung vợ đầu tiên Robin Givens, phạm tội hiếp dâm - chẳng khác nào cái gai trong mắt. Đáp lại, Tyson nhún vai: "Họ chỉ đang bất mãn vì kiếp này không được làm đàn ông thôi".
Lá đơn của "Justice for Women" bị tòa bác. Còn đối thủ của Tyson - Francis - chẳng mất công chờ đợi xem trận đấu có bị hủy hay không. Tay đấm sinh tại ngoại ô London, hơn Tyson hai tuổi, ký một hợp đồng tài trợ kỳ lạ trên... đế giày với tờ Daily Mirror. Điều ấy có nghĩa, nhà tài trợ của Francis chỉ có cơ hội xuất hiện trong trận đấu, nếu võ sĩ người Anh nằm ngửa trên sàn. Kiểu quảng cáo này chẳng khác nào Francis tự nhận thua khi trận đấu chưa bắt đầu.
Không riêng gì Francis, ông bầu Frank Warren của anh lúc ấy cũng thừa nhận "gà nhà" không có cửa trước tay đấm lừng danh. "Tôi đã xả một trận vào mặt cậu ta khi nghe thấy ý nghĩ điên rồ này. Nhưng rồi tới buổi họp báo, khi chính mắt thấy Francis hỏi xin chữ ký Tyson, tôi hiểu thế là xong. Cậu ấy khiếp sợ Tyson, và coi trận đấu như một cơ hội làm giàu, thay vì cố gắng giành chiến thắng", ông kể lại.
Trước Francis, nhiều đối thủ cũng dựa hơi Tyson để kiếm chác. Peter McNeely, đối thủ đầu tiên của Tyson sau khi ra tù hồi năm 1995, ký quảng cáo trị giá 110.000 USD với một hãng pizza. Trong đoạn video dài vài chục giây, võ sĩ này bị hạ bởi một miếng pizza, gần giống với những gì diễn ra trên sàn đấu, nơi McNeely bị knock-out sau chưa đầy 90 giây. Francis khá hơn McNeely, trụ được tới hiệp hai, nhưng tới lần nằm sàn thứ năm, võ sĩ này phải bỏ cuộc.
"Một số võ sĩ ngần ngại khi đấu với Mike. Còn tôi sẽ thấy mình thật ngốc nếu từ chối cơ hội", Francis nhớ lại trận đấu cách đây 20 năm. "Chỉ cần tôi đấm một cú trúng đích, tôi có thể hạ Tyson, và tên tuổi của tôi sẽ được lưu danh sử sách. Tôi không bao giờ hối hận về quyết định thượng đài ngày ấy".
Francis còn một lý do nữa để nhớ, đó là khoản tiền thưởng hơn 500.000 USD sau trận. Dù con số ấy chỉ bằng một phần hai mươi những gì Tyson đút túi, sau hơn bốn phút tại sàn đấu MEN Arena, Manchester, thế là quá đủ cho võ sĩ xộ khám nhiều chẳng kém Mike Tyson.
Thắng Nguyễn (theo Sports Mail)