Trong nghiên cứu mới nhất của mình, giáo sư Charles Spence của đại học Oxford đã khẳng định, từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh, trung bình mỗi hành khách sẽ tiêu thụ 3.400 calo. Đây hoàn toàn là lượng calo mà bạn nạp trên máy bay, không tính những gì đã được tiêu thụ khi ăn uống tại sân bay.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, số lượng calo mỗi ngày cần nạp vào người để phục vụ mọi hoạt động với nam giới là 2.320, nữ giới là 1.900, thai phụ là 2.300 và phụ nữ sau sinh, cho con bú là 2.500.
Do đó, lượng calo mà mỗi hành khách nạp vào người trong các chuyến bay là con số đáng sợ, theo nhận định của News. "Bạn nghĩ rằng trên máy bay chỉ ăn chút ít đồ ăn, uống một vài cốc nước hoa quả. Nhưng thực tế, 3.400 calo tương đương với 6,5 chiếc bánh mì hamburger hai tầng. Việc thừa calo sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, thật không tốt chút nào".
Nhiều người đặt ra câu hỏi: tại sao những bữa ăn rất ít, nhàm chán đó lại có nhiều calo đến vậy? Theo giáo sư, bữa ăn hàng ngày của chúng ta sẽ được bổ sung thêm đường, muối và gia vị để ngon hơn. Nhưng tại độ cao 12.000 m, vị giác của chúng ta giảm đi đáng kể. Do vậy, bạn sẽ dùng nhiều đường hơn khi dưới mặt đất. Ngoài ra, mọi người ngày càng có xu hướng ăn nhiều đồ ăn hơn trên máy bay, do tâm lý sợ hãi độ cao nên muốn ăn nhiều để giảm căng thẳng hoặc ăn nhiều để "giết thời gian".
Suất ăn của một trong những hãng bay hàng đầu nước Mỹ
Đồ ăn trên máy bay thường không được nhiều hành khách đánh giá cao về chất lượng cũng như vẻ ngoài. Các món ăn thường nhìn không bắt mắt và mùi vị không hấp dẫn.
Không những thế, chúng còn là những đồ ăn nguội, chế biến từ nhiều giờ trước và được làm nóng bằng lò vi sóng. Nếu là bánh mì, nó thường rất ỉu và hành khách phải dùng bữa bằng những bộ dao, nĩa cùn. Tuy vậy đây lại là lựa chọn duy nhất của mọi người khi đói và đang ở độ cao 12.000 m.
Nhiều du khách cho biết họ rất sốc khi nghe kết quả này. "Tôi đã ăn rất nhiều đồ ăn trên máy bay. Giờ tôi mới hiểu vì sao mình không gầy được", một hành khách thường phải đi lại bằng máy bay bình luận.