Đăng tải các bài viết về chế độ ăn thô, thuần chay để "thải độc" lên Instagram và TikTok hàng tuần, nữ influencer người Nga, Zhanna Samsonova được coi là nguồn cảm hứng của hàng nghìn người theo dõi. Cô từ bỏ tất cả loại thịt, cá, hạt, sữa, ngũ cốc và cả nước, chủ yếu ăn trái cây, rau củ và uống nước ép.
Đầu tuần này, Samsonova qua đời ở tuổi 39. Mẹ cô cho rằng con gái mình "nhiễm trùng và mắc loại bệnh giống bệnh tả". Tuy nhiên, bạn bè Samsonova nhận định cô chết vì suy dinh dưỡng, kiệt quệ từng ngày.
Trên mạng xã hội, Samsonova cho biết chế độ ăn của bản thân có thể "khiến mọi người khỏe mạnh hơn". Dù vậy, cái chết của cô làm dấy lên nhiều câu hỏi về ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe không được kiểm soát, xu hướng biến hội chứng orthorexia (ám ảnh với việc ăn uống lành mạnh) thành nguồn cảm hứng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Theo những người bạn thân, trước khi qua đời, Samsonova thường xuất hiện với vẻ ngoài mệt mỏi, gầy gò, chân sưng tấy, chảy dịch bạch huyết. Tiến sĩ Rebecca Reynolds, chuyên gia dinh dưỡng tại Sydney, cho biết chế độ ăn hoàn toàn bằng "trái cây, mầm hạt hướng dương, sinh tố và nước ép" khiến cơ thể Samsonova suy kiệt.
"Khi cắt bỏ hoàn toàn một số nhóm thực phẩm, bạn phải bổ sung bằng các loại thực phẩm khác, chứa cùng hàm lượng dinh dưỡng. Không dùng thực phẩm bổ sung, bạn sẽ chết vì suy dinh dưỡng. Bạn không thể sống bằng mầm hạt hướng dương", tiến sĩ Reynolds nhận định.
Còn chuyên gia dinh dưỡng TC Callis nói chính vỏ bọc khỏe mạnh cho phép Samsonova tự lừa dối bản thân và những người khác, che giấu vấn đề sức khỏe tâm thần bên trong. Theo đó, blogger người Nga có thể mắc chứng orthorexia, ám ảnh về thói quen ăn uống nhất định - một loại rối loạn tâm thần. Người bệnh thường tin vào vài khái niệm ăn kiêng lành mạnh và chỉ tuân thủ chế độ đó, không quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng. Theo tiến sĩ Reynolds, khi cơ thể ở trạng thái đói, bộ não không hoạt động bình thường, gây tình trạng suy giảm nhận thức.
Chế độ ăn của Samsonova cực đoan, nhưng khá phổ biến. Leanne Ratcliffe, một nữ Youtuber người Australia, có 330 triệu lượt xem, cũng ăn chế độ thuần chay nhiều hoa quả, đặc biệt là chuối. Cô gây tranh cãi khi tuyên bố không có kinh nguyệt trong vòng 9 tháng là dấu hiệu khỏe mạnh, bởi cơ thể có ít độc tố nên không cần thải ra ngoài qua chu kỳ kinh.
Quan điểm này không hợp lý về mặt khoa học, bởi việc mất kinh nguyệt trong độ tuổi sinh đẻ là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh tật, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS).
Khi nhận ra thói quen ăn uống dần trở thành nỗi ám ảnh, nhiều influencer bị mâu thuẫn với cộng đồng trực tuyến chính họ đã xây dựng. Người mẫu Essena O'Neill phải xóa tất cả tài khoản mạng xã hội của mình sau khi thông báo chế độ thuần chay khiến cô "lạc lối" và "đau ốm". Cô nhận được phản ứng dữ dội, thậm chí lời dọa giết từ người hâm mộ cũng ăn thuần chay.
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe hiện trị giá 3,5 nghìn tỷ USD. Con số lớn đến mức vô lý, cho thấy các tuyên bố ngụy khoa học thuyết phục đến mức nào. Nó khiến nhiều người tin vào một tương lai hoàn hảo không bệnh tật, thừa cân, lo lắng, trầm cảm chỉ nhờ vào khái niệm "thải độc" và "tái cân bằng, chữa lành cơ thể".
"Thải độc (detox) là thuật ngữ hoàn toàn vô nghĩa. Y học cũng không có khái niệm "tái cân bằng" (rebalancing). Cơ thể chúng ta có công cụ thải độc tuyệt vời là gan và thận. Bạn hoàn toàn không cần uống nước ép rau xanh trong 5 ngày để làm sạch ruột như những hướng dẫn vô lý trên mạng", Callis nói.
Bà công nhận việc đưa các chất độc hại vào cơ thể là không tốt, đồng thời ủng hộ việc giảm đồ uống có ga, đường, thực phẩm chế biến sẵn, cai thuốc và hạn chế rượu. Tuy nhiên, bà phản đối cách ngành chăm sóc sức khỏe đóng gói những thói quen đơn giản này bằng từ "thải độc" để kiếm tiền.
Ăn uống lành mạnh trong thời đại béo phì lan rộng rất cần thiết, nhưng chế độ ăn mà những influencer rao bán đôi khi nguy hiểm. Những người như Samsonova và Ratcliffe thực hiện ăn thô thuần chay, có thể dễ dàng dẫn đến suy kiệt, đặc biệt với phụ nữ đang cố gắng mang thai. Thiếu chất béo dễ gây rối loạn sinh sản.
"Tôi ủng hộ ăn thịt. Chúng ta trải qua hàng triệu năm tiến hóa trong khi ăn thịt. Cơ thể con người cần loại chất béo có mức năng lượng cao. Chúng ta là loài ăn tạp, đã học cách tạo ra lửa để bảo toàn lượng chất dinh dưỡng trong thức ăn", Callis nói, thêm rằng hiện nay, thức ăn của mọi người bị hàng nghìn loại hóa chất xâm nhập. Tuy nhiên, cách giải quyết không phải ăn thuần chay hay ăn thực phẩm sống.
"Nếu ăn như vậy, chúng ta cần có hàm răng kiểu khác và đường ruột dài hơn rất nhiều", vị chuyên gia cho hay.
Dù vậy, trong nhiều bài viết, những người có tầm ảnh hưởng nhắc đến thịt và sữa như các thực phẩm bẩn, gây ô nhiễm đường ruột. Họ cho rằng cách duy nhất để đạt "lối sống cao hơn" là ăn sạch, chỉ ăn rau, hoa quả, các loại hạt và nước.
Những người ăn thô thuần chay đều có hình thể thon thả và hấp dẫn. Người hâm mộ của họ vô tình tiếp nhận thông điệp sai lầm: gầy là khỏe mạnh, khỏe mạnh là gầy. Nhìn dưới góc độ này, ngành công nghiệp ít quan tâm đến vấn đề tâm lý, tập trung nhiều hơn vào văn hóa ăn kiêng khắc nghiệt trong quá khứ.
"Tôi thực sự nghĩ rằng thuật ngữ 'chữa lành' giúp nhiều người che giấu chứng rối loạn ăn uống của bản thân. Khi thực hiện quá lâu, họ hình thành thói quen và thực sự tin tưởng mình đang làm đúng, đặc biệt nếu được những người khác tán dương", nhà tâm lý học Sheri Jacobson, người sáng lập Harley Therapy, cho biết.
Thục Linh (Theo Telegraph, NY Post)