Từ nhiều thế kỷ qua, những câu chuyện nửa hư nửa thực về ma cà rồng đã thu hút trí tò mò của hàng triệu người trên thế giới. Trên thực tế, ma cà rồng là một sinh vật tưởng tượng được thêu dệt nên từ cả những huyền thoại và sự thật.
Một bức tranh về ma cà rồng. Ảnh: mysticwitch.com. |
Năm ngoái, trong lúc khai quật những ngôi mộ tập thể của khoảng 1.500 nạn nhân chết vì bệnh dịch hạch vào thế kỷ 16 trên đảo Lazzaretto Nuovo tại Venice, các nhà nhân chủng của Đại học Florence (Italy) tìm thấy một bộ xương phụ nữ với một viên gạch trong miệng.
Các học giả nhận thấy truyền thuyết về những kẻ chết đi sống lại hút máu người khác xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của con người thời trung cổ về cơ chế dịch bệnh lan tràn và xác chết phân huỷ.
Trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành, khi mở các ngôi mộ tập thể để đặt thêm tử thi mới vào, các phu đào huyệt thường thấy những cái xác cũ trương lên, máu rỉ ra khỏi miệng. Người ta cho rằng đó dấu hiệu chứng tỏ các xác chết đã hút máu người.
Ngày nay các nhà khoa học giải thích rằng đây là hiện tượng tích tụ khí trong các cơ quan nội tạng đang phân huỷ.
Theo Matteo Borrini, nhà khảo cổ học pháp y và nhân chủng học tại Đại học Florence,thời trung cổ, người Italy cho rằng cách duy nhất để tiêu diệt những "ma cà rồng" này là nhét gạch vào miệng để chúng bị chết đói. Ông cho biết miệng của hộp sọ nói trên chứa đầy gạch là bằng chứng về tục diệt ma cà rồng.
Một con dơi hút máu. Ảnh: newsok.com.
Nhà sinh vật học Bill Schutt trong cuốn sách “Dark Banquet” cho biết loài dơi hút máu được thêm vào truyền thuyết về ma cà rồng khi những nhà thám hiểm Tân Thế giới (châu Mỹ) quay trở lại châu Âu vào thế kỷ 15 và 16. Họ đem về những câu chuyện về loài động vật có vú có cánh sống nhờ máu người và hoạt động về đêm.
Schutt phân biệt những sinh vật hút máu có thực trong thế giới động vật với những sinh vật hút máu trong truyền thuyết. Ông viết: “Dần dần, câu chuyện về loài ma cà rồng trong truyền thuyết bắt đầu thêm vào loài dơi và những đặc tính của chúng. Dơi là nguyên nhân hàng đầu gây nên nỗi sợ hãi mê tín vô cớ. Từ năm 1897, qua tiểu thuyết Dracula của Bram Stoker, chúng sẽ mãi mãi gắn liền với hình ảnh ma cà rồng”.
Nhân vật bá tước hút máu Dracula được lấy cảm hứng từ một lãnh chúa La Mã thế kỷ 15 là Vlad III. Ông ta đóng cọc gỗ xuyên qua xác của những kẻ thù rồi dựng những cái xác đang phân huỷ quanh lãnh địa để răn đe kẻ khác.
Cách đối xử với kẻ thù của Vlad III đã đem lại cho ông ta biệt danh Vlad Tepes hay Vlad-kẻ xuyên người. Cha ông ta là Vlad II được biết đến với cái tên Vlad Dracul. Do vậy, những người muốn tránh biệt danh “kẻ xuyên người” gọi ông ta là Dracula, nghĩa là “con của rồng.”
Tuy nhiên, phải đến khi tiểu thuyết của Stoker ra đời, nhân vật Dracula trong lịch sử mới được gắn với ma cà rồng. Điều này đã giúp thu hút hàng nghìn du khách tới Rumani mỗi năm để thăm quan lâu đài của nhà văn Bram Stoker, nơi được giới thiệu như là lâu đài của Dracula.
Trên thực tế có một loài dơi hút máu để sống. Chúng sử dụng cơ quan cảm biến nhiệt để xác định vị trí mạch máu, dùng những chiếc răng sắc nhọn cắn vào rồi liếm lấy máu chảy ra. Một chất hoá học trong nước bọt của dơi quỷ sẽ ngăn máu đông lại giúp chúng lấy máu liên tục.
Bên cạnh dơi, có những sinh vật khác tồn tại nhờ hút máu người. Đứng đầu trong danh sách này là loài rệp. Chúng xuất hiện trở lại trong những năm gần đây và trở thành nỗi ám ảnh của tất cả mọi người, ngay cả với các vị khách trong những khách sạn sang trọng. Một loài hút máu khác là đỉa. Chúng được sử dụng rộng rãi trong y học để cấy ghép da hay phẫu thuật tái ghép nối.
Ngọc Thúy (theo MSNBC)