Ngày nay con người có thể nhìn thấy ma cà rồng xuất hiện khắp nơi, từ trong những cuốn tiểu thuyết tới phim ảnh. Mới đây bộ phim "The Twilight Saga: New Moon" đã phá kỷ lục về doanh thu sau khi đem về hơn 70 triệu USD trong hai ngày công chiếu. Sự hiếu kỳ của công chúng dành cho mà cà rồng chẳng khác gì mức độ thèm khát của ma cà rồng đối với máu. Vậy những ý tưởng hiện đại nhất về ma cà rồng tới từ đâu ? Câu trả lời nằm trong khoảng trống giữa khoa học và sự mê tín.
Theo Livescience, nhiều tài liệu cho rằng ma cà rồng đầu tiên trong lịch sử là hoàng tử Vlad Tepes (1431-1476) của Romania – người đã lãnh đạo đất nước chống lại cuộc xâm lăng của đế quốc Ottoman. Mặc dù những biện pháp của Tepes đối với kẻ thù khá dã man (như kéo lê, phanh thây, thiêu xác), song vào giai đoạn ấy người ta thấy những cách xử sự ấy hoàn toàn bình thường. Giáo hội Cơ đốc và nhiều chính quyền ở thời trung cổ cũng áp dụng những cách hành hình tương tự để tra tấn và tiêu diệt kẻ thù.
Tepes là nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm văn học về ma cà rồng, song trên thực tế có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chúng. Với tư cách là một thực thể mang tính văn hóa, ngày nay ma cà rồng đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Theo nhà nhân chủng học Paul Barber, tác giả cuốn sách "Vampires, Burial, and Death”, mỗi nền văn hóa có một hình ảnh riêng về ma cà rồng.
“Phần lớn những hình ảnh ấy đều khá giống ma cà rồng ở châu Âu”, Barber nhận xét.
Một cảnh trong phim "The Twilight Saga: New Moon". Ảnh: imdb.com. |
Những tài liệu đầu tiên về ma cà rồng được lưu truyền rộng rãi tại châu Âu trong thời trung cổ. Livescience cho biết, chúng đều mô tả một tai họa nào đó đối với một người, dòng họ hoặc thậm chí cả thành phố. Tai họa có thể là dịch bệnh, mất mùa, hạn hán hoặc lũ lụt. Trước khi khoa học có thể giải thích những hiệu tượng thời tiết bất thường, người ta thường cho rằng ma cà rồng là thủ phạm gây nên những thảm họa. Ma cà rồng cũng là đáp án dễ dàng nhất cho câu hỏi: Tại sao điều xấu lại giáng xuống người tốt ?
Người dân trong nhiều làng mạc ở vùng nông thôn tin rằng những xác chết mới chôn có thể hồi sinh và biến thành ma cà rồng. Chúng quay trở lại nơi dành cho người sống với những ý định xấu xa. Người ta đào các ngôi mộ mới để kiểm tra.
Thông thường xác người sẽ thối rữa sau khi chết vài ngày. Nhưng nếu quan tài được bịt kín và chôn vào mùa đông thì quá trình phân hủy có thể chậm hơn vài tuần hoặc vài tháng. Trong trường hợp đó các cơ quan nội tạng sẽ phân hủy trước. Chúng phồng lên khiến máu bị dồn lên miệng và trào ra ngoài. Nếu nhìn thấy cảnh tượng ấy, người sống có thể cho rằng xác chết vừa hút máu. Ngày nay các bác sĩ và chuyên gia ướp xác có thể giải thích hiện tượng máu tích tụ trong miệng tử thi, song ở thời trung cổ người ta cho rằng đó là dấu hiệu về sự tồn tại của ma cà rồng.
Minh Long