Tên gọi "thợ săn tiền thưởng" có thể làm nhiều người gợi nhớ tới miền Viễn Tây nước Mỹ trong thế kỷ 19. Hiện công việc này đã phát triển thành hình thức khác xa so với gốc rễ ban đầu.
1. Công việc của thợ săn tiền thưởng xoay quanh tiền bảo lãnh tại ngoại
Khi bị cảnh sát bắt, một người ở Mỹ có thể nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại chờ ngày xét xử. Tiền bảo lãnh là dạng tiền đặt cọc bị cáo nộp cho tòa án cùng lời hứa họ sẽ trình diện khi được triệu tập. Nếu giữ lời, bị cáo sẽ được nhận lại.
Khi mức tiền bảo lãnh quá lớn, bị cáo có thể nhờ tới sự trợ giúp của các công ty đặt bảo lãnh hộ. Những công ty này thường thay bị cáo trả tiền đặt cọc và tính phí dịch vụ (thường là 10% của mức tiền bảo lãnh).
Nếu bị cáo bỏ trốn, công ty đặt bảo lãnh hộ có nguy cơ mất khoản tiền đã đặt nên họ sẽ thuê thợ săn tiền thưởng để truy lùng kẻ trốn nã. Nếu đưa "mục tiêu" về thành công, thợ săn tiền thưởng sẽ được trả thù lao cũng dựa trên phần trăm của mức tiền bảo lãnh.
Vì bản chất công việc, thợ săn tiền thưởng thường muốn được gọi là Chuyên viên Truy lùng kẻ trốn truy nã hoặc Chuyên viên Đảm bảo Bảo lãnh vì họ trên thực tế chỉ đang đảm bảo thực thi điều khoản của hợp đồng đặt hộ tiền bảo lãnh.
2. Lịch sử nghề thợ săn tiền thưởng
Thời điểm bắt đầu xuất hiện việc thuê người truy lùng nghi phạm bỏ trốn trong lúc tại ngoại rất khó xác định, nhưng hệ thống đặt tiền bảo lãnh có thể được truy dấu nguồn gốc từ nước Anh thời Trung cổ. Trong hệ thống này, nghi phạm sẽ được phân cho một người bảo đảm (bạn hoặc người thân thích). Người bảo đảm có trách nhiệm đảm bảo nghi phạm sẽ trình diện tại tòa và thi hành hình phạt.
Nếu nghi phạm trốn, người bảo đảm phải chịu phạt thay. Như vậy về bản chất, thứ được dùng để bảo lãnh ở đây là một con người. Hệ thống dùng người bảo đảm nói trên dần phát triển thành hệ thống dùng tiền bảo lãnh và sau đó được áp dụng ở Mỹ.
Nghề thợ săn tiền thưởng trở thành một phần lớn trong lịch sử nước Mỹ khi Luật Nô lệ Bỏ trốn được thông qua vào năm 1973. Đạo luật này trao cho chủ sở hữu nô lệ quyền được truy lùng và cưỡng chế nô lệ bỏ trốn quay về, kể cả những người đã chạy tới các bang không theo chế độ nô lệ. Từ đó, thợ săn tiền thưởng dần được nhiều người thuê để truy lùng nô lệ.
Tuy đã bị hủy bỏ do vấp phải nhiều chỉ trích vào năm 1864, Luật Nô lệ Bỏ trốn giúp bình thường hóa hiện tượng thợ săn tiền thưởng trong văn hóa Mỹ.
3. Thợ săn tiền thưởng dành nhiều thời gian nghiên cứu
Công việc này không bạo lực như thường được mô tả trong điện ảnh Hollywood. Dù đúng là một số thợ săn tiền thưởng gặp rắc rối khi làm việc song công việc thường ngày của người làm nghề này chủ yếu xoay quanh việc nghiên cứu.
Vì thường nhận nhiều khách hàng một lúc, thợ săn tiền thưởng không thể tiêu tốn thời gian và tiền bạc để lần theo manh mối rải rác khắp nước Mỹ như trong phim hành động. Thay vào đó, họ phải dành nhiều ngày hoặc nhiều tuần để thu thập thông tin về mục tiêu, tìm kiếm người gần đây qua lại với mục tiêu, và truy vết những manh mối nhỏ cho tới khi biết được kẻ đào tẩu đang trốn ở đâu.
4. Tỉ lệ thành công của thợ săn tiền thưởng rất cao
Do dành nhiều thời gian chuẩn bị, đa số người làm nghề thợ săn tiền thưởng rất thành công. Hiện chưa có tổ chức nào thực hiện thống kê tập trung với nghề này, nhưng theo Chuck Jordan, Chủ tịch Hiệp hội chuyên viên truy lùng kẻ đào tẩu quốc gia, một hiệp hội nghề nghiệp, ước tính hơn 90% bị cáo bỏ trốn bị truy lùng và đưa về trước thời điểm tòa sung công tiền bảo lãnh.
5. Địa vị pháp lý của thợ săn tiền thưởng khác nhau tùy tiểu bang
Dù nghề thợ săn tiền thưởng hợp pháp ở cấp liên bang, luật mỗi địa phương lại khác nhau. Ví dụ, bang Illinois, Kentucky, Oregon, và Wisconsin cấm hành nghề thợ săn tiền thưởng cũng như cấm toàn bộ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt hộ tiền bảo lãnh. Tại thời điểm thống kê gần nhất vào năm 2017, 22 tiểu bang như Florida và Arizona yêu cầu cần có chứng chỉ hành nghề.
Ngược lại, một số bang không bắt buộc về điều kiện chứng chỉ nhưng yêu cầu người hành nghề phải được đào tạo chính thức. Một số bang khác lại cho phép gần như bất cứ ai cũng có thể trở thành thợ săn tiền thưởng.
6. Thợ săn tiền thưởng có thể gặp rắc rối khi hành nghề ở quốc gia khác
Thợ săn tiền thưởng có thể gặp rắc rối khi làm việc ngoài Mỹ vì gần như mọi nơi trên thế giới đều coi việc săn tiền thưởng là bắt cóc. Chỉ Phillipines mới tồn tại hệ thống đặt tiền bảo lãnh thương mại tương tự như ở Mỹ. Tuy vậy, một số người vẫn muốn thử vận may.
Năm 2003, thợ săn tiền thưởng nổi tiếng Duane "Dog" Chapman cùng cộng sự bám theo kẻ đào tẩu từ Mỹ sang Mexico. Khi tìm được mục tiêu và lên đường về Mỹ, cả đội của Chapman bị nhà chức trách Mexico bắt giữ. Sau khi bị tạm giam hai tuần, Chapman được tại ngoại và bỏ trốn về nước. Chapman sống trong nỗi lo bị dẫn độ cho tới khi vụ án được bãi bỏ sau ba năm. Tới năm 2004, hai thợ săn tiền thưởng bị khởi tố về tội Bắt cóc tại Canada sau khi đi theo hai doanh nhân người Canada và cưỡng chế họ về Mỹ.
Quốc Đạt (Theo Mental Floss)