Một buổi sáng ở thành phố Las Vegas (Mỹ), Damien Scott đóng giả nhân viên giao hàng và ấn chuông nhà của nghi can đang bỏ trốn. Gia chủ mở cửa, Damien đặt chiếc hộp các-tông quá khổ xuống đất và nói mình cần giao đồ và hỏi tên.
Ngay khi xác định chủ nhà là người mình cần tìm, đồng nghiệp của Damien đột ngột chui ra từ hộp các-tông, lập tức còng vào tay nghi phạm. Chủ nhà lúc đó được thông báo đã bị "thợ săn tiền thưởng" bắt giữ để giao cho cảnh sát.
Nghề "thợ săn tiền thưởng" tồn tại từ lâu ở Mỹ, dù khác xa so với việc thể hiện trên màn ảnh. Khi một người bị bắt vì vi phạm pháp luật tại Mỹ, tòa án có thể cho họ nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại trong khi chờ xét xử. Với những người không đủ khả năng nộp bảo lãnh (ví dụ 6.000 USD), công ty trung gian bảo lãnh ("bail bondman") có thể thu xếp giúp họ khoản tiền này. Đổi lại, nghi phạm phải trả mức phí dịch vụ khoảng 10-20% tổng số tiền. Nếu nghi can tới tòa sau đó, công ty sẽ được hoàn tiền bảo lãnh và giữ lại 600 USD phí dịch vụ. Nếu không, công ty sẽ mất 6.000 USD cho tòa.
Trước khi sung công toàn bộ tiền bảo lãnh, đa số bang tại Mỹ đặt ra cho công ty trung gian bảo lãnh thời hạn từ vài tuần tới vài tháng để dẫn giải nghi can về xét xử. Khi ấy, "thợ săn tiền thưởng" (tên chính thức là "nhân viên thực thi bảo lãnh" hoặc "nhân viên truy lùng nghi phạm chạy trốn") sẽ được công ty ủy quyền truy lùng kẻ trốn chạy, mức phí cho bắt giữ thành công thường 10-20%.
Theo tổ chức Nhân viên Bảo lãnh Chuyên nghiệp Mỹ, hiện có khoảng 15.000 người hành nghề "thợ săn tiền thưởng" tại nước này, trong đó nhiều người từng là thám tử tư hoặc cảnh sát nên có thể tận dụng kỹ năng sẵn có. Tuy không có thống kê chính thức, thu nhập trung bình của "thợ săn tiền thưởng" được cho là tương đương với thám tử tư, khoảng 50.000 USD mỗi năm, theo số liệu năm 2018 của Cục Thống kê Lao động Mỹ.
Ở một góc độ nào đó, "thợ săn tiền thưởng" có nhiều quyền hạn hơn cảnh sát trong khi thực hiện công việc vì nghi can đã cho phép họ làm vậy khi ký kết hợp đồng trung gian bảo lãnh. Họ được phép bám đuôi hoặc dẫn giải nghi can qua biên giới tiểu bang, không phải đọc quyền Miranda khi bắt giữ (nếu luật tiểu bang cho phép "thợ săn" tự bắt giữ), thậm chí có thể phá cửa vào nơi ẩn náu của kẻ trốn chạy mà không cần lệnh khám (khi có căn cứ chắc chắn đối tượng ở đó).
Đương nhiên, "thợ săn tiền thưởng" vẫn chịu sự ràng buộc của pháp luật hình sự và quy định của tiểu bang. Hiện, bốn bang tại Mỹ (Kentucky, Wisconsin, Oregon, và Illinois) cấm hoàn toàn công việc này, 22 bang yêu cầu người hành nghề phải có giấy phép (như bang Arizona, Connecticut...). Ngoài ra, công dân một số bang muốn hành nghề phải được đào tạo. Ví dụ, ở bang Virginia là khóa học 40 giờ với học phí 500 USD, nộp lệ phí 200 USD và phải bị kiểm tra lý lịch tư pháp. Cơ quan quản lý nghề nghiệp cũng khác nhau ở mỗi tiểu bang, có thể là Sở Bảo hiểm hoặc Phòng cảnh sát địa phương.
Pháp luật một số bang như Washington còn quy định phù hiệu, đồng phục, và màu phương tiện cho "thợ săn tiền thưởng" khi hành nghề, đồng thời cấm họ tự xưng là lực lượng thực thi pháp luật. Bang Virginia còn yêu cầu " săn tiền thưởng" phải thông báo cho lực lượng chức năng ít nhất 24 tiếng trước và trong vòng 60 phút sau khi bắt giữ nghi can.
Trái với tưởng tượng của mọi người, công việc của "thợ săn tiền thưởng" không tràn ngập những màn hành động rượt đuổi kịch tính. Sau khi nhận việc, họ sẽ tìm hiểu quy luật hoạt động của nghi can rồi truy lùng bằng các biện pháp nghiệp vụ (như định vị cuộc gọi, giám sát lịch sử thanh toán thẻ tín dụng, hoặc dò hỏi hàng xóm).
Ngoài bộ đàm và còng tay, "thợ săn tiền thưởng" trang bị thêm súng điện, xịt hơi cay, và áo chống đạn. Nhiều người mang súng để tự vệ trong trường hợp hãn hữu vì đa số nghi can phạm tội bạo lực không được tại ngoại. Hơn nữa, "thợ săn tiền thưởng" cần dẫn giải đối tượng còn sống về để nhận tiền, cũng không được đánh đập vì trại giam có thể không nhận nghi can bị thương tích vì sợ kiện tụng.
Trong lịch sử Mỹ, một số "thợ săn tiền thưởng" đã trở nên nổi tiếng như Duane Chapman (người trở thành nhân vật chính của nhiều show truyền hình thực tế về nghề này) hoặc Ralph "Papa" Thorson (từng bắt giữ hơn 12.000 nghi can trong 40 năm hành nghề)...
Một trong những "thợ săn"nổi tiếng nhất có lẽ là cô gái tên Domino Harvey (1959-2005). Xuất thân từ gia đình giàu có ở Anh, Domino Harvey chuyển tới Mỹ và hành nghề "thợ săn tiền thưởng" vì niềm vui thích trong công việc, dù thu nhập không cao. Cô thường đóng giả làm khách du lịch bị lạc đường để được mời vào nơi có nghi phạm ẩn náu, hoặc tiếp cận ở hộp đêm rồi dụ chúng vào bẫy phục kích của đồng nghiệp.
"Thợ săn tiền thưởng" là nghề gây tranh cãi ở Mỹ. Người ủng hộ tin rằng nhân viên thực thi bảo lãnh đang cung cấp dịch vụ công mà không tiêu tốn tiền thuế của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh trại giam quá chật chội và không thể giam giữ mọi bị cáo, cảnh sát không đủ nhân lực và thời gian để truy lùng kẻ đào tẩu. Họ khẳng định hàng năm, "thợ săn tiền thưởng" giúp bắt giữ từ 25.000 tới 35.000 người trốn chạy, tương đương 85-99,2%.
Những người phản đối thì kêu gọi cải cách hoặc bãi bỏ quy định "công ty trung gian bảo lãnh" vì cho rằng hệ thống này bất công với người nghèo phạm tội ít nghiêm trọng, "thợ săn tiền thưởng" không được giám sát chặt chẽ nên tạo ra nhiều rủi ro cho cộng đồng. Trong quá khứ, từng xảy ra một số vụ "thợ săn tiền thưởng" bắt bớ nhầm người, đóng giả cảnh sát trái phép, hoặc thậm chí cùng chết với nghi phạm khi hai bên đụng độ.
Hiện, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép kinh doanh ngành nghề trung gian đặt tiền bảo lãnh và săn tiền thưởng.
Quốc Đạt (Theo CNN, NCSL, Independent, GQ)