"Tôi đã rất sốc", người nông dân Kenya, 37 tuổi, buồn bã nói, nhưng không quá ngạc nhiên. Đàn lừa của anh là những nạn nhân tiếp theo của tội phạm buôn da lừa ở châu Phi, bán ra nước ngoài.
Da lừa là nguyên liệu chế biến cao da lừa, phương thuốc cổ truyền Trung Quốc. Các xưởng sản xuất cao da lừa của Trung Quốc, tập trung ở tỉnh Sơn Đông, tiêu thụ hơn bốn triệu tấm da mỗi năm, chiết xuất gelatin theo công thức có từ 2.500 năm trước.
Theo truyền thống, cao da lừa được coi là loại thuốc bổ máu để điều trị các bệnh như thiếu máu, giúp kéo dài tuổi thọ, chống lão hóa và kích thích tình dục. Trên con đường vào thị trấn ở Sơn Đông, hàng trăm bảng quảng cáo chen chúc nhau, chung nội dung về "thần dược cải lão hoàn đồng giữ gìn tuổi xuân": Cao da lừa, ăn để sống lâu, giảm cân và tiếp thêm năng lượng.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ nó ngày nay bao gồm kem dưỡng da mặt, rượu mùi và đồ ngọt. 200 g chất này, đóng dưới dạng giống như thanh chocolate, được bán với giá lên tới 350 USD mỗi viên. Trong những trường hợp đặc biệt, giá có thể cao gấp 10 lần.
Thập kỷ qua, da lừa đã tăng giá tới 400 USD mỗi tấm trong khi quy mô đàn lừa của Trung Quốc đã giảm từ 11 triệu xuống dưới 6 triệu. Đối mặt với tình trạng thiếu hụt, các nhà sản xuất ngày càng trở nên phụ thuộc vào da từ nước ngoài. Kết quả là sự bùng nổ "thương mại da lừa toàn cầu" chưa từng có, phần lớn là bất hợp pháp.
Ở Kenya, nhiều con lừa bị đánh cắp tại các cộng đồng dân cư thu nhập thấp. Với những gia đình này, con vật là tất cả gia tài và sinh kế, phương tiện vận chuyển của họ. Nhu cầu với loại hàng này cao đến mức ngay cả con đang mang thai, bị bệnh và bị thương cũng đang bị bắt trộm. Bởi thương tích và bệnh tật thường không ảnh hưởng đến chất lượng của da.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016, hơn 80.000 tấm da lừa đã bị buôn lậu ra nước ngoài. Giá của một con lừa ở đây cũng đã tăng từ 100 USD lên 230 USD trong 3 năm lại đây.
Chủ một xưởng xuất khẩu "chui" da lừa ở Kenya cho biết: "Các đối tác nước ngoài nói rằng da lừa ở nước họ bán chạy như tôm tươi. Công việc kinh doanh đang diễn ra rất tốt".
Jeremy, chàng trai Nam Phi tốt nghiệp ngành tài chính, lần đầu tiên biết đến việc buôn bán da lừa đang bùng nổ vào cuối năm 2015, khi một người đàn ông Châu Á đến thăm anh và nói rằng cần tìm mua 5.000 tấm da lừa mỗi tháng.
"Ông ta đang đưa ra những mức giá điên rồ, như hàng trăm đô la mỗi tấm", Jeremy nói. Mờ mắt bởi lợi nhuận, Jeremy lập tức bắt đầu tìm kiếm các đối tác địa phương, không biết rằng đang tham gia vào một ngành công nghiệp bị thống trị bởi các "nhà cung cấp chợ đen".
Trên khắp châu lục đen, giá da lừa đã tăng chóng mặt trong 5 năm qua. Được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa, một con lừa có giá chỉ 8 USD một con trước thời kỳ bùng nổ, giờ đây có thể bán với giá hơn 150 USD.
Jeremy chưa bao giờ nghe nói về cao da lừa nhưng rất phấn khích trước viễn cảnh kiếm tiền dễ dàng. Anh tìm đến tay buôn có tên Claude, được đảm bảo rằng là nguồn cung ứng lừa một cách đúng luật, nhưng trên thực tế hắn đang điều hành một tổ chức buôn lậu da lừa phi pháp.
Claude yêu cầu Jeremy cho vay 3.800 USD để mua buôn lô da đầu tiên. Lô da này sau đó sẽ được bán cho một người châu Á. Khoản vay được hoàn trả trong hai tuần với lãi suất 30%, nghĩa là Jeremy đã bỏ túi gần 1.200 USD.
"Đó hoàn toàn là một cơ hội kinh doanh. Ai có thể nói không với từng ấy tiền" Jerremy nói.
Nam Phi có một loạt các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và phúc lợi động vật, yêu cầu giết mổ động vật tại các lò mổ đã đăng ký. Nhưng Claude đã trực tiếp mua lừa từ dân làng và mổ thịt chúng bất hợp pháp ngay tại chỗ để tiết kiệm thời gian và tiền bạc bằng cách hoạt động ngoài vòng pháp luật.
Từ năm 2016, Chính phủ 14 nước châu Phi đã cấm xuất khẩu da lừa và sáu nước khác đã đóng cửa các lò giết mổ lừa. Khi nhu cầu da lừa tiếp tục tăng, các nhà cung cấp phải tranh giành thị trường chợ đen ở châu Phi, chính phủ các nước này cũng bắt đầu siết chặt các đạo luật xuất khẩu, thậm chí cấm xuất khẩu da lừa.
Chẳng bao lâu Nam Mỹ đã trở thành một lựa chọn. Cơ quan điều tra nước này cho biết, ban đầu, nhóm tội phạm đã mua những con lừa và giết mổ trong trang trại do chúng quản lý. Nhưng khi nguồn cung ngày càng cạn kiệt, họ quay sang đánh cắp. Theo cơ quan công tố, những tay buôn đã trả từ 100 đến 250 USD cho mỗi con lừa, tùy thuộc nó bị đánh cắp hay bị mua.
Trước khi tạo ra khu vực lưu trữ và giết mổ, những người này đã đút tiền để sử dụng các chuồng gia súc có giấy phép làm vỏ bọc, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của con vật.
Để di chuyển những con lừa, những người vận chuyển phải mang theo hai tài liệu quan trọng. Thứ nhất, giấy Chứng nhận nguồn gốc của động vật và việc tiêm phòng của chúng. Thứ hai, giấy phép Vận chuyển, chứng nhận rằng công ty vận tải, điểm xuất phát của động vật và điểm đến cuối cùng của chúng đều hợp pháp.
Trong cả hai trường hợp, chủ sở hữu hoặc người vận chuyển cũng phải trình bày với cơ quan chức năng rằng nhãn hiệu trên động vật phù hợp với thủ tục giấy tờ. Theo luật pháp Colombia, con dấu phải có địa điểm và ngày thành lập doanh nghiệp, tên và logo doanh nghiệp cùng chữ ký cam kết của người đứng đầu đơn vị chăn nuôi và vận chuyển. Mọi thứ có vẻ rất chặt chẽ, tuy nhiên, có nhiều cách để có được giấy tờ này một cách bất hợp pháp.
Theo Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Colombia, xưởng thuộc da, vườn thú nhân giống và lò mổ là những ngành kinh doanh bổ sung cho nhau. Những con lừa bị đánh cắp được đưa qua lò mổ để lấy da, được xử lý bằng nước muối, sau đó được bảo quản trong phòng lạnh. Chúng được chuyển sang các xe tải lạnh, trước khi được gửi ra nước ngoài cùng với các sản phẩm từ xưởng thuộc da. Xác lừa sẽ được gửi đến sở thú để làm bữa ăn cho cá sấu.
Tuy nhiên trước các "cơn sốt" trên, Cơ quan y tế của chính phủ Trung Quốc khẳng định quảng cáo công dụng của cao da lừa là "dựa trên các khái niệm mê tín", "cao da lừa chỉ là da lừa luộc".
Hải Thư (Theo AP, BBC, National Geographic, Insight Crime)