Ngày nay phẫu thuật thẩm mỹ dường như đã trở thành chuyện quá đỗi bình thường. Thế nhưng có những cô gái dù phẫu thuật bao nhiêu lần vẫn bất mãn. Họ không chỉ đơn thuần nghiện dao kéo mà trên thực tế đã mắc phải chứng bệnh có tên mặc cảm ngoại hình (BDD). Trao đổi với Asiaone, bác sĩ Chen Tai Ho từ Bệnh viện Premier Clinic (Malaysia) chia sẻ về câu chuyện một bệnh nhân BDD ông từng gặp.
"Vài năm trước, một thiếu nữ mảnh mai xinh đẹp bước vào phòng khám của tôi xin được trợ giúp. Tôi nhận ra cô ấy là người mẫu đã tham gia nhiều show diễn thời trang, liên tục xuất hiện trên mặt báo. Wendy (*) đặt hàng loạt câu hỏi về ca phẫu thuật muốn thực hiện với khuôn mặt đẹp gần như không tỳ vết của mình. Tôi như vị cứu tinh có thể cứu vãn bề ngoài mà cô ấy cho là nhăn nheo.
Thế nhưng tôi bối rối khi nghe Wendy thú nhận rằng cô ấy nghĩ mình thật xấu xí. Cô chỉ ra những điểm không hoàn hảo bao gồm nếp nhăn, vết nám, nốt ruồi, sẹo cùng nhiều thứ khác mà tôi thấy hoàn toàn không đáng kể hoặc thậm chí còn không tồn tại. Wendy cũng chẳng hài lòng với cơ thể mình. Danh sách những than vãn của cô ấy chắc dài cả trang giấy.
Hóa ra, Wendy đã dao kéo tương đối nhiều tại các salon làm đẹp, phòng khám trung tâm phẫu thuật và bệnh viện trong và ngoài nước (Thái Lan, Hàn Quốc). Dù thế, cô ấy vẫn không hài lòng về kết quả, vẫn nghĩ mình là con vịt xấu xí mà mong muốn được sửa thêm sau khi đã tốn hàng chục nghìn ringgit.
Điều đáng nói ở đây, không ít bác sĩ đã từ chối phẫu thuật cho Wendy. Tôi đoán cô người mẫu đã mắc chứng mặc cảm ngoại hình. Thay vì đồng ý dao kéo cho Wendy, tôi đề nghị cô đến gặp bác sĩ tâm thần để điều trị rối loạn này.
Cách bạn nhìn nhận cơ thể mình chính là chìa khóa của tự tin, nhưng như tôi nói với Wendy, ngày nay điều đó đã thay đổi. Liên tục bị đập vào mắt hình ảnh đàn ông và phụ nữ "đẹp" mà các phương tiện truyền thông đăng tải, cả phái mạnh lẫn phái yếu đều xuất hiện những kỳ vọng không thực tế về cơ thể "hoàn hảo", từ đó dẫn đến BDD. Các nghiên cứu đã chỉ ra BDD ảnh hưởng tới 0,7-2,4% dân số, nghĩa là tương đối phổ biến nếu so sánh với các rối loạn nổi tiếng khác như chứng biếng ăn hay tâm thần phân liệt.
Không chỉ người lớn mà cả trẻ nhỏ 5 tuổi hay cụ già 80 vẫn có thể mắc BDD. Tôi từng rất sốc khi gặp một phụ nữ 86 tuổi nghiện làm mũi và nâng ngực. Là rối loạn lo âu, BDD dễ dàng phá vỡ cuộc sống của một người nếu anh ấy/cô ấy tin rằng cơ thể mình bị biến dạng rồi cố thuyết phục gia đình, bạn bè cũng nghĩ như vậy trong khi chẳng có gì bất thường.
Nhiều người mắc chứng BDD bị ám ảnh bởi phẫu thuật thẩm mỹ và không bao giờ thấy hài lòng sau một ca dao kéo. Chứng bệnh khiến nguy cơ trầm cảm, lo âu kéo dài tăng cao đi cùng với cảm giác cô đơn, tách biệt, xấu hổ. Tệ hơn, BDD dẫn đến lạm dụng rượu hoặc ma túy, tự hủy hoại hoặc tự tử.
Đến nay, nguyên nhân dẫn đến BDD chưa được xác định song các nhà khoa học tin rằng nó xuất phát chủ yếu từ tâm lý. Một người có thể mắc BDD nếu hình ảnh bản thân bị hạ thấp do bị bắt nạt, trêu trọc hoặc quá tự ti. Trong trường hợp của Wendy, vẻ ngoài là cần câu cơm buộc cô ấy phải luôn cải thiện nhan sắc nên tình trạng bệnh tình càng trầm trọng.
Nỗi cô đơn cũng có thể gây ra BDD, ví dụ như khi bạn phải chăm chút ngoại hình hòng níu kéo một mối quan hệ. Nếu không may quan hệ này đổ vỡ, suy nghĩ của bệnh nhân sẽ ngày càng tiêu cực. Đối với Wendy, cô ấy liên tục thất bại trong tình yêu và phải đối mặt với những lời phàn nàn về hình thể.
Rất nhiều bệnh nhân BDD miễn cưỡng tìm sự giúp đỡ vì sợ bị phán xét hoặc phân biệt đối xử. Điều này càng khiến họ đau khổ và như đã đề cập ở trên, sẽ làm nảy sinh những cảm xúc, hành vi nguy hiểm. Quan trọng là bạn phải biết chúng ta hoàn toàn có thể đối phó với chứng bệnh từ tâm trí này.
Đã vài năm trôi qua kể từ ngày tôi gặp Wendy lần cuối. Tôi tự hỏi giờ đây cô ấy ra sao, và tôi chúc cô ấy mọi điều tốt đẹp".
Xem tiếp: Những thảm họa phẫu thuật thẩm mỹ
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
Minh Nguyên