Phó chủ tịch Phill Shiller và trưởng nhóm phát triển nền tảng iOS Scott Forstall của Apple đã có mặt tại phiên tòa chống lại Samsung ngày 3/8 để nói về những thách thức mà họ từng đối mặt năm 2004 khi biến dự án iPhone thành hiện thực.
Apple cho rằng họ rất vất vả mới tạo ra được một điện thoại với thiết kế và tính năng chưa từng có, nhưng những đột phá đó bị sao chép và bị coi là điều hiển nhiên bằng nhận xét như 'điện thoại nào chẳng là hình chữ nhật'. |
Khi đó, máy nghe nhạc iPod đang thành công trên khắp thế giới. Nhưng theo quy luật tự nhiên, không có gì mãi ngự trên đỉnh cao. Thay vì mải mê với chiến thắng, đợi thoái trào mới tìm thành công mới, Apple đã bắt đầu nhìn sang các lĩnh vực khác để xem họ có thể tạo ra những cuộc cách mạng mới nào.
Mọi người trình lên đủ mọi ý tưởng từ camera cho đến xe hơi cùng nhiều thứ điên rồ khác và Apple đã bắt đầu bằng dự án máy tính bảng (sau trở thành iPad) từ cách đây cả chục năm. Nhưng đến năm 2004, họ quyết định chuyển trọng tâm sang smartphone trước.
Steve Jobs chọn Scott Forstall chịu trách nhiệm xây dựng phần mềm cho điện thoại, nhưng yêu cầu không được thuê người ngoài, trong khi Apple không phải một công ty điện thoại.
"Đó là một thách thức thực sự", Forstall nhớ lại.
Chưa dừng ở đó, dù có quyền tuyển bất cứ "siêu sao" nào trong nội bộ Apple mà ông muốn, Forstall lại không được phép nói về dự án mà họ sẽ tham gia.
"Chúng ta sẽ bắt đầu một dự án mới", Forstall thông báo với nhóm người ông mời đến văn phòng. "Nó bí mật đến mức tôi không thể chia sẻ với các vị đó là gì".
Thay vì thuyết phục đồng ý, Forstall lại nói họ có thể sẽ có sự nghiệp tươi sáng nếu từ chối. Chưa kể, nếu chấp nhận tham gia, họ sẽ phải giã từ những buổi tối và những ngày cuối tuần bên gia đình trong khoảng 1-2 năm.
Nhưng nhờ thế, ông đã có được một số tên tuổi tài năng và tâm huyết. Cả nhóm chọn một trong những toà nhà ở trụ sở Cupertino và khóa kín lại. Ai đi vào cũng phải quét thẻ và có camera theo dõi. Đôi khi, ngay cả thành viên trong nhóm cũng bị kiểm tra thẻ tới 5-6 lần.
Mục tiêu của Apple là tạo một chiếc smartphone mà chính nhân viên Apple mong muốn sở hữu, chứ không phải họ dùng vì đây là "của nhà trồng được". Đó phải là một thiết bị tuyệt vời với kết nối Internet thực thụ khác kiểu duyệt web khó chịu qua công nghệ WAP thời ấy cùng một số tính năng mới mẻ như nhấn để phóng to thu nhỏ...
Chuyên gia thiết kế Chris Stringer nhớ về những ngày cả nhóm 15-16 người ngồi quanh chiếc bàn trong nhà bếp tranh luận và tưởng tượng về những sản phẩm chưa từng tồn tại. Các thiết kế đó xoay quanh việc làm sao làm ra một thiết bị có thể thực hiện các chức năng chỉ với một phím bấm (phím Home). Và khi nhìn thấy, người ta phải ồ lên tò mò, bởi nếu không, Apple sẽ thất bại vì họ vẫn là gương mặt mới toanh trên thị trường điện thoại di động.
"Lúc đó, điện thoại chẳng thể coi là thiết bị giải trí", Phó giám đốc Schiller nhớ lại. Apple đã vẽ ra hàng chục thiết kế khác nhau mới chọn được một mẫu, nhưng khi ra đời vẫn phải chịu không ít sự mỉa mai từ lãnh đạo cấp cao của Microsoft hay Palm.
"Có lẽ, nguyên nhân lớn nhất là Apple chưa từng sản xuất điện thoại và họ nghĩ chúng tôi sẽ thất bại mà thôi", Schiller nói. Những nghi ngờ này cũng xuất hiện khi iPad ra đời, nhất là khi sản phẩm không có bàn phím cứng để soạn thảo nội dung. Phó chủ tịch Apple nhấn mạnh điều này tại phiên tòa nhằm khẳng định những sản phẩm của họ mang tính đột phá, và bởi vì đột phá, mới mẻ nên chúng mới bị nghi ngờ. Nhưng đến khi thành công thì Samsung và một số hãng khác lại bắt chước theo rồi biện minh rằng "kiểu chữ nhật bo góc đã quá quen thuộc trong ngành từ lâu".
"Tôi sốc trước kiểu dáng của Galaxy S bởi mức độ sao chép của sản phẩm và những hệ lụy mà hành động đó tạo ra. Khách hàng có thể lúng túng xác định sản phẩm nào là của công ty nào khi họ mới nhìn thoáng qua thiết bị", Schiller cho hay ông lại sốc hơn nữa khi thấy Galaxy Tab và nghĩ. "Họ (Samsung) sẽ sao chép toàn bộ các dòng sản phẩm của Apple mất".
Cạnh tranh là điều tốt, Schiller nói, và rất nhiều công ty cạnh tranh công bằng với Apple bằng cách phát triển sản phẩm với thiết kế riêng. Còn hành động của Samsung sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của "Quả táo" bởi khách hàng có thể sẽ chọn sản phẩm từ hãng Hàn Quốc vì trông chúng cũng giống sản phẩm Apple và sau đó sẽ có xu hướng mua thêm các thiết bị khác của hãng này. Đó là lý do Apple đòi Samsung bồi thường khoản tiền kỷ lục 2,53 tỷ USD (thẩm phán còn có quyền nhân ba con số đó nếu cho rằng mức độ vi phạm của Samsung là nghiêm trọng)
Schiller cũng tiết lộ một số chi tiết thú vị khác, như dù không ít người cho rằng iPhone và iPad được quảng cáo không công, chỉ riêng ở Mỹ, Apple đã chi ra tới 97,5 triệu USD để quảng cáo iPhone năm 2008. Con số này tăng lên 149,6 triệu USD năm 2009 và 173,3 triệu USD năm 2010 (còn số tiền dành cho iPad năm này là 149,5 triệu USD).
Có một chi tiết thú vị tại phiên tòa là luật sư Samsung hỏi Phil Schiller liệu Apple có kế hoạch thay đổi thiết kế cho bản iPhone 5. Apple phản đối câu hỏi nhưng thẩm phán không chấp nhận sự phản đối đó. Toàn bộ các phóng viên tham dự hồi hộp và chờ đợi một bí mật mới sắp được tiết lộ. Tuy nhiên, Schiller kiên quyết nói đó là thông tin mật và luật sư của Samsung cũng không ép ông trả lời.
Châu An