Thời gian xuất hiện các mẫu thử (prototype) cho thấy Apple đã bắt đầu thực hiện dự án iPhone vào khoảng mùa hè năm 2004 trước khi chính thức công bố thiết bị vào tháng 1/2007. Trong khoảng 3 năm đó, các nhà thiết kế đã giới thiệu hàng tá ý tưởng mới chọn ra được một vài mẫu ưng ý và những bản vẽ đó tưởng như chừng không bao giờ được tiết lộ.
Là một nghệ sĩ, Mathew Panzarino của The Next Web cho hay ông không thể mô tả được cảm giác phải đưa ra những bản nháp xấu xí cho mọi người xem để bị chỉ trích. Apple nổi tiếng về những thiết kế đẹp nên việc phơi bày các mẫu prototype ra công chúng được xem là điều khó khăn. Chuyên gia công nghệ Rene Ritchie chia sẻ trên Twitter rằng việc Apple sẵn sàng trình lên tòa những thiết kế đó cho thấy họ thực sự mong muốn sự công bằng trong vụ kiện với Samsung.
Mẫu Purple là tiền thân của iPhone 4. |
Có rất nhiều mẫu thiết kế trong tài liệu, nhưng đáng chú ý nhất là Purple từ tháng 8/2005. Theo Apple, phía trước sản phẩm thiếu camera và khe cảm ứng, cạnh rìa màu đen thay vì bạc, nhưng toàn bộ kiểu dáng thì hoàn toàn giống iPhone 4. Như vậy, Apple đã có thiết kế họ muốn từ cách đó nửa thập kỷ trước khi thực sự đưa vào sản xuất (năm 2010). Khi Steve Jobs giới thiệu iPhone vào năm 2007, ông nói phần mềm chạy trên máy đi trước cả 5 năm so với đối thủ. Nhưng rõ ràng, họ đi trước không chỉ về phần mềm mà cả phần cứng.
Cũng có thể, nhiều nhà sản xuất thiết bị đã thực hiện điều tương tự, tức có những thiết kế khác nhau từ khá lâu cho sản phẩm hiện tại. Nhưng không ai đạt tới mức độ cao như Apple: họ đã tạo tới hơn 40 prototype liên quan đến 5 đời iPhone và chúng không đơn giản là bản vẽ trên giấy, chúng đã được dựng lên dưới dạng mẫu thử (nhiều trong số đó cũng khá đẹp).
Vì sao Apple lại tạo quá nhiều prototype trước khi chính thức chọn ra một sản phẩm? Bởi họ luôn tỉ mỉ đến từng chi tiết và kiên quyết nói không khi cần. Chuyên gia thiết kế Jonathan Ive của Apple chia sẻ với báo Telegraph: "Có nhiều trường hợp, chúng tôi chuẩn bị sản xuất hàng loạt một thiết bị nào đó. Tôi bước vào phòng họp và nhận ra chúng tôi đang nói hơi to. Đối với tôi, như thế luôn tiềm ẩn sự rủi ro. Nếu tôi nói to về điều gì đó, nghĩa là tôi đang phải cố thuyết phục bản thân rằng điều đó là tốt".
Đó cũng là triết lý của Apple. Bất kể họ đã phải tiêu tốn tiền của như thế nào, bao nhiêu tài nguyên đã được đổ vào để phát triển một sản phẩm, nhưng nếu nó không đủ tốt, họ sẽ nói "không".
Ngay cả Jobs cũng từng tuyên bố: "Tôi tự hào về những việc chúng tôi không làm chẳng kém gì những việc chúng tôi làm". Vì thế, họ đã ném đi rất nhiều thứ "có vẻ tốt" để theo đuổi những điều tuyệt vời hơn thế.
Có nhiều dự án sắp thành sản phẩm cũng bị hủy vì Steve Jobs và Jonathan Ive cảm thấy có gì đó chưa ổn. |
Jonathan Ive mới đây cũng chia sẻ với Ủy ban Sáng tạo của Đại sứ quán Anh rằng mục tiêu từ đầu của họ hoàn toàn không phải lợi nhuận mà là cảm hứng để tạo nên những sản phẩm có tầm vóc lớn. Và khi người ta thấy nó xứng đáng, họ sẽ thích, sẵn sàng trả tiền mua và đem lại cho Apple nguồn thu. Nhờ thế, Apple đã trở thành công ty công nghệ lớn nhất và thành công nhất thế giới.
Trong phiên tòa đầu tuần này, Phil Schiller của Apple cũng cho hay đội ngũ tiếp thị luôn được phép tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm để đảm bảo rằng họ sẽ đáp ứng được tối đa các nhu cầu của khách hàng.
Các mẫu thử được trình lên tòa (ba trong số đó trở thành iPhone đời đầu, iPhone 3G/3GS và iPhone 4), cũng hé lộ bí quyết khác trong kinh doanh của Apple. Hẳn nhiều người còn nhớ, khi iPhone 3GS ra đời, Apple bị chỉ trích là "cạn ý tưởng" vì giữ nguyên thiết kế qua hai đời sản phẩm. Những nhận xét này lại tiếp tục rộ lên vào thời điểm iPhone 4S xuất hiện. Nhưng việc trình làng hai phiên bản như nhau hoàn toàn nằm trong kế hoạch kinh doanh khôn ngoan của Apple, vì Purple (tiền thân của iPhone 4) đã có từ lâu nhưng họ không vội biến nó thành iPhone 3GS mà đợi đến tận thế hệ thứ tư. Và rõ ràng, bản 3GS và 4S dù bị chê vẫn không hề thất bại.
Khi Steve Jobs qua đời, người ta hoang mang cho số phận của Apple, nhưng các thông tin mới được hé lộ đã củng cố tin đồn từ cuối năm ngoái rằng vị "phù thủy công nghệ" này đã lên kế hoạch cho sản phẩm của Apple trong vòng 4 năm nữa (năm 2015) và việc thiết kế, nâng cấp đều được vạch ra theo lộ trình phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ.
Vụ kiện hé lộ nhiều bí mật của Apple. |
Những triết lý kể trên rất khó triển khai ở mọi công ty, nhưng trong số đó có một bài học lớn mà các doanh nghiệp có thể áp dụng: Bất kể bạn làm gì, đi theo hướng nào, khi thực hiện một điều gì đó bạn thấy cũng ổn những vẫn còn lăn tăn, đừng ngại nói "không" để hướng đến cái bạn cảm thấy "tốt hơn". Hãy lắng nghe nhu cầu thị trường nhưng đừng quá đặt nặng vấn đề. Nhiệm vụ của bạn không phải chạy theo thị hiếu mà là giúp họ hiểu được vì sao bạn nghĩ như thế này mới là tốt nhất.
Châu An