Tháng 6/1942: Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt khởi xướng thời đại vũ khí hạt nhân qua việc ký Dự án Manhattan.
Ngày 2/12/1942: Các nhà khoa học ở Đại học Chicago thử thành công chuỗi phản ứng hạt nhân lần đầu tiên. Đây là bước đột phá cho việc chế tạo bom nguyên tử.
Ngày 16/7/1945: Mỹ thử thành công bom nguyên tử lần đầu tiên tại Trinity thuộc căn cứ không quân Alamagordo.
Ngày 6/8/1945: Hy vọng chấm dứt Thế chiến II tại khu vực Thái Bình Dương, Mỹ đã cho máy bay ném bom B-29, biệt hiệu Enola Gay thả quả bom nguyên tử tên là “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima ở Nhật Bản. Quả bom có sức công phá tương đương với 15.000 tấn chất nổ. Khoảng 75.000 người chết ngay tại chỗ, chưa kể những ảnh hưởng kéo dài nhiều năm sau đối với nhân dân và môi trường nơi đây.
Ngày 9/8/1945: Mỹ thả trái bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki ở Nhật Bản. Quả bom này có tên là “Fatman” do máy bay B-29 Bock’s Car thả. Sức công phá của vụ nổ tương đương với 22.000 tấn chất nổ, làm 40.000 người chết ngay lập tức. 5 ngày sau đó Nhật đầu hàng.
Ngày 29/8/1949: Liên Xô thử thành công bom nguyên tử lần đầu tiên tại Semipalatinsk. Việc này làm chấn động nước Mỹ, chấm dứt vị trí độc tôn về vũ khí hạt nhân của Washington.
Ngày 1/11/1952: Mỹ thử thành công bom khinh khí tại Eniwetok Lagoon trên quần đảo Marshall, Nam Thái Bình Dương. Sức công phá của quả bom này gấp 700 lần trái bom “Little Boy”. Một năm sau đó Liên Xô cũng thử thành công loại bom này.
Ngày 30/9/1954: Lần đầu tiên Mỹ hạ thuỷ tàu ngầm nguyên tử USS Nautilus.
Ngày 29/7/1957: Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của LHQ ra đời. Cơ quan này thanh tra các lò phản ứng và các nhà máy hạt nhân để đảm bảo rằng chúng hoạt động với mục đích hoà bình.
Ngày 26/8/1957: Liên Xô tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Ngày 20/7/1960: Tàu ngầm USS George Washington của Mỹ phóng thành công tên lửa từ bên dưới mặt nước.
Ngày 22-28/10/1962: Khủng hoảng tên lửa Cuba đẩy thế giới tiến đến bờ vực chiến tranh hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ. Vấn đề lắng xuống khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev chuyển các tên lửa mạng đầu đạn hạt nhân khỏi Cuba.
Ngày 5/8/1963: Mỹ, Liên Xô, Anh ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân, nhằm ngăn chặn các cuộc thử vũ khí hạt nhân trên không, trên mặt đất và dưới nước.
Ngày 1/7/1968: Mỹ, Liên Xô, Anh ký Hiệp ước Không phổ biến với nội dung hạn chế chuyển giao công nghệ và vũ khí hạt nhân cho các nước phi hạt nhân.
Ngày 14/3/1969: Tổng thống Mỹ Richard M. Nixon công bố quyết định xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa gọi là “Lá chắn” để bảo vệ nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công.
Ngày 17/11/1969: Mỹ và Liên Xô bắt đầu các cuộc Thảo luận về Giới hạn Vũ khí Chiến lược (SALT I) xoay quanh việc giới hạn hệ thống phòng thủ ABM (chống tên lửa đạn đạo) và hệ thống vũ khí nguyên tử chiến lược.
Ngày 26/5/1972: Tổng thống Mỹ Nixon và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký 2 văn bản chính của SALT-I, trong đó có hiệp ước ABM, hạn chế số bệ phóng tên lửa và số tên lửa bắn chặn của mỗi nước. Cụ thể, mỗi nước chỉ được phép có hai bãi phóng: một để bảo vệ thủ đô, một để phóng tên lửa xuyên lục địa. Hai khu phải cách nhau tối thiểu 1.300 km, và mỗi nơi chỉ được phép có 100 bệ phóng và 100 tên lửa bắn chặn.
Ngày 18/5/1974: Ấn Độ trở thành nước thứ sáu thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân tại Pokharan tại sa mạc Rajasthan.
Ngày 7/7/1977: Mỹ thử thành công bom neutron.
Ngày 18/6/1979: Mỹ và Liên Xô ký SALT-II, hạn chế số lượng vũ khí tấn công chiến lược. Mỹ không thông qua hiệp ước này sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan vào tháng 12 cùng năm.
Ngày 23/3/1983: Tổng thống Mỹ Ronald Reagan tuyên bố Mỹ sẽ triển khai nghiên cứu tính khả thi của hệ thống phòng thủ tên lửa. Kế hoạch khởi xướng được mệnh danh là "Chiến tranh giữa các vì sao".
Tháng 12/1987: Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước Tên lửa hạt nhân Tầm trung, yêu cầu huỷ tất cả các tên lửa tầm trung, tầm ngắn và các thiết bị liên quan.
Tháng 7/1991: Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ George Bush (cha) ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược (START I). Hiệp ước song phương này yêu cầu mỗi nước giới hạn số tên lửa đạn đạo cùng máy bay chiến lược xuống 1.600 và số đầu đạn hạt nhân là 6.000 trước ngày 5/12/2001. Đây là hiệp ước đầu tiên đòi hỏi hai siêu cường giải trừ từng phần số lượng vũ khí hạt nhân.
Ngày 5/12/1991: Tổng thống Mỹ George Bush (cha) ký Đạo luật Hệ thống Phòng thủ Tên lửa, trao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng xây dựng một lá chắn tên lửa.
Tháng 1/1993: Tổng thống Nga Boris Yeltsin và tổng thổng Mỹ Bush (cha) ký START-II. Theo đó, mỗi bên sẽ cắt giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 3.500 trước cuối năm 2007.
Tháng 3/1993: Nam Phi tuyên bố đã chế tạo được 6 vũ khí hạt nhân, nhưng sau đó đã phá huỷ. Đây là quốc gia duy nhất, cho tới thời điểm đó, chế tạo được vũ khí hạt nhân rồi tình nguyện phá huỷ.
Ngày 2/9/1995: Pháp bị cộng đồng quốc tế lên án vì thử hạt nhân ở đảo san hô Mururoa (Thái Bình Dương). Pháp nói vụ thử này chỉ để lấy số liệu phục vụ công tác chế tạo một phần mềm cho phép các cuộc thử nghiệm trong tương lai được tiến hành trên máy tính. Nước này đã thử hạt nhân tổng cộng 210 lần. Trong đó có 17 lần vào những năm 1960 ở sa mạc Sahara. Các vụ còn lại được thực hiện ở khu vực Polynesia.
Ngày 29/7/1996: Trung Quốc tiến hành vụ thử hạt nhân cuối cùng gần Lop Nor. Từ năm 1969 cho đến thời điểm đó, nước này đã tiến hành 45 vụ thử bom nguyên tử.
Ngày 10/9/1996: Mỹ, Nga, Anh và 90 quốc gia khác cùng ký Hiệp ước Toàn diện về cấm thử vũ khí hạt nhân, không cho phép tiến hành các cuộc thử nghiệm trên và dưới mặt đất. Ấn Độ và Pakistan từ chối ký hiệp ước này.
Ngày 11/5/1998: Ấn Độ tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần hai - lần đầu vào năm 1974. Lần này, họ đã cho nổ một quả bom nguyên tử và một trái bom khinh khí.
Ngày 30/5/1998: Pakistan tiến hành năm vụ thử vũ khí hạt nhân, nhằm cân bằng sức mạnh quân sự với Ấn Độ. Vậy là, hai nước Nam Á đã bắt đầu một cuộc chạy đua chế tạo loại vũ khí huỷ diệt này.
Ngày 23/7/1999: Tổng thống Mỹ Bill Clinton ký Đạo luật Hệ thống Tên lửa Phòng thủ Quốc gia.
Ngày 10/4/2001: Nga, Trung Quốc, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên thông báo với Ủy ban Giải trừ Quân bị LHQ rằng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ sẽ đe doạ an ninh thế giới, khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang, đi ngược lại Hiệp ước Chống tên lửa Đạn đạo (ABM).
Ngày 13/12/2001: Tổng thống Mỹ George W Bush (con) tuyên bố rút khỏi ABM, cho rằng đây chỉ là di sản của Chiến tranh Lạnh, không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi quyết định này của Mỹ là một “sai lầm”.
Tú Đạt (theo CBS News)