Với số phiếu áp đảo, Ranil Wickremesinghe, 73 tuổi, hôm nay được quốc hội Sri Lanka lựa chọn là Tổng thống tiếp theo, thay thế Gotabaya Rajapaksa, người gần đây chạy ra nước ngoài và tuyên bố từ chức.
Giới quan sát cho rằng Wickremesinghe là trường hợp hiếm thấy trên chính trường Sri Lanka suốt khoảng nửa thế kỷ qua. Từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1977, ông đến nay đã 6 lần được bổ nhiệm làm thủ tướng, với lần gần nhất là giữa năm nay, khi đất nước lún sâu trong khủng hoảng kinh tế - chính trị nghiêm trọng nhất lịch sử.
Điều đặc biệt trong sự nghiệp chính trị của Wickremesinghe là ông chưa bao giờ làm trọn vẹn một nhiệm kỳ thủ tướng.
Quan lộ của ông thường xuyên bị cắt ngang bởi những cuộc khủng hoảng an ninh, chính trị, kinh tế khiến bộ máy lãnh đạo Sri Lanka xáo trộn. Dù vậy, Wickremesinghe luôn tìm ra cách "hồi sinh" sự nghiệp của mình, đến mức giới quan sát và dư luận Sri Lanka đặt cho ông biệt danh "cáo già" trên chính trường.
Năng lực điều hành kinh tế vĩ mô được xem là thế mạnh của Wickremesinghe, được thể hiện trong 6 nhiệm kỳ thủ tướng dang dở.
Xuất thân là một luật sư, Wickremesinghe lần đầu được chỉ định vào ghế thủ tướng là năm 1993, sau khi Tổng thống Rannasinghe Premadasa thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát của phiến quân ly khai Tamil.
Nhưng nhiệm kỳ của ông kết thúc chỉ sau một năm, khi đảng Đoàn kết Dân tộc (UNP) cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 8/1994. Dù nắm quyền trong thời gian ngắn ngủi, Wickremesinghe đã để lại dấu ấn với nỗ lực cải cách kinh tế mạnh mẽ và được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.
Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2001, đảng của Wickremesinghe giành chiến thắng, giúp ông thành lập được chính phủ và nhậm chức thủ tướng thứ 17 của Sri Lanka, trong khi tổng thống Chandrika Kumaratunga là thành viên đảng đối lập.
Trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai này, Wickremesinghe được giới quan sát đánh giá là có vai trò quan trọng đưa đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế và loạt chính sách cải cách của ông có xu hướng "thân phương Tây".
Dù Wickremesinghe kiên quyết khẳng định mình là chính trị gia "trong sạch", ông từng đối diện cáo buộc tham nhũng và vướng vào một vụ bê bối trục lợi bằng thông tin nội bộ của Ngân hàng trung ương Sri Lanka (CBSL). Ông luôn phủ nhận mọi cáo buộc.
Quan hệ giữa Wickremesinghe và tổng thống Kumaratunga ngày càng trở nên căng thẳng. Tháng 2/2004, tổng thống Kumaratunga giải tán quốc hội, chấm dứt sớm nhiệm kỳ của Wickremesinghe.
Wickremesinghe trở lại Văn phòng Thủ tướng để đảm nhận nhiệm kỳ ba vào năm 2015, trong một chương trình nắm quyền 100 ngày. Đến tháng 8/2015, đảng UNP của Wickremesinghe chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, giúp ông trở thành thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư.
Trong giai đoạn này, Wickremesinghe bị cáo buộc hỗ trợ gia tộc Rajapaksa của cựu tổng thống Mahinda vừa thất cử. Các đảng ủng hộ Rajapaksa là phe đối lập với UNP trên chính trường, nhưng các thành viên trong gia tộc này lại có quan hệ cá nhân thân thiết với Wickremesinghe.
Nghị trường Sri Lanka giai đoạn này sục sôi với những cuộc điều tra cáo buộc các thành viên gia tộc Rajapaksa có hành vi tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Khi mọi nỗ lực truy tố thành viên gia tộc Rajapaksa đều thất bại, dư luận Sri Lanka chỉ trích ông Wickremesinghe đã tác động đến cuộc điều tra nhằm bảo vệ đồng minh.
Đến tháng 10/2018, sau cú sốc bầu cử giữa kỳ và thất bại của đảng UNP cầm quyền tại quốc hội, ông bị các thành viên trong đảng yêu cầu từ chức lãnh đạo đảng lẫn ghế thủ tướng. Tổng thống Maithripala Sirisena khi đó chỉ định cựu tổng thống Mahinda thay thế ông.
Cuộc đối đầu giữa Wickremesinghe và Sirisena kéo dài gần hai tháng và được đưa lên Tòa án Tối cao phân xử, do tổng thống bị cáo buộc vi hiến khi sa thải thủ tướng. Đến tháng 12/2018, Wickremesinghe được phục chức, nắm quyền thủ tướng lần thứ năm, nhưng nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài thêm một năm.
Ông từ chức thủ tướng vào tháng 11/2019 giữa dư luận bất lợi, với nguyên nhân phần lớn là thất bại tình báo của chính phủ trong loạt đánh bom khủng bố liên hoàn vào lễ Phục sinh năm ấy. Vụ khủng bố khiến hơn 270 người thiệt mạng, gây chấn động đảo quốc Sri Lanka, làm sống lại nỗi ám ảnh về giai đoạn nội chiến đẫm máu.
Wickremesinghe còn thất cử đại biểu quốc hội Sri Lanka vào năm 2020, nhưng vẫn trở lại nghị trường thành công qua cơ chế phân bổ ghế cho các đảng chính trị, trở thành đại diện duy nhất cho UNP tại quốc hội.
Đến tháng 5 năm nay, giữa lúc tổng thống Gotabaya Rajapaksa bị bủa vây bởi khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị, Wickremesinghe một lần nữa có cơ hội thực hiện tham vọng chính trị của mình.
Khi làn sóng biểu tình sục sôi, ông Mahinda Rajapaksa, anh trai của tổng thống Gotabaya Rajapaksa, chấp nhận từ chức để giảm sức ép chính trị, mở đường cho Wickremesinghe trở lại ghế thủ tướng để vừa tìm lối thoát cho nền kinh tế, vừa trấn an lòng dân.
Chưa đầy hai tháng sau, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy sang Maldives do sức ép quá lớn từ làn sóng biểu tình. Wickremesinghe được quốc hội chỉ định là quyền Tổng thống, nhưng tiếp tục kiêm nhiệm ghế thủ tướng. Với cuộc bỏ phiếu ở quốc hội hôm nay, Wickremesinghe chính thức chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng thứ 6 dang dở của mình để đảm nhận cương vị Tổng thống.
Dù Wickremesinghe nhận được ủng hộ từ phần lớn nghị sĩ quốc hội, với hình ảnh chính trị gia kỳ cựu đủ khả năng lèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng và đàm phán với các tổ chức quốc tế, tân Tổng thống Sri Lanka vẫn đang đối mặt nhiều tranh cãi về uy tín chính trị.
Quan hệ thân thiết giữa ông và gia tộc Rajapaksa, cũng như quyết định nhận lời làm thủ tướng hồi tháng 5, khiến người biểu tình cho rằng ông đang tìm cách bảo vệ các cựu đồng minh.
Trong những tuần cuối của chính quyền Gotabaya Rajapaksa, người biểu tình cũng nhắm đến Wickremesinghe. Tư dinh của ông bị đám đông quá khích tấn công và phóng hỏa đêm 9/7, nhưng ông trước đó đã được sơ tán trước đến nơi an toàn.
Giới quan sát lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị Sri Lanka sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu, với các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể nổ ra ở thủ đô Colombo sau khi Wickremesinghe được bầu làm Tổng thống.
"Wickremesinghe phải từ chức vì ông ấy vốn trở lại chính trường để bảo vệ một hệ thống đã mục rỗng. Ông ấy thất bại trong tất cả những lần làm thủ tướng trước đó. Nhân dân chúng tôi không thể chấp nhận ông ấy. Chúng tôi không cần thêm một lãnh đạo suy thoái", mục sư Jeevantha Peirris, một trong các lãnh đạo phong trào biểu tình, nhấn mạnh.
Thanh Danh (Theo Guardian, Wire)