"Đây là tình huống con sâu làm rầu nồi canh. Tôi nghĩ thật khó để tin rằng đó là hành động cố ý. Có thể một vị tướng hoặc cá nhân nào đó đã phạm sai lầm khi bắn rơi chiếc máy bay không người lái", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, khi nhiều người lo sợ Mỹ sẽ phát động chiến dịch quân sự với Iran. Trước đó, phòng không Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) RQ-4N Mỹ.
Tờ New York Times hôm nay dẫn lời nhiều quan chức giấu tên cho biết Trump đã phê duyệt kế hoạch tấn công hàng loạt mục tiêu của Iran để đáp trả vụ UAV bị Tehran bắn hạ, nhưng ra lệnh hủy kế hoạch vào phút chót. Ông chủ Nhà Trắng cũng gửi thông điệp cảnh báo cho Iran thông qua chính phủ Oman và tỏ ý muốn đối thoại.
Giới phân tích đánh giá những động thái này là dấu hiệu cho thấy Trump đang áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng để ngăn sự cố trên khơi mào một cuộc chiến hao người tốn của tại Trung Đông.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump từng đổ lỗi cho các tổng thống tiền nhiệm vì đã để quân đội Mỹ can dự vào những cuộc chiến khó khăn và dai dẳng. Ông từng hứa hẹn sẽ tránh xa xung đột ở nước ngoài.
Ông chủ Nhà Trắng đã hai lần thể hiện quan điểm này trong tuần vừa qua. Hôm 17/6, Trump gọi vụ tấn công tàu dầu Nhật và Na Uy ở vịnh Oman là "sự việc rất nhỏ", dù Washington liên tục cáo buộc Tehran đứng sau sự việc. Trong vụ Iran bắn hạ chiếc RQ-4N, Trump cũng theo đuổi giải pháp đối thoại thay vì trả đũa bằng quân sự.
Trump dường như đang áp dụng cách diễn giải lạc quan trong các sự cố chưa được giải quyết. Tổng thống Mỹ luôn thiên về sử dụng công cụ kinh tế như cấm vận, áp thuế, trong khi cố gắng hết mức tránh xung đột vũ trang. Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán song phương với các đối thủ, điều sẽ giúp ông để lại di sản sau khi rời vị trí lãnh đạo nước Mỹ.
"Trump rõ ràng không muốn bị kéo vào một cuộc xung đột quân sự. Ông ấy có hàng chục cơ hội để khơi mào chiến tranh nhưng luôn tránh điều đó", Ian Bremmer, giám đốc công ty đánh giá rủi ro Eurasia Group, nhận định.
Cuối tháng trước, Trump bác bỏ đánh giá của chính phủ Mỹ rằng các vụ thử tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trump đã hai lần họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và liên tục tỏ ý hy vọng thúc đẩy đàm phán đang bị đình trệ.
Dù xung quanh có nhiều cố vấn mang quan điểm cứng rắn như Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Trump vẫn từ chối mở rộng hoạt động tác chiến quy mô lớn của quân đội Mỹ, phớt lờ lời khuyên của các cố vấn khi ra lệnh rút quân khỏi Syria và Afghanistan, đồng thời bác bỏ đề xuất triển khai hàng nghìn binh sĩ đến Trung Đông để đối phó Iran của Lầu Năm Góc.
James Jay Carafano, học giả tại Quỹ Heritage của Mỹ, đánh giá Trump thường sử dụng giọng điệu khiêu khích như một chiến thuật đàm phán nhằm thu hút sự chú ý của lãnh đạo nước ngoài, nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của Mỹ mà không gây leo thang xung đột hay can dự vào các cuộc chiến tốn kém.
"Tổng thống thể hiện tinh thần sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Mỹ nhưng không muốn thay đổi thế giới. Chúng ta không muốn đi chinh phạt các nước khác hay tái thiết sau chiến tranh. Chúng ta không muốn thay đổi chế độ", Carafano nói.
Việc Trump không quan tâm đến can thiệp nước ngoài thể hiện rõ trong các nỗ lực nửa vời của Washington nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.
Hồi tháng 1, Trump công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là lãnh đạo hợp pháp của Venezuela. Cố vấn Bolton sau đó ám chỉ việc chuẩn bị can thiệp quân sự vào nước này khi "vô tình" để lộ kế hoạch điều 5.000 quân đến Colombia. Gần nửa năm sau, vẫn chưa có lính Mỹ nào đồn trú tại khu vực. Trump cũng gần như không đề cập đến cuộc đảo chính bất thành hồi cuối tháng 4, khi phe đối lập không thể lật đổ Tổng thống Maduro.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran tháng 5/2018, Trump cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran để buộc nước này đàm phán lại một thỏa thuận mới. Động thái này làm hài lòng những người ủng hộ ông và đồng minh Israel, nhưng khiến 5 cường quốc tham gia ký thỏa thuận và Iran tức giận.
Giới chuyên gia cho rằng việc áp dụng biện pháp trừng phạt kinh tế mới và tăng cường răn đe Iran cho thấy Trump đang để ngỏ cánh cửa đàm phán, tương tự phương án ông từng áp dụng với Triều Tiên. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo cách tiếp cận phi truyền thống của ông chủ Nhà Trắng sẽ buộc Tehran ngồi vào bàn đàm phán.
"Trump đang phát tín hiệu muốn đối thoại và tỏ ý có thể giúp mọi thứ tốt hơn. Ông muốn dùng lập trường cứng rắn để buộc Iran nhượng bộ. Tuy nhiên, vấn đề là lãnh đạo Iran hiện không sẵn sàng cho việc này", cựu đại sứ Mỹ Christopher R. Hill nhận xét.
Duy Sơn (Theo LA Times)