Hành trình của mặt trời
Hoàng Trường Giang, Nguyễn Văn Minh
Một ngày cuối tháng 12/2014, tại độ cao 1.866m trên đỉnh núi Khoang La San, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé Điện Biên, bên cạnh cột mốc số 0 Việt-Lào-Trung, lá Quốc kỳ từ đảo Trường Sa Lớn Khánh Hòa được trao cho Trung úy Lê Sỹ Nam, cán bộ Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải... Như vậy là sau 6 tháng, vượt qua hành trình hàng vạn km cả trên biển và đất liền, chúng tôi đã đi tàu biển, ô tô, xe gắn máy và cuối cùng là 7 giờ đi bộ ngược núi rừng để hoàn thành nhiệm vụ đổi lá Quốc kỳ thiêng liêng từ nơi đón ánh mặt trời đầu tiên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, xa nhất là đảo Tiên Nữ đến nơi mặt trời lặn sau cùng trên lãnh thổ, cực Tây Tổ quốc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên. Tháng 11-2014, những lá Quốc kỳ ấy còn được giao đổi tại cột mốc 18.2, Trạm Biên phòng Kẻng Mỏ, Đồn Biên phòng 311 Ka Lăng, huyện Mường Tè Lai Châu, nơi dòng sông Đà nhập “quốc tịch” Việt Nam.
Tháng 4-2014, trong chuyến công tác tại huyện Mường Nhé Điện Biên và huyện Mường Tè Lai Châu chúng tôi đã nảy ra ý tưởng về việc trao tặng lá Quốc kỳ ở nơi tận cùng biên giới cho quân-dân huyện đảo Trường Sa. Thượng tá Nguyễn Văn Ngọc, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 311 Ka Lăng và Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 317 A Pa Chải, đều rất vui mừng, ủng hộ việc làm này. Ngay sau đó, cán bộ, chiến sĩ của cả hai đồn biên phòng nơi cực Tây và thượng nguồn sông Đà đã làm lễ hạ cờ, ký tên, đóng dấu đơn vị lên lá Quốc kỳ để nhờ chúng tôi chuyển ra Trường Sa. Trên lá Quốc kỳ của Đồn Biên phòng 311 Ka Lăng còn ghi:
“Bộ chỉ huy BĐBP Lai Châu
Đồn BP Ka Lăng
Các đồng chí thân mến!
Chúng tôi và các đồng chí được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó thực hiện sứ mệnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Dù vất vả, khó khăn, hiểm nguy luôn rình rập nhưng với bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta luôn chắc tay súng, yêu đời, khắc phục khó khăn, sát cánh bên nhau bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Chúng tôi đã đi Trường Sa để thực hiện trao lá quốc kỳ cho các đảo Trường Sa Lớn, Phan Vinh, Nam Yết, Tiên Nữ, Sinh Tồn Đông,… Đồng thời nhận lại những lá quốc kỳ từ đảo để mang về trao cho các đồn biên phòng ở biên giới trên đất liền.
-
Hành trình của mặt trời
Trao lá quốc kỳ trên đảo Tiên Nữ, quần đảo Trường Sa
-
Hành trình của mặt trời
Trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn đóng dấu lên lá quốc kỳ để gửi về biên giới
-
Hành trình của mặt trời
Trao lá quốc kỳ của Đồn biên phòng 311 Ka Lăng cho Đại úy Vũ Đức Vinh, Chính trị viên phó đảo Sinh Tồn Đông vào ngày 7/5/2014, đúng ngày kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
-
Hành trình của mặt trời
Trao quốc kỳ từ đảo Sinh Tồn Đông cho Đại úy Nông Văn Hơn, Chính trị viên phó Đồn biên phòng 311 Ka Lăng tại cột mốc 18.2, trạm Kẻng Mỏ, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt
-
Hành trình của mặt trời
Trao cờ tổ quốc từ đảo Trường Sa Lớn cho trung úy Lương Sĩ Nam, Đồn Biên phòng A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên tại cột mốc số 0 ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung