Sau nhiều biện pháp kiểm soát Covid-19, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, ngày 24/9, cho biết biến thể Delta không tuân theo kịch bản định sẵn của Singapore.
"Nó lây truyền qua cộng đồng và đang khiến số ca nhiễm hàng ngày tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, trước khi các kế hoạch tăng cường kiểm soát được triển khai đầy đủ, trước cả khi hệ thống hỗ trợ được hoàn thiện", ông nói.
Tuy nhiên, ông Ong cũng cho rằng đây là bản chất của virus. Để tránh quá tải hệ thống y tế, Singapore đang cẩn trọng kìm hãm số ca nhiễm và đẩy mạnh kế hoạch tăng cường giường điều trị Covid-19 cùng các biện pháp khác.
"Đây là điều mà mọi quốc gia phải đối mặt, là con đường phía trước không thể tránh khỏi nếu chúng ta muốn sống chung với Covid-19 và lấy lại trạng thái bình thường trước dịch. Vì vậy, chúng ta cần vượt qua làn sóng lây lan này bằng cách hiệu quả và an toàn nhất có thể", ông Ong nói.
Để lý giải tình trạng dịch bệnh leo thang, Leo Yee Sin, giám đốc điều hành của Trung tâm Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NCID) phân tích về sự khác biệt của biến thể Delta trong làn sóng Covid-19 mới.
Trước hết, đây là biến thể có khả năng lây lan cao nhất. Trong nghiên cứu so sánh giữa Alpha, Beta và Delta, NCID phát hiện Delta dễ lây lan nhất. So sánh với phiên bản ban đầu của nCoV, các biến thể đáng quan tâm đều có giá trị CT thấp hơn, cho thấy số lượng virus trong cơ thể cao. Điều này được thể hiện qua các xét nghiệm PCR.
Giá trị CT là viết tắt của ngưỡng chu kỳ (cycle threshold), xuất hiện trong các xét nghiệm PCR đối với Covid-19, nhằm xác định xem một người có nhiễm virus hay không. Giá trị CT giúp phản ánh tương quan giữa tải lượng virus và mức độ nặng nhẹ của căn bệnh. Giá trị CT càng thấp thì lượng virus càng cao. Trong số ba biến thể được quan tâm, Delta có giá trị CT thấp nhất.
Giáo sư Leo nhận định: "Nghiên cứu cũng cho thấy các ca nhiễm Delta có xu hướng bị viêm phổi, nhiều trường hợp cần thở oxy, vào phòng hồi sức tích cực (ICU) hoặc tử vong".
NCID đã kiểm tra 1.100 bệnh nhân dương tính nCoV chưa tiêm chủng được đưa vào trung tâm kể từ tháng 2 đến tháng 12 năm ngoái, so sánh họ với 1.113 bệnh nhân từ ngày 28/4 đến ngày 26/8 năm nay. Họ nhận thấy 67,4% người bệnh năm 2021 nhiễm biến thể, 99% trong đó là biến thể Delta.
Những người trên 50 tuổi chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm một liều vaccine năm 2021 phải thở oxy nhiều hơn (30%) so với nhóm chưa tiêm chủng vào năm 2020 (14,1%) khi mắc Covid-19. Điều này cho thấy biến thể Delta liên quan đến nhu cầu thở oxy của người bệnh chưa tiêm chủng.
Trong số 633 bệnh nhân Covid-19 từ 50 tuổi trở lên nhập viện NCID từ ngày 28/4 đến 26/8, tỷ lệ cần bổ sung oxy cao nhất là ở nhóm chưa tiêm vaccine (gần 39%), tiếp đến là nhóm đã tiêm một liều (hơn 19%) và cuối cùng là người đã chủng ngừa đầy đủ (gần 4%).
"Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine. Ngoài ra, người mới tiêm một liều vaccine cũng được bảo vệ ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, người dân vẫn cần hoàn thành tiêm chủng để được an toàn tối đa", giáo sư Leo cho biết.
"Nhìn chung, những bệnh nhân được tiêm chủng đầy đủ có triệu chứng nhẹ hơn, hầu hết phục hồi ổn định, trừ khi họ có bệnh nền", bà nói thêm.
Ngoài ra, công trình của NCID cũng cho thấy biến thể Delta trốn tránh được hệ miễn dịch, gây bệnh ở cả người đã tiêm vaccine. Song hệ miễn dịch vẫn đủ sức để hạn chế virus nhân lên, ngăn chặn bệnh tình chuyển nặng trong tuần thứ hai. Tải lượng nCoV ở người đã tiêm vaccine giảm nhanh hơn so với người chưa được tiêm. Điều này có nghĩa người đã tiêm chủng sẽ dừng giai đoạn lây nhiễm sớm hơn.
Tính đến ngày 25/9, 82% dân số Singapore đã hoàn thành tiêm chủng Covid-19. Khi dịch bệnh vẫn tiếp diễn, NCID làm việc với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Nhân lực để theo dõi thời gian miễn dịch kéo dài ở các nhóm có nguy cơ nhiễm nCoV. Nhóm này bao gồm người cao tuổi ở các viện dưỡng lão, nhân viên tuyến đầu và lao động nhập cư. NCID đã ghi danh khoảng 1.800 người vào một nghiên cứu dự kiến kéo dài hai năm.
Công trình cho phép trung tâm giám sát chương trình tiêm chủng tăng cường, xem liều vaccine thứ ba có thực sự kéo dài miễn dịch hay không. Nghiên cứu cũng giúp xác định các yếu tố nguy cơ gây lây nhiễm và độ hiệu quả của vaccine trên các nhóm dễ tổn thương.
Các phát hiện đến nay chỉ ra rằng kháng thể ở người lớn tuổi giảm dần qua thời gian. Song điều này không đồng nghĩa vaccine không hiệu quả. Bằng chứng chỉ ra rằng người trên 50 tuổi được tiêm chủng về cơ bản ít nguy cơ chuyển nặng hơn những người chưa tiêm.
Các yếu tố kể trên cho thấy tính khó lường của nCoV. Giống với bất kỳ loại virus RNA nào, nCoV có khả năng đột biến, sinh nhiều lợi thế để thích ứng, đảm bảo tồn tại lâu dài. Biến thể Delta là ví dụ điển hình của một phiên bản với khả năng lây nhiễm cao, cho phép virus lan truyền một cách dễ dàng.
Nó có thể né tránh hàng rào miễn dịch của người Singapore, khiến vaccine kém hiệu quả hơn và làm giảm khả năng chống chuyển nặng. Giáo sư Leo cho biết: "Trước tất cả những thách thức này, dù tỷ lệ bao phủ vaccine đã là hơn 80% dân số, những ca nhiễm nCoV đột phá ngày càng tăng, nhiều trường hợp phải bổ sung oxy".
Theo bà, tình trạng nhắc nhở người dân không được tự mãn hay đánh giá thấp virus, giới chuyên gia tiếp tục thu thập dữ liệu để tìm hiểu thêm và mầm bệnh, chính phủ cần có hướng phản ứng vừa nhanh nhẹn, vừa thận trọng.
Thục Linh (Theo CNA)