Nhà điêu khắc Andrea Gandini đang tạo dựng tên tuổi của mình bằng cách thổi hồn những gốc cây chết của Rome thành tác phẩm nghệ thuật.
Rome vốn được biết đến là một trong những thành phố xanh nhất châu Âu, với 313.000 cây xanh nằm dọc vô số con đường và lấp đầy các công viên. Tuy nhiên, nhiều cây xanh được trồng gần một thế kỷ đang yếu dần hoặc sắp chết. Nhìn chúng bị bỏ mặc ven đường, Gandini đã nảy ra một ý tưởng.
"Tôi học điêu khắc gỗ từ khi còn là một đứa trẻ hý hoáy trong garage. Rồi tôi chọn khắc một gốc cây ở ngoài đường. Đó là cách tôi bắt đầu với những gốc cây ở Rome", chàng trai 22 tuổi nói.
Gandini thích gặp gỡ mọi người khi thực hiện công việc của mình. Anh không lấy khuôn mẫu nào khi điêu khắc hình mặt người hay động vật lên gốc cây. Anh chọn khắc khuôn mặt vì tin rằng hình dạng này giúp khơi gợi sự đồng cảm và tôn trọng từ người qua đường đối với những gốc cây như một cá nhân.
"Tôi mất khoảng một tuần để hoàn thành một mẫu điêu khắc, nó sẽ trở thành tác phẩm của mọi người", anh nói khi những người qua đường dừng lại để chiêm ngưỡng tác phẩm của anh và chụp ảnh.
Gandini lập bản đồ đánh dấu các gốc cây trên website của mình. Những tác phẩm điêu khắc này đang trở thành điểm thu hút khách du lịch. Hướng dẫn viên thậm chí còn dẫn khách tới đây theo lịch trình tour.
"Những gốc cây không phải thứ được xem trọng, nhưng lại hội tụ đủ yếu tố hoàn hảo để chạm khắc. Rome có nhiều gốc cây đang chờ đợi để hoá thành tác phẩm nghệ thuật", nghệ sĩ trẻ bày tỏ.
Trong khi những bức điêu khắc của Gandini dần gây tiếng vang với cả người địa phương và du khách, chính quyền Rome lại không mặn mà với công cuộc sáng tác của anh. Chính quyền Rome cho biết khoảng 86.000 cây xanh phải được bảo trì hoặc chặt hạ. Cây xanh thường đổ rạp khi trời nổi bão, hay bị xe tông phải.
Gần đây, khi Gandini chuẩn bị khắc lên một gốc cây gần Đấu trường La Mã Colosseum thì bị cảnh sát ngăn lại. Họ cảnh cáo sẽ cấm anh vào khu vực này trong một năm, nếu bắt gặp anh điêu khắc cây ở đó một lần nữa.
Gandini không nản lòng. Anh nói rằng, bản thân là người yêu thiên nhiên và cảm thấy đau lòng khi thấy những cái cây trở thành mối nguy hiểm cho con người. "Tôi có quyền tiếp tục việc mình đang làm. Nếu không có gì thay đổi trong 10 năm tới, sẽ còn rất ít cây trong thành phố", anh nói.
Bảo Ngọc (Theo Reuters)