Dịp lễ Tết, bà thường trở về nhà lúc 4h sáng. Nhà hàng, quán ăn chật ních người, rác chật ních thùng. Nhưng số tiền khiến bà hài lòng, chấp nhận dọn những đống rác đầy quá mép thùng, tràn cả bên vệ đường. Người chủ quán hài lòng, thay vì đổ rác đúng chỗ đúng giờ, lao công được cho thêm vài chục nghìn sẽ dọn sạch. Trong mối quan hệ hai bên, ai cũng có sự hài lòng.
Trong xóm trọ của bà Tươi, tôi còn gặp anh Minh. Anh làm công nhân dọn rác dưới hầm chung cư. Anh là “công nhân nước hai”, tức là không có hợp đồng hay bảo hiểm, cứ thế cặm cụi trong căn hầm tối thu dọn những túi rác được ném xuống qua cái ống thông tầng. Mười năm sống ở Hà Nội, anh không nói sõi tiếng Kinh.
Sự hài lòng của anh Minh ở một cấp độ khác so với bà Tươi: anh truyền lại nó cho cả những vợ con. Hai đứa con chỉ hơn 10 tuổi đã bỏ học, giờ theo cha đi nhặt chai lọ dưới hầm rác. Ở đó, tôi nhìn thấy những nụ cười tươi rói của trẻ thơ, khi bới rác, khi đếm chai, khi… chơi đùa với rác.
Nụ cười của những đứa con anh Minh trong cái hầm rác tăm tối ấy, rõ ràng có điều gì đó không ổn. Trong một thỏa thuận mà những người có mặt đều thấy hài lòng, thì điều gì có thể sai?
Tôi chợt nhận ra, sự hài lòng của bà Tươi và của người chủ quán không giúp ích gì cho môi trường. Nó khiến cho thói quen xả rác bừa bãi sẽ được duy trì mãi. Lá mơ và xương chó sẽ tiếp tục được vứt ra đường vì đã có người dọn với giá rẻ.
Sự hài lòng của anh Minh dưới hầm rác chung cư, cũng như sự hài lòng của những cư dân sống trên đầu anh, sẽ không bao giờ tạo ra một quy trình thu gom rác hiệu quả hơn trong tương lai xa. Sự hài lòng ấy cũng không bao giờ cải thiện được quyền lợi của người lao động về sau này - chính là những đứa con của anh. Chúng sẽ phải học cách hài lòng trong hầm rác như cha mình.
Xã hội ta có rất nhiều những sự hợp tác “thuận mua vừa bán”, ai cũng cảm thấy hài lòng nhưng không ai đo được hệ lụy lâu dài.
Những công nhân dành cả tuổi xuân trong nhà máy, làm thêm 600-800 giờ mỗi năm hài lòng khi mỗi tháng nhận thêm một khoản tiền từ tăng ca. Giới chủ hài lòng vì đơn hàng đúng tiến độ. Số tiền lương tăng thêm ấy không dựa trên việc tăng năng suất lao động, những con người bị vắt kiệt sức, luôn trong tình trạng thèm ngủ, sẽ bị thải loại trước tuổi 35, nhưng sống được.
Người bán hàng trên vỉa hè hài lòng khi không mất tiền thuê mặt bằng, đóng các loại thuế phí. Người mua sẵn sàng đỗ xe bên vệ đường, dưới lòng đường, hài lòng vì sự tiện lợi. Thậm chí cán bộ quản lý trật tự cũng có thể sẽ nhận được sự hài lòng bằng một “thỏa thuận” nào đó.
Trong những giao dịch hành chính có phí “bôi trơn”, người làm thủ tục hài lòng khi tiết kiệm được thời gian, công đi lại, không phải chứng kiến thái độ hách dịch, vòi vĩnh của cán bộ dù mất thêm vài trăm nghìn đến vài triệu. Cán bộ hài lòng khi có thêm khoản thu nhập ngoài lương.
Họ mỉm cười trong sự hài lòng ngắn hạn. Những sự hài lòng ngắn hạn của người Việt Nam thường xuyên trở thành cản lực cho sự phát triển lâu dài. Nó sẽ luôn để lại những di chứng. 48% người dân trong cuộc khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2017 (PAPI) cho rằng họ phải “lót tay” thì mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước.
Mức độ chịu đựng tham nhũng lại tăng lên, thể hiện câu hỏi: mức tiền bị vòi vĩnh nào mới khiến người dân lên tiếng tố giác? Năm 2017, số tiền trung bình có thể dẫn tới tố giác là 27,5 triệu đồng, trong khi đó của năm 2016 là 25,6 triệu đồng. Còn tỷ lệ người bị nhũng nhiễu quyết tâm đi tố giác thì luôn giữ mức “bền vững” trong nhiều năm, chỉ 3%.
Dưới 27,5 triệu đồng là con số được nhiều người chấp nhận để đổi lấy sự hài lòng. Giá của sự hài lòng ngắn hạn trên thị trường Việt Nam đã tăng lên.
Tình trạng trên có lẽ sẽ ít xảy ra, nếu như lương công chức đủ sống để không cần vòi vĩnh, các tỉnh thành cung ứng dịch vụ công tốt hơn, cải thiện năng lực và thái độ của công chức và sự phản hồi, trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước tốt hơn. Những công nhân cũng sẽ không phải trông chờ vào 800 giờ làm thêm một năm nếu chính sách an sinh bảo vệ được họ. Những đống-rác-thịt-chó sẽ không tự nhiên được dọn sạch, và người chủ quán sẽ bị phạt, nếu chính sách môi trường toàn diện. Chính sách công ra đời là để ngăn chặn tình trạng “tự thỏa thuận” này; để đảm bảo lợi ích lâu dài của xã hội không bị xâm phạm. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, chính sách không làm được điều đó, và các bên tự tìm kiếm sự hài lòng từ nhau.
Nụ cười của thằng bé út nhà anh Minh ở trong hầm rác có gì đó không ổn. Nhưng tôi sẽ không thể diễn tả nổi cho anh, rằng đáng ra chính sách phải được thiết kế để anh không bao giờ làm việc trong cái hầm rác ấy, với điều kiện này để đổi lấy sự hài lòng của bốn con người trong gia đình anh.
Khi các bên tự thỏa thuận, họ không bao giờ nhìn thấy tác động có hại của mình. Đối tượng bị gây hại không có mặt. Đó có thể là thế hệ tương lai, là những đứa con của anh Minh, bà Tươi nếu quy trình thu gom rác vẫn duy trì bằng sự hài lòng của cha mẹ chúng; đó có thể là một thanh niên có trình độ vẫn thất nghiệp, vì ai đó đã chạy một suất biên chế lẽ ra thuộc về họ. Đó, cũng có thể là số phận của một đất nước không bao giờ vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, khi cả nền gia công giá rẻ được duy trì bằng sự hài lòng của công nhân và giới chủ.
Còn bạn, đã bao giờ tham gia vào một giao dịch mà các bên đều hài lòng, nhưng bản thân vẫn thấy có gì đó sai sai?
Hoàng Phương