Luật sư Trần Hữu Huỳnh. Ảnh: PV
- Điều kiện kinh tế vĩ mô biến động trong năm 2008 đã tác động như thế nào đến cảm nhận của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, thưa ông?- Điểm số của các tỉnh ở nhóm trung bình giảm hơn 2 điểm so với năm 2007. Điều này cho thấy sự nhạy cảm của các tác nhân khách quan đến chỉ số, như tình hình lạm phát và suy giảm kinh tế. Số lượng các tỉnh được xếp hạng rất tốt và tốt đã giảm đi, và ở mức xấu lại tăng lên.
Số liệu chúng tôi thu thập được qua từng tháng cho thấy, mức độ hài lòng của doanh nghiệp ở các địa phương giảm dần. Đã có những khó khăn kinh tế mà doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự giải quyết được.
Môi trường kinh doanh năm nay chịu tác động của điều kiện kinh tế chung. Trong điều kiện như thế, chính quyền các địa phương cần xắn tay cùng làm với doanh nghiệp. Họ cần có dự báo tốt hơn, đưa ra các biện pháp hữu hiệu, kịp thời hơn, tránh trường hợp thiếu dự báo và biện pháp quyết liệt, khiến doanh nghiệp bị tổn thương vì môi trường bên ngoài. Trong điều kiện bình thường đã cần sự điều hành tốt, nhưng khi có khủng hoảng, càng cần vai trò lãnh đạo tại các tỉnh.
- Kinh tế năm 2009 được dự báo có khả năng suy giảm. Điều này sẽ tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh?
- Việc đối phó với suy giảm kinh tế sẽ tùy thuộc vào 2 vấn đề: khả năng giải quyết khủng hoảng của cơ quan quản lý, và tăng tính minh bạch. Tạo tính minh bạch cũng là giúp doanh nghiệp hiểu những khó khăn đang xảy ra, và cùng chia sẻ.
Nếu làm được những việc này, tôi cho rằng các địa phương sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua, và sự minh bạch sẽ giúp giảm thiểu những khó khăn đó. Nếu ở thời điểm thuận lợi, sự thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được các cơ hội.
- Ông nhận thấy kinh nghiệm gì qua sự thay đổi vị trí trong bảng xếp hạng năm nay?
- Sự năng động của mỗi tỉnh có liên quan mật thiết với chính sách của Trung ương. Các địa phương cần có sự dự báo kinh tế tốt, và họ cần cùng doanh nghiệp học cách "vượt bão".
- Thủ tục hành chính được liên tục đề cập trong bảng xếp hạng những năm trước, nhưng đến nay chưa nhiều chuyển biến. Theo ông là vì sao?
- Việc cải thiện thủ tục hành chính là một quá trình gian lao. Nó có thể tốt lên nếu điều kiện khách quan thuận lợi hơn. Nếu điều kiện bên ngoài thay đổi đột ngột, doanh nghiệp sẽ không thể xoay sở kịp.
- Ông đánh giá như thế nào về việc Hà Nội và Hà Tây (cũ) đều tụt hạng?
- Sự tụt hạng này cho thấy tính nhạy cảm của doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với các chính sách, bởi họ dễ chịu tác động của các yếu tố bên ngoài hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay quốc doanh. Vì thế, nảy sinh câu hỏi là cần làm gì để đảm bảo tính ổn định đối với doanh nghiệp. Còn nếu có thay đổi xảy ra, thì cần báo trước, và hỗ trợ họ vượt qua.
Ngọc Châu