Bây giờ là tháng 5, châu Âu đã gần cuối xuân, sắp vào hè. Tôi lại nhớ mùa hè năm trước.
Tháng 8, cuối hè, Paris vắng người và thênh thang đến mức làm tôi có lúc tưởng như nó đang ngủ ngày ngoài nắng vậy (dĩ nhiên không kể đến những Champs Elysées, Monmartre, hay Eiffel… vì lúc nào cũng đông đặc khách du lịch). Tôi lười biếng trở mình “nướng lên nướng xuống” như không có chuyện gì đáng phải lo, ngoài việc tận hưởng ánh nắng mùa hè hiếm hoi quý giá hơn vàng. Những khu phố kín cổng cao tường vì chủ nhà đang vi vu nghỉ hè tận những miền xa nào, những cửa tiệm chảnh chọe từ chối tiếp khách… hơi bất tiện nhưng tràn trề cảm giác tự do, ít va chạm, cảm giác của sự trễ nải, buông lơi và nhâm nhi cuộc sống… Hàng năm chỉ có tháng 8 thì Paris mới được như vậy.
Vợ chồng Hương Thanh đón tôi. Chúng tôi mừng rỡ tíu tít giữa Paris tĩnh lặng. Hương Thanh, một nghệ sĩ Việt tha hương có tiếng hát trong trẻo và lay động lạ lùng. Thanh mộc mạc, nét mộc mạc của người biết hãnh diện về mình. Thanh không có nhiều khán giả người Việt như chị Hương Lan của Thanh. Nhưng Thanh có đông đảo người phương Tây yêu văn hoá phương Đông tìm đến, say sưa nghe Thanh hát những “ Ru con”, các làn điệu… đã được Nguyên Lê và Hương Thanh cách điệu hoá. Nó hấp dẫn, văn minh và sáng sủa hơn rất nhiều. Nhiều người châu Âu “nghiện” Thanh, họ bị mê hoặc bởi những tiếng ngân cao vút, hoặc thủ thỉ thầm thì như tiếng vọng dân gian từ một miền đất xa xôi nào đó.
Hương Thanh, hơn hai mươi năm làm sứ giả đẹp xinh của dân ca Việt Nam ở châu Âu. Tôi hỏi em có buồn không khi quê nhà chưa biết nhiều về em? Em nói: “chị hai (Hương Lan) của em quá nổi tiếng, em vui rồi. Con đường của em, hẹp và chông gai hơn, em hát cải lương và dân ca Việt cho một phần thế giới nghe. Hạnh phúc của em là họ nhận ra một nghệ sĩ có bản sắc riêng…”.
Thanh không chạy show tối tăm mặt mũi như các nghệ sĩ, nhưng Thanh an nhiên và tíu tít với những dự án âm nhạc dấn thân. Mỗi lần lên sân khấu là một lần “ra khơi, biết mặt trùng dương…” (Bài hát Viễn du của nhạc sĩ Phạm Duy), là trải nghiệm tuyệt vời vì những thấu cảm rộng sâu cùng khán giả với bạn bè nhiều sắc tộc và màu da.
Tôi đã có dịp ngắm Thanh trên sân khấu với một dàn nghệ sĩ Tây, toàn những tên tuổi lẫy lừng. Họ dùng những nhạc cụ Tây để đệm cho Thanh hát dân ca Việt. Nhìn họ say sưa, cười viên mãn, tôi mới hiểu world music, âm nhạc không biên giới, và sự trân trọng nâng niu của họ đối với người nghệ sĩ bé nhỏ đến từ một xứ sở xa lắc. Họ không hiểu hết ca từ mà cô nhả chữ long lanh từng chút một. Nhưng giai điệu thì họ yêu. Họ yêu tà áo dài của cô nữa. Diễn xong, họ đứng lên, trang trọng chào cô, nghiêm nghị và hài hước thân tình. Khán phòng oà vỡ vì giai điệu Lý ngựa ô tưng bừng sôi nổi. Tôi nhìn quanh thấy chỉ có mình và cô ca sĩ trên kia là người Việt, còn lại toàn Tây. Vừa hoà nhịp vỗ tay, vừa hò hét vừa rưng rưng, tôi thấy hạnh phúc và hãnh diện làm sao!
Gia đình Thanh sống trong một căn hộ thanh bạch ở ngoại ô Paris. Thanh bạch lắm vì Thanh không bao giờ đòi hỏi phải lên xe xuống ngựa, phải thù lao kếch sù. Người nghệ sĩ đi gieo rắc tình tự quê hương đó dĩ nhiên rất cô đơn và luôn đối diện với những bất trắc trong cuộc sống. Hương Thanh phải tự làm chương trình, bươn chải tìm các quỹ hỗ trợ văn hóa, chắt chiu từng đồng cho các dự án của mình. Nhưng biết làm sao hơn bởi hạnh phúc lắm gian nan.
Riêng tôi, tưởng như khát vọng nghề nghiệp đã ngủ yên, nhưng mỗi lần gặp Thanh, trong tôi lại dậy lên mong muốn được sẻ chia, được làm nhiều điều hay ít ra được mơ mộng cùng em. Không mấy ai biết đến những việc thầm lặng của em, không mấy người Việt Nam tôn vinh em. Em hơi tủi thân, nhưng "em yên tâm lắm với sứ mệnh tự phong của mình".
Trên chuyến xe về miền lâu đài sông Loire, lướt qua những cảnh vật đẹp hơn thơ, những cánh đồng hoa, những cánh rừng, những vườn nho và hầm rượu… nghe giọng hát Hương Thanh trên đường thiên lý, chúng tôi đã khóc cười với nhau như vậy.
Thiên Thanh
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com