- Xin chào ông Lê Hải Trà. Hai buổi tập huấn của TTCK TP HCM ở Hà Nội và TP HCM đều đông nghịt người tham dự, thậm chí hỗn loạn, xô xát để có chỗ trong hội trường. Ông nghĩ sao khi các nhà đầu tư phải vất vả như vậy? (Lan Nhi, 37 tuổi, Hà Nội)
![]() |
- Tại hai buổi tập huấn vừa qua, điều đầu tiên mà TTGDCK đã làm khi bắt đầu buổi giới thiệu là xin lỗi các nhà đầu tư quan tâm. Chúng tôi không lường được sự quan tâm của các nhà đầu tư lại lớn như vậy. Mặc khác, giữa TTGDCK và địa điểm tổ chức buổi tập huấn chưa có sự phối hợp tốt nên đã dẫn đến những sự lộn xộn.
Để đáp ứng sự quan tâm của các nhà đầu tư, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp hai buổi giới thiệu tại Hà Nội và hai buổi tại TP HCM trong tuần này. Thời gian và địa điểm cụ thể được công bố trên bảng tin của TTGDCK.
- Tôi đã tham gia thị trường một năm, nay dù đã đọc sách tham khảo, tôi vẫn chưa hiểu rõ về khớp lệnh liên tục. Đề nghị anh cho ví dụ cụ thể. Chẳng hạn tôi có 10.000 REE, giá trần là 105.000, tham chiếu 100.000 và sàn là 95.000. Trước đây, tôi đặt lệnh bán 95.000, nhưng có lúc khớp được ở mức 105.000. Vậy với phương thức khớp lệnh mới, nếu đặt lệnh bán 95.000, có bao giờ tôi khớp được ở mức 105.000 nữa không? (Le Phuong, 37 tuổi, Tanphuongle1@yahoo.com)
- Với phương thức khớp lệnh mới, TT GDCK TP HCM vẫn duy trì hai đợt khớp lệnh định kỳ (mở cửa và đóng cửa) và phương thức khớp lệnh trong hai đợt khớp lệnh này vẫn tương tự như các đợt khớp lệnh định kỳ trước đây. Trong thời gian khớp lệnh liên tục, giá khớp lệnh sẽ là giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước. Nếu nhà đầu tư đặt lệnh bán giá 95.000 và đã có sẵn 1 lệnh mua tại mức giá 105.000 còn chờ trên sổ lệnh thì họ vẫn có thể được khớp với mức giá 105.000.
- Thời gian của các phiên giao dịch là từ 8h30-9h; 9h-10h; 10h-10h30. Như vậy, kết thúc phiên 1, Trung tâm có biện pháp gì để thông báo ngay kết quả, để nhà đầu tư có thể kịp đặt lệnh hoặc hủy lệnh ở phiên 2? (Nguyen A, 37 tuổi, Hanoifriend@yahoo.Com)
- Khi kết thúc phiên 1, Trung tâm sẽ chuyển kết quả khớp lệnh phiên 1 về cho mỗi công ty chứng khoán trong đó có kết quả chi tiết từng lệnh và công ty chứng khoán sẽ căn cứ vào đó để thông báo lại cho nhà đầu tư. Tương tự trong thời gian khớp lệnh liên tục, kết quả khớp lệnh cũng được truyền trực tuyến về cho từng công ty chứng khoán.
- Xin ông cho biết khớp lệnh liên tục sẽ có thuận lợi gì hơn so với khớp lệnh theo phiên. Tại sao Trung tâm chứng khoán TP HCM phải dùng phương pháp khớp lệnh song song? Xin ông cho biết lộ trình rút ngắn thời gian khớp lệnh giữa các phiên này và tiến tới bỏ hẳn, để chỉ còn một phương pháp khớp lệnh duy nhất là khớp lệnh liên tục? (Pham Kien Quoc, 37 tuổi, Pkquocvn@yahoo.Com)
![]() |
- Khớp lệnh liên tục tạo điều kiện cho lệnh giao dịch của các nhà đầu tư được so khớp liên tục chứ không phải sau những khoảng thời gian nhất định. Do vậy, sẽ nâng cao được khả năng khớp lệnh.
Phương thức khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, vì vậy, kết hợp cả hai phương thức này sẽ có được những lợi ích nhất định. Theo một kết quả khảo sát của Liên đoàn các sở giao dịch chứng khoán thế giới, có tới trên 60% các Sở giao dịch chứng khoán trên thế giới sử dụng kết hợp giữa hai phương thức khớp lệnh này. Do vậy, không nhất thiết chỉ sử dụng một phương thức khớp lệnh.
- Khi khớp lệnh liên tục, nếu tôi đã lỡ đặt lệnh rồi và được nhập vào hệ thống thì có được hủy lệnh được không? (Bao Minh, 37 tuổi, Hungbaominh@hcm.Fpt.Vn)
- Theo quy chế giao dịch, trong thời gian khớp lệnh liên tục nhà đầu tư có thể sửa và hủy lệnh đã đặt với điều kiện lệnh gốc chưa được khớp hoặc chưa được khớp hết. Tuy nhiên, trong thời gian khớp lệnh liên tục, do các lệnh sẽ được so khớp ngay mỗi khi nhập vào hệ thống nên nhà đầu tư khi ghi phiếu lệnh hủy thì có thể lệnh của nhà đầu tư đã được so khớp trên hệ thống.
- Tôi muốn nhờ ông Trà giải thích mục đích của phiên khớp lệnh định kỳ cuối phiên? Giá tham chiếu của phiên khớp lệnh định kỳ đầu giờ sáng? Chỉ số VN-Index được tính như thế nào theo phương thức giao dịch mới? Cám ơn ông nhiều! (Dũng, 37 tuổi, Một nhà đầu tư ở Hà Nội.)
- Hiện nay, thời gian giao dịch từ 8h đến 11h. Từ 11h ngày hôm nay đến 8h sáng ngày hôm sau là một khoảng thời gian dài. Trong khoảng thời gian này có thể xảy ra rất nhiều các thông tin liên quan đến các công ty niêm yết. Việc khớp lệnh định kỳ đầu ngày xác định giá mở cửa là lúc tập hợp các lệnh mua bán của các nhà đầu tư, qua đó xác định một mức giá phản ánh một cách cập nhật về tình trạng cung cầu đối với các loại cổ phiếu. Đây có thể coi như mức giá tham khảo cho phiên giao dịch liên tục tiếp theo.
Phiên khớp lệnh định kỳ cuối ngày cũng nhằm mục đích tập hợp các lệnh giao dịch, xác định mức giá đóng cửa làm giá tham chiếu cho ngày giao dịch tiếp theo. Một số thị trường tiên tiến trên thế giới có thể không có phiên xác định giá mở cửa nhưng luôn có phiên xác định giá đóng cửa.
Ngoài ra, TTGDCK cũng muốn duy trì 2 phiên khớp lệnh định kỳ để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chưa tự tin với phương thức khớp lệnh liên tục có thể tham gia. Trước mắt, thời gian 2 phiên khớp lệnh định kỳ là 30 phút/phiên, tuy nhiên, trong tương lai có thể rút ngắn lại, dành nhiều thời gian hơn cho khớp lệnh liên tục.
Công thức tính chỉ số VN-Index vẫn không có gì thay đổi. Chỉ khác là trong thời gian khớp lệnh liên tục, VN-Index sẽ được cập nhật liên tục thay vì chỉ tại 3 thời điểm như hiện nay.
- Với phương thức khớp lệnh định kỳ hiện nay, nhà đầu tư có thể đặt lệnh xong ra về và chỉ cần hỏi thăm qua điện thoại là biết kết quả. Vậy mà các sàn đã rất đông rồi. Sắp tới, khi áp dụng khớp lệnh liên tục nhà đầu tư phải luôn túc trực ở trên sàn. Liệu hướng giải quyết nguy cơ quá tải tại các sàn là thế nào? Cám ơn ông. (Nguyễn Xuân Thành, 34 tuổi, Thanhnx@vietresources.Com.Vn)
![]() |
- Nếu hiện tại công ty môi giới của bạn có thể cung cấp dịch vụ qua điện thoại thì trong thời gian giao dịch liên tục sắp tới họ cũng tiếp tục duy trì hình thức cung cấp dịch vụ này. Không nhất thiết người đầu tư phải có mặt, hay phải luôn túc trực trên sàn như bạn nói.
- Trong khớp lệnh liên tục, nếu như có 1 lệnh bán và 2 lệnh mua cùng được nhập vào hệ thống, trong đó giá bán thấp hơn 2 giá mua và khối lượng bán cân bằng cho cả 2 lệnh mua, liệu có được khớp lệnh ngay? Và sẽ khớp lệnh ở mức giá nào? Xin ông cho biết cụ thể cách tính giá khớp lệnh đó. Cảm ơn ông. (Vd, 33 tuổi, Intimexhn@gmail.com)
- Giá khớp sẽ phụ thuộc vào thứ tự các lệnh nhập vào hệ thống, giá khớp lệnh là giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước. Ví dụ có 3 lệnh: lệnh A mua 1.000 tại mức giá 80.000 đồng, lệnh B mua 1.000 tại mức giá 81.000 đồng, lệnh C bán 2.000 tại mức giá 78.000 đồng.
Nếu lệnh C được nhập vào trước sau đó đến lệnh B và lệnh A thì chỉ có 1 mức giá khớp 78.000 đồng với khối lượng khớp 2.000. Nếu lệnh A và B vào trước và lệnh C vào sau thì giá khớp sẽ là 80 và 81.000 đồng với khối lượng khớp 1.000 tại mỗi mức giá. Nếu trình tự các lệnh nhập vào hệ thống là A, C, B thì giá khớp sẽ là 80.000 và 78.000 với khối lượng là 1.000 tại mỗi mức giá. Nếu trình tự các lệnh nhập vào hệ thống là B, C, A thì giá khớp sẽ là 81.000 và 78.000 với khối lượng là 1.000 tại mỗi mức giá.
- Khớp lệnh liên tục thì biên độ dao động có thay đổi không ? (Lê Thị Quyên, 32 tuổi, 4a Láng Hạ)
- Biên độ dao động giá vẫn là 5% tính trên giá tham chiếu là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất.
- Khi tôi đặt lệnh ở phiên khớp lệnh định kỳ nhưng không khớp, liệu lệnh này có còn giá trị cho phiên sau (khớp lệnh liên tục) hay không? (Thuy Hoang, 36 tuổi, Thanhthuy.Hoang@gmail.Com)
- Có. Nếu lệnh của bạn là lệnh giới hạn thì nó sẽ có hiệu lực cho đến hết ngày giao dịch.
- Xin anh cho biết, nếu trong phiên khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa toàn lệnh mua, bán với giá ATO (tương tự trong phiên khớp định kỳ để xác định giá đóng cửa, chỉ có các lệnh ATC) thì kết quả khớp lệnh được xác định như thế nào? Xin cảm ơn anh. (Mai, 27 tuổi, Hà Nội)
![]() |
- Trong cả hai trường hợp đối với ATO và ATC như bạn vừa nêu đều không có giá khớp lệnh. Trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa, nếu không có giá khớp lệnh, giá đóng cửa sẽ là giá của lần khớp lệnh cuối cùng trong ngày giao dịch và giá này sẽ được dùng làm giá tham chiếu cho ngày giao dịch kế tiếp.
- Tôi là một nhà đầu tư nhỏ, với số vốn vỏn vẹn 100 triệu, xin hỏi TTGDCK có thể không áp dụng quy định tăng đơn vị giao dịch từ 10 CP lên 100 CP được không?
Thay vào đó, TTGDCK có thể áp dụng quy định đơn vị giao dịch tối thiểu là 100 CP, trên mức 100CP, nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua bán với những lô 110, 120, 130? (Nguyễn Thành Trung, 40 tuổi, Manaccounts@vnn.Vn)
- Vào thời điểm dự kiến áp dụng khớp lệnh liên tục ngày 7/5 sắp tới, lô giao dịch vẫn là 10. Thời gian áp dụng cho lô 100 sẽ sau 1 tháng (7/6). Vì vậy, anh sẽ có 1 tháng để quyết định. Ngoài ra, TTGDCK vẫn lắng nghe ý kiến phản hồi của các nhà đầu tư để có thể đi đến quyết định thích hợp nhất. Ví dụ, chúng tôi có thể cân nhắc lùi thời gian áp dụng xa hơn.
Về ý tưởng quy định đơn vị giao dịch của anh, TTGDCK rất cám ơn. Tuy nhiên, điều này là không thể thực hiện được với các hệ thống giao dịch.
- Chào anh. Tôi nghe nói giá mở cửa cho phiên khớp lệnh liên tục (phiên 2) là giá khớp của phiên 1. Vậy giá mở cửa cho phiên 1 là giá nào? (Thuong Nguyen Huu, 34 tuổi, Thuongnh.Hcm@techcombank.Com.Vn)
- Chúng tôi không có khái niệm giá mở cửa cho phiên khớp lệnh liên tục (phiên 2) mà chúng tôi chỉ có giá mở cửa được xác định trong phiên khớp lệnh định kỳ để xác định giá mở cửa (phiên 1).
- Xin được hỏi anh Lê Hải Trà đã có vợ chưa ạ? (Tôn Nữ Phương Lâm, 19 tuổi, Huế)
![]() |
- Cảm ơn bạn! Tôi đã có vợ và sắp làm cha vào tháng 5 tới.
- Việc nâng lô chẵn lên 100 nhằm giảm tải cho các công ty chứng khoán chỉ là giải pháp tạm thời. Vậy trong tương lai, có khi nào lại trở về lô chẵn là 10 để thu hút các nhà đầu tư nhỏ tham gia trở lại thị trường vốn vẫn rất non trẻ không? Xin cảm ơn ông. (Hoang Tam, 45 tuổi, Tamhoang279@gmail.Com, TP HCM)
- Đúng là việc nâng lô giao dịch lên 100 chỉ là giải pháp tạm thời nhằm góp phần giảm thiểu sự quá tải của các công ty chứng khoán. Trong tương lai khi TTGDCK cũng như các công ty chứng khoán có sự đầu tư tốt hơn cho nền tảng công nghệ, việc quay trở lại lô 10 hoàn toàn là điều có thể.
- Tôi nghe nói, tới đây giá chào sàn của các công ty niêm yết không được quá 30% so với giá doanh nghiệp dự kiến. Thông tin đó có đúng không? Nếu đúng, xin ông giải thích. (Phong Lan, 35 tuổi, TP HCM)
- Hiện tại việc áp dụng biên độ dao động giá cho ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư niêm yết mới là +/- 20% so với giá giao dịch dự kiến do tổ chức niêm yết và tổ chức tư vấn niêm yết (nếu có) đưa ra.
- Xin ông vui lòng cho biết nếu nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu từ ngày 7/6 thì số lẻ sẽ giải quyết như thế nào cho các cổ đông, cụ thể công ty chứng khoán sẽ mua lại với giá nào, thời gian mua, thông báo cho cổ đông thế nào để họ biết mà bán. Trong trường hợp cổ đông không muốn bán thì giải quyết thế nào? Xin cảm ơn ông (Tuan, 31 tuổi, Tuan@acb.Com.Vn)
- Theo Quyết định số 41, năm 2001 của Chủ tịch UBCK Nhà nước, công ty CK có nghĩa vụ mua lại phần cổ phiếu lẻ của các nhà đầu tư với mức giá bằng + /- 10% so với giá thực hiện gần nhất. Nếu không muốn bán, bạn có thể giữ lại số cổ phiếu lẻ này chờ đến đợt phát hành cổ phiếu thưởng hoặc phát hành thêm tiếp theo để bổ sung làm tròn lô.
- Chính phủ có chủ trương mở rộng và đưa thị trường CK đến mọi tầng lớp nhân dân. Tôi băn khoăn việc nâng đơn vị giao dịch theo lô lên 100 CP, chứ không phải là 10CP như trước, khác nào ngăn bớt nhà đầu tư nhỏ có chút ít vốn và kể cả nhà đầu tư mới (nhưng có số vốn lớn) muốn thăm dò thị trường trước khi tham gia thực sự. Chẳng lẽ vì lý do hạ tầng công nghệ không đáp ứng được mà TTCK TP HCM phải đưa ra quy định này? (Thanh97x6@gmail.Com, 25 tuổi, Thanh97x6@gmail.Com)
- Nói một cách chính xác, việc nâng lô từ 10 lên 100 mới chỉ góp một phần vào việc giảm bớt sự quá tải. Các biện pháp khác chính là khớp lệnh liên tục hay nâng lô giao dịch thỏa thuận lên 20.000. Trên phương diện của cơ quan vận hành thị trường, TTGDCK luôn cố gắng cao nhất để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, với mặt bằng công nghệ hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, chúng tôi không ảo tưởng và cũng không có tham vọng có thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu.
- Chào anh, với cổ phiếu mệnh giá là 10 nghìn, thì có khi nào cổ phiếu giảm giá đến mức giao dịch dưới 10 nghìn không? (Trần Đình Lượng, 31 tuổi, Ha Noi)
![]() |
- Nếu các bạn theo dõi biến động giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trên TT GDCK TP HCM từ khi mở cửa thị trường năm 2000 đến nay thì trường hợp cổ phiếu giảm giá dưới mệnh giá 10.000 đồng đã từng xảy ra. Giá giao dịch trên thị trường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quan hệ cung cầu, tình hình hoạt động của tổ chức niêm yết, các yếu tố kinh tế vĩ mô...
- Xin ông cho biết tại sao Hostc khớp lệnh liên tục mà biên độ chỉ có 5%, trong khi đó Hastc đã áp dụng 10% từ khi mới ra đời? (Bình, 35 tuổi, Wllmben@yahoo.Com)
- Hostc và Hastc là hai thị trường hoàn toàn khác nhau. Hostc là thị trường giao dịch sử dụng phương thức khớp lệnh tập trung là chủ yếu. Còn Hastc phát triển theo định hướng OTC. Đối với thị trường giao dịch thứ cấp, tính ổn định của giá chứng khoán là một thước đo quan trọng. Nếu biên độ dao động giá lớn, trong khi số lượng các nhà đầu tư còn hạn chế và khối lượng giao dịch mỏng, có thể dẫn đến sự biến động giá thái quá, không khuyến khích được các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm tham gia thị trường.
Biên độ 5% hiện nay đã có thể khiến cho người đầu tư mất 10%/ngày giao dịch rồi. Đây là một tỷ lệ không nhỏ đối với bất kỳ nhà đầu tư nào.
- Anh Lê Hải Trà vui lòng giải thích kỹ hơn về Lệnh thị trường (MP) và cách thức xử lý lệnh này khi so khớp giá. Anh có lời khuyên gì cho nhà đầu tư khi sử dụng lệnh này? Xin cảm ơn anh. (Tran Thanh Bach, 26 tuổi, Trantbach@yahoo.Com)
- Lệnh thị trường nói một cách dễ hiểu là lệnh mua hoặc bán chứng khoán với bất kì mức giá nào hiện có trên thị trường. Một lệnh thị trường có thể được khớp với nhiều lệnh giới hạn tại nhiều mức giá khác nhau. Lệnh thị trường có thể giúp bạn nâng cao xác suất mua hoặc bán chứng khoán. Nhưng ngược lại nếu không hiểu rõ cơ chế thực hiện của lệnh thị trường có thể dẫn đến tình trạng mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá mà bạn không mong muốn.
- Thưa ông Trà, biên dộ dao động là 5% vậy cp AAA giá tham chiếu là 50 giá mở cửa +5% =52.5. Vậy trong phiên khớp lệnh liên tục giá cp AAA chỉ dao động từ trần 52.5 xuống sàn 48.5 có đúng hay không (Đỗ Thành Cong, 36 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội)
- Với giá tham chiếu là 50 thì giá trần là 52.5 và giá sàn là 47.5. Giá trần, sàn này được áp dụng cho cả ngày giao dịch.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của lệnh ATO và ATC? Vì sao lại được ưu tiên trước lệnh giới hạn, với ưu tiên khác so với trước đây, lệnh ATO và ATC mới sẽ tác động đến thị trường như thế nào? (Nguyen An, 24 tuổi, Van Kiep Binh Thanh)
- ATO và ATC trong hai phiên khớp lệnh định kỳ có ý nghĩa như lệnh thị trường (MP) trong phiên khớp lệnh liên tục. Vì là lệnh chấp nhận giao dịch tại bất kỳ giá nào nên hai lệnh này được ưu tiên hơn so với lệnh giới hạn. Quy định này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng, theo đó khả năng được thực hiện của các lệnh giao dịch cũng được nâng lên.
- Lệnh LO là gì? Xin anh giải thích thêm về lệnh này? (Duong Thi Hai, 38 tuổi, 5/37 Ly Thuong Kiet, P8, Q.TB)
- Lệnh LO là lệnh giới hạn tức là lệnh có xác định mức giá mua và bán. Lệnh giới hạn được áp dụng trong cả khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa, đóng cửa và khớp lệnh liên tục.
- Xin ông cho biết liệu việc đặt lệnh giao dịch từ xa (qua Internet) khả năng thực thi cao với băng thông hệ thống Internet như hiện nay? Nếu có sự cố xảy ra với hệ thống tin học của các sàn của các công ty chứng khoán, liệu nhà đầu tư sẽ phải ứng phó như thế nào? (Trần Thanh Phước, 28 tuổi, 38/5 Trần Hưng Đạo, Q.5 HCMC)
- Đối với bất kỳ việc triển khai công nghệ nào trong lĩnh vực chứng khoán sẽ đều được TTGDCK và các công ty chứng khoán thành viên thử nghiệm kỹ trước khi áp dụng chính thức. Nếu sự cố xảy ra với các công ty chứng khoán, người đầu tư có thể mất đi cơ hội giao dịch. Việc xử lý hậu quả thiệt hại tùy thuộc vào thỏa thuận giữa người đầu tư và công ty chứng khoán khi mở tài khoản. Các nhà đầu tư cũng nên tìm hiểu kỹ về công ty chứng khoán trước khi quyết định mở tài khoản để được đảm bảo về chất lượng dịch vụ.
- Chào anh, theo anh thì việc khớp lệnh như vậy có tạo áp lực cho tất cả nhân viên công ty chứng khoán và đại diện sàn không? Vì em nghĩ sẽ có tình trạng là số lượng lệnh rất lớn đổ dồn vào đợt 3 và sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các nhân viên khi phải xử lý toàn bộ khớp lệnh lệnh lớn như vậy? (Nhangheochoick@gmail.Com, 27 tuổi, E72 Đường 3/2)
- Áp lực đối với đại diện giao dịch tại sàn sẽ vẫn còn, kể cả khi áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục sắp tới. Áp lực này sẽ chỉ mất đi khi hoạt động giao dịch hoàn toàn diễn ra một cách tự động với công nghệ hiện đại. Khi đó, lệnh giao dịch sẽ do các nhà đầu tư tự đặt thông qua máy tính hoặc điện thoại và được chuyển thẳng tới hệ thống giao dịch, không qua bước xử lý thủ công của công ty chứng khoán nữa.
- Nếu như tôi đặt giá mua quá cao thì tôi sẽ phải mua với giá do tôi đặt hay là giá khớp của sàn (Đỗ Trung Anh, 27 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh)
- Trong khớp lệnh định kỳ, mỗi cổ phiếu sẽ có 1 mức giá khớp lệnh. Vì vậy nếu lệnh của bạn được thực hiện thì giá mua sẽ là giá khớp lệnh này. Trong khớp lệnh liên tục, mức giá khớp lệnh sẽ tùy thuộc vào giá và trình tự các lệnh nhập vào hệ thống. Bạn có thể tham khảo vào ví dụ mà tôi trả lời ở câu hỏi trước đó.
- Sàn TP HCM áp dụng khớp liên tục với 3 loại lệnh ATO, LO, MP có giải quyết được vấn đề người đầu tư liên kết với nhân viên nhập lệnh của các sàn giao dịch không? Hay tình trạng này vẫn xảy ra nhiều hơn? Và những người mới bước vào thị trường chứng khoán hoặc không phải là "Đại gia" thì cơ hội thành công rất ít. (Nguyễn Hiệp, 31 tuổi, 8/36 Nguyên Hồng)
- Nói chính xác hơn là có 4 loại lệnh ATO, ATC, LO và MP. Việc áp dụng các loại lệnh mới không nằm ngoài mục đích nâng cao khả năng giao dịch thành công cho công chúng đầu tư. Tình trạng mà bạn phản ánh là một căn bệnh luôn tiềm ẩn trong "cơ thể" TTCK. Căn bệnh này không thể điều trị được chỉ bằng phương thức giao dịch hay lệnh giao dịch, mà đòi hỏi phải có một cơ chế giám sát hữu hiệu và các biện pháp xử phạt đủ mạnh để có thể ngăn chặn.
- Chào anh, xin anh có thể cho biết anh bao nhiêu tuổi được không và bí quyết để trở thành một Phó giám đốc trung tâm "hot" nhất hiện nay? (Mai Hoa, 26 tuổi, HN)
![]() |
- Tôi năm nay U40. Bí quyết của tôi là luôn có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng và luôn nỗ lực để hoàn thành các kế hoạch và mục tiêu đó.
- Xin chào ông Lê Hải Trà, nhiều nhà đàu tư rất bức xúc vì lệnh đặt không được nhập vào trung tâm do mỗi công ty chứng khoán chỉ có vài người đại diện tại trung tâm. TTGDCK đã có biện pháp gì chưa để khắc phục tình trạng trên khi bắt đầu thực hiện khớp lệnh vào 7/5 tới? Cảm ơn ông! (Nguyễn Ngoc Riệc, 53 tuổi, 17- ngõ 18 Nguyên Hồng - Hà Nội)
- Biện pháp mà TTGDCK đưa ra để giải quyết những bức xúc như anh nêu chính là việc áp dụng khớp lệnh liên tục và những điều chỉnh về quy định giao dịch đã giới thiệu.
- Thưa ông Trà, giá tham chiếu của ngày giao dịch hôm nay là giá khớp của phiên thứ 3 hôm trước. Như vậy giá đóng cửa phiên 1 hôm nay chỉ là một mức giá tham khảo cho các nhà đầu tư khi vào phiên 2 và biên độ dao động trong 1 ngày vẫn là +5% đúng không ạ? Cảm ơn ông! Anh Tuấn (Nguyễn Anh Tuấn, 32 tuổi, Quận Bình Thạnh)
- Đúng vậy. Bạn đã hiểu rõ luật chơi rồi đấy. Chúc mừng bạn!
- Xin ông cho biết, khi áp dụng khớp lệnh liên tục, nhà đầu tư phải ghi rõ từng loại lệnh như LO, MP, ATC, ATO trên phiếu lệnh đặt mua hay đặt bán ạ? Cám ơn! (Tuan, 36 tuổi, 95 nguyen Xi, Q.BT, TP HCM)
- Đối với 4 loại lệnh này, chỉ có lệnh LO bạn cần ghi rõ mức giá. 3 loại lệnh còn lại, bạn chỉ cần ghi MP, ATO hoặc ATC.
- Theo tôi hiểu thì việc khớp lệnh liên tục là tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện việc giao dịch được nhanh hơn, tuy nhiên sẽ làm cho giá các cp trong ngày biến động nhiều hơn đúng hay sai? (Phạm Thuỷ Hương, 35 tuổi, hanoi)
- Đúng vậy. Thay vì chỉ có một mức giá được xác định sau mỗi khoảng thời gian trong phương thức khớp lệnh định kỳ, trong thời gian khớp lệnh liên tục giá chứng khoán sẽ liên tục thay đổi theo kết quả khớp các lệnh mua và bán với nhau.
- Xin ông giải thích giúp ngày giao dịch không hưởng quyền ?(Thanh Xoan, 28 tuổi, 411 Kim Mã)
- Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày giao dịch mà người mua sẽ không được hưởng các quyền nhận cổ tức hoặc các quyền kèm theo. Ví dụ ngày chốt danh sách cổ đông của tổ chức phát hành để nhận cổ tức là ngày 13/4 thì ngày giao dịch không hưởng quyền sẽ là ngày 11/4 (do chu kỳ thanh toán là T+3). Trước 11/4, người mua cổ phiếu được quyền nhận cổ tức, người bán không được quyền nhận cổ tức. Sau ngày 11/4, người bán cổ phiếu vẫn được quyền nhận cổ tức do đã có tên trong danh sách cổ đông. Ngược lại, người mua cổ phiếu sẽ không có quyền nhận cổ tức. Vì lý do đó, giá cổ phiếu vào ngày không hưởng quyền (cổ tức) sẽ được điều chỉnh giảm bằng giá trị cổ tức.
- Xin ông cho biết liệu TTGD CK có kế hoạch giảm thời hạn T+3 về sau này không, vì hiện nay chứng khoán về rất chậm và thực ra là T+4 (Trần Thanh Ngọc, 35 tuổi, Hà Nội)
- Đây là câu hỏi bạn nên đặt ra cho Trung tâm lưu ký chứng khoán chứ không phải TTGDCK. Tuy nhiên, chu kỳ thanh toán T+3 hiện nay áp dụng tại Việt Nam đã đạt chuẩn mực quốc tế theo khuyến nghị của nhóm G-30. Trong tương lai, việc hạ tầng công nghệ của TTGDCK và Trung tâm lưu ký chứng khoán được nâng cấp có thể cho phép người đầu tư mua sau đó bán lại ngay trong ngày mà không cần rút ngắn chu kỳ thanh toán.
- Xin anh cho biết, khi khớp lệnh liên tục có hai lệnh MP xuất hiện cùng lúc thì thứ tự và trình tự khớp lệnh sẽ như thế nào ? Xin cảm ơn. (Ngô Anh Tuấn, 45 tuổi, QPN TP HCM)
- Về nguyên tắc không bao giờ có hai lệnh vào hệ thống cùng một lúc. Lệnh nào vào trước sẽ được ưu tiên khớp trước theo nguyên tắc ưu tiên về thời gian.
- Theo kinh nghiệm của ông khi mua hoặc bán trong trường hợp nào thì dùng lệnh LO hoặc MP (Anh Thi, 30 tuổi, Hanoi)
- Bạn nên dùng lệnh LO khi cảm thấy tự tin rằng mức giá mình đặt ra đủ để lệnh của bạn được thực hiện, hoặc khi bạn muốn khẳng định mức giá mà bạn muốn mua hoặc bán. Bạn chỉ nên dùng lệnh MP khi thực sự là bạn chấp nhận mua hoặc bán với bất kỳ giá nào.
- Mình là Lê Khiêm, trước đây học cùng 12A3 cùng Trà, mình không hỏi về chứng khoán, mình chỉ hỏi: Trà có khỏe không, vì hơn 10 năm rồi không gặp. Cảm ơn :) (Lê Khiêm, 33 tuổi, A310,Chung cư A1 Phan Tây Hồ,F.7 Q.Phú Nhuận)
- Ồ, Lọ Khom đấy à? Cám ơn cậu. Tớ vẫn khỏe. Hơi bận rộn chút ít. Hôm nào rảnh đi cà phê nhé!
- Chào anh Trà, anh cho biết giá tham chiếu của ngày giao dịch không hưởng cổ phiếu thưởng và cổ tức bằng cổ phiếu. Ví dụ: Giá của ngày hôm trước là 500k, ngày không hưởng quyền chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:2 có giá tham chiếu là bao nhiêu? (Minh Thuỳ, 42 tuổi, Hà Nội)
- Với quyền chia cổ phiếu thưởng 1:2, có phải ý bạn muốn nói là 1 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 2 cổ phiếu thưởng? Trong trường hợp này, giá tham chiếu sẽ là 500:3 = 166.666.
- Xin ông cho biết kế hoạch những hoạt động thông tin phục vụ cho việc thay đổi phương thức khớp lệnh? (Đỗ Xuân Trường, 20 tuổi, Thái Thịnh, Hà Nội)
- Chúng tôi đã có kế hoạch tập huấn cho các công ty chứng khoán để họ có thể hướng dẫn lại cho các khách hàng của mình, đồng thời cũng có kế hoạch tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp với công chúng đầu tư. Tuy nhiên, qua 2 buổi giới thiệu vừa qua, trước sự quan tâm của công chúng đầu tư, TTGDCK sẽ tổ chức tiếp 2 buổi tại Hà Nội và 2 buổi tại TP HCM. Chắc chắn công tác tổ chức sẽ chu đáo hơn.
- Theo ông khi phương thức khớp lệnh liên tục được áp dụng thì có ảnh hưởng đến tình hình giá chứng khoán hay không? Vì thông thường khi có một sự thay đổi về cách thức giao dịch thì thị trường cũng biến động? (Lê Hoàng Hoa, 30 tuổi, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP HCM)
- Theo tôi thì sự thay đổi về cách thức giao dịch sẽ dẫn đến sự cải thiện về khả năng giao dịch của người đầu tư, nâng cao tính thanh khoản và minh bạch của thị trường nói chung. Rất có thể điều này sẽ có tác động một cách tích cực đến diễn biến của thị trường trong thời gian tới.
- Thưa ông Trà, tại sao khi áp dụng phương thức khớp lệnh mới, TTGDCK TPHCM lại có một số thay đổi đáng kể so với trước đây ví dụ: nguyên tắc xác định giá tham chiếu cho cổ phiếu mới niêm yết, lô giao dịch, thứ tự ưu tiên của lệnh ATO... (Lê Chân, 30 tuổi, Hải Phòng)
- Nguyên tắc xác định giá tham chiếu cho cổ phiếu mới niêm yết nhằm tránh tình trạng thả nổi giá chứng khoán trong ngày giao dịch đầu tiên như hiện nay. Chúng tôi muốn gắn trách nhiệm của tổ chức niêm yết và tổ chức tư vấn với việc xác lập giá giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên thị trường, vì hơn ai hết họ là những người hiểu rõ giá trị của cổ phiếu mới niêm yết. Các quy định khác đều nhằm cải thiện tính hiệu quả của hoạt động giao dịch, đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch của công chúng đầu tư.
- Giả sử nhà đầu tư đặt lệnh mua LO với giá trần ở phiên 1 và không được khớp, lệnh này tiếp tục được chuyển sang phiên 2, lệnh này rất dễ bị khớp nếu có lệnh bán đối ứng, nếu lệnh đối ứng này có giá cao thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt vì nhà đầu tư không muốn lệnh của mình khớp ở mức trần. Liệu phương án chuyển lệnh LO chưa khớp từ phiên 1 sang phiên 2 đã hợp lý chưa? (Nguyễn Nhật Quang, 27 tuổi, SHB, 162 Thái Hà, Hà Nội)
- Tôi xin hỏi ngược lại bạn: Tại sao không muốn lệnh của mình khớp ở giá trần lại đặt lệnh mua LO với giá trần?
- Anh Trà ơi, anh có chịu áp lực gì không khi phải lên trả lời trực tuyến một vấn đề nóng như CK hiện nay? (Nguyễn Kiều Mỹ, 30 tuổi, Hà Nội)
![]() |
- Hoàn toàn không, rất vui bạn ạ!
- Chào thầy Trà, em là Bình, 10 năm trước học lớp tiếng Anh thầy dạy ở Trung Tự. Thầy và gia đình vào HCM à? (Binh, 32 tuổi, Hà Nội)
- Chào em, tôi đã chuyển vào đây từ tháng 7 năm ngoái.
- Chào anh, anh cho biết nếu một tổ chức niêm yết cho mua thêm cổ phiếu với tỉ lệ 1:1 với giá bằng mệnh giá thì cổ phiếu của công ty đó có bị chia nhỏ đi không? (Mai Anh, 28 tuổi, Hà Nội)
- Tôi không hiểu ý bạn về việc chia nhỏ cổ phiếu của công ty khi phát hành thêm cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 như bạn vừa nêu. Trong quá trình hoạt động, một công ty hoàn toàn có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn phục vụ các mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh. Mệnh giá cổ phiếu của công ty trong trường hợp này không thay đổi, còn giá thị trường của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh vào ngày giao dịch không hưởng quyền. Ví dụ giá giao dịch trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 50. Vào ngày giao dịch không hưởng quyền giá tham chiếu sẽ là (50+10)/2 = 30.
- Cho tôi hỏi giao dịch thoả thuận đối với trái phiếu trên trung tâm GDCK HCM từ ngày bắt đầu áp dụng lệnh mới khối lượng thế nào? (Hai Nam, 25 tuổi, Ha Noi)
- Giao dịch thỏa thuận đối với trái phiếu vẫn áp dụng các quy định như hiện hành ngoại trừ thời gian giao dịch được bắt đầu từ 8h30 tới 11h.
- Xin ông cho biết nếu ở cuối phiên khớp lệnh liên tục (hoặc toàn bộ phiên) chỉ có lệnh MP là lệnh thị trường thì mức giá được khớp và khối lượng khớp sẽ như thế nào? (Quang Minh, 36 tuổi, 360 Kim Mã)
- Lệnh thị trường chỉ nhập được vào hệ thống khi có lệnh giới hạn đối ứng, do đó sẽ không có trường hợp chỉ có lệnh MP.
- Trong phiên giao dịch khớp lệnh liên tục sẽ có hai loại lệnh lệnh LO và lệnh MP có sự ưu tiên giữa hai lệnh này không? Nếu chỉ có lệnh mua MP mà không có lện bán MP thì khớp lệnh như thế nào ? Và ngược lại? Cách xác định giá mở cửa, có phải giá mở của là giá tham chiếu không ? (Ngô Dũng, 53 tuổi, Hà nội)
![]() |
- Trong phiên khớp lệnh liên tục, lệnh MP là lệnh được ưu tiên trước lệnh LO. Theo quy định, lệnh MP chỉ được nhập vào hệ thống giao dịch nếu có lệnh đối ứng. Nghĩa là, nếu bên bán không có lệnh nào mà bạn nhập lệnh mua MP vào thì hệ thống sẽ không chấp nhận, và ngược lại. Ngoài ra, lệnh MP không được phép nằm chờ trên hệ thống.
Giá tham chiếu để xác định biên độ dao động giá là giá đóng cửa của ngày giao dịch trước. Giá mở cửa chỉ có giá trị tham khảo mang tính cập nhật cho thời gian khớp lệnh liên tục tiếp theo.
- Tôi thấy không thỏa mãn câu trả lời của ông về việc nâng đơn vị giao dịch tối thiểu lên 100CP "Đúng là việc nâng lô giao dịch lên 100 chỉ là giải pháp tạm thời nhằm góp phần giảm thiểu sự quá tải của các công ty chứng khoán". Nhưng hiện nay không còn sự quá tải ở các công ty chứng khoán, vậy đây có phải là sự can thiệp của TTGDCK nhằm hạ nhiệt thị trường không? (Lê Bảo Nam, 43 tuổi, Phú Hữu - Q.9 -TP.HCM)
- Tôi không nghĩ rằng sự quá tải ở các công ty CK đã biến mất, có lẽ chỉ là phần nào được giảm bớt trong không khí im ắng hiện nay của thị trường. Tôi nghĩ rằng TTGDCK không có bất kỳ ý định can thiệp thị trường nào, chúng tôi chỉ muốn đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao dịch của công chúng đầu tư.
- Nếu tôi đặt lệnh MP thì tôi chỉ được đặt ở phiên 2. Vậy nếu công ty chứng khoán không cho thực hiện giao dịch qua điện thoại, phải đến trực tiếp thì tôi phải chờ ở công ty chứng khoán đến phiên 2? Tôi được gửi từ phiên 1 không? (Nguyễn Hương Thảo, 26 tuổi, Hà Nội)
- Đúng là lệnh MP chỉ được đặt trong đợt khớp lệnh liên tục. Bạn có thể đặt lệnh tại công ty chứng khoán trước tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa bạn và công ty chứng khoán. Tuy nhiên, như tôi đã lưu ý, các nhà đầu tư khi sử dụng lệnh MP cần thận trọng và xem xét kỹ tình hình lệnh đặt và giá trên thị trường. Vì vậy, nếu bạn đặt lệnh MP từ trước mà không cân nhắc đến tình hình thị trường, theo tôi là khá rủi ro.
- Trong Bản tin thị trường chứng khoán hàng ngày có đưa tin:"Biên độ dao động giá cho cổ phiếu và chứng chỉ quỹ mới niêm yết trong ngay giao dịch đầu tiên so với giá dự kiến là 30%". Ông lại vừa đưa thông tin là 20%. Xin hỏi ông thông tin nào chính xác? (Ngô Văn Thắng, 33 tuổi, 25 Ngô Quyền - HN)
- Tôi xin đính chính lại là 20%. Tại thời điểm đăng bản tin TTCK, dự thảo quy chế giao dịch của chúng tôi là 30%. Hôm qua, UBCK NN đã chính thức phê chuẩn dự thảo quy chế với biên độ là +/-20%.

- Cảm ơn gợi ý của bạn. Tuy nhiên, thực sự là tôi không có đủ thời gian cho công việc đó. Do sự hạn hẹp về thời gian, rất tiếc tôi không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi của độc giả VnExpress. Hy vọng sẽ có dịp khác giao lưu cùng bạn đọc. Xin cám ơn tất cả các bạn đã quan tâm tham gia!
K.D.