Quân đội Mỹ hôm 14/3 cáo buộc tiêm kích Su-27 Nga va chạm với máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper trên không phận quốc tế ở Biển Đen, khiến phi cơ Mỹ lao xuống vùng biển ngoài khơi bán đảo Crimea. Giới chức Nga bác bỏ thông tin, cho rằng UAV Mỹ mất lái và tự rơi xuống biển.
Đây không phải lần đầu chiến đấu cơ Su-27 xảy ra sự cố khi chạm mặt máy bay phương Tây trên biển. Vụ va chạm giữa tiêm kích Su-27 trong biên chế không quân Liên Xô với máy bay tuần thám P-3B của Na Uy năm 1987 là một trong những sự cố nghiêm trọng thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự cố xảy ra trên biển Barents ngày 13/9/1987, khi trinh sát cơ P-3B của không quân Na Uy được lệnh xuất kích để theo dõi một nhóm tàu chiến Liên Xô trong khu vực.
Đại úy không quân Liên Xô Vasiliy Tsymbal nhận lệnh điều khiển tiêm kích Su-27 số hiệu 36 Đỏ xuất kích để giám sát và ngăn chặn trinh sát cơ Na Uy. Đây là một trong những lần chạm trán hiếm hoi giữa tiêm kích Su-27 và máy bay phương Tây vào thời điểm đó.
Su-27 là tiêm kích được Liên Xô phát triển cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, cạnh tranh trực tiếp với các chiến đấu cơ hạng nặng của Mỹ trong thập niên 1970 như F-14 và F-15. Mẫu Su-27 hoàn chỉnh được công bố vào năm 1987 và phương Tây khi đó chưa có nhiều kiến thức về loại chiến đấu cơ mới này.
Su-27 trở nên nổi tiếng vào mùa thu năm 1987, khi các tạp chí hàng không phương Tây công bố loạt ảnh cận cảnh chiếc Su-27 thuộc Trung đoàn tiêm kích số 941 của Liên Xô mang theo nhiều tên lửa đối không tầm trung R-27ER và R-27T.
Khi phát hiện tiêm kích của đại úy Tsymbal áp sát, phi hành đoàn trên chiếc P-3B đã tranh thủ chụp nhiều ảnh, trong đó có bức ảnh ở khoảng cách gần, cho thấy phi công Liên Xô trong buồng lái đang giám sát phi cơ Na Uy.
Tiêm kích Liên Xô tiếp cận và liên tục bám sát trinh sát cơ Na Uy ở khoảng cách gần. Trung úy Jan Salvesen, phi công trên chiếc P-3B, thả càng để nhanh chóng giảm tốc và di chuyển đến vị trí ngay phía trên tiêm kích Liên Xô, nhằm ép chiếc Su-27 chuyển hướng hoặc bay vượt quá mục tiêu.
Tuy nhiên, Salvesen không biết rằng dòng Su-27 có thể duy trì khả năng cơ động cao ở tốc độ nhỏ và nhanh chóng bị khuất tầm mắt. Đại úy Tsymbal cũng giảm tốc theo chiếc P-3B, chỉ vài giây trước khi hai máy bay tiếp cận quá gần và xảy ra va chạm.
Chóp cánh đuôi đứng bên trái tiêm kích Su-27 va chạm với cánh quạt động cơ ngoài cùng bên phải máy bay P-3B, khiến cả hai bộ phận bị vỡ vụn. Các mảnh vỡ cánh quạt còn xuyên thủng buồng lái máy bay Na Uy, gây tình trạng giảm áp và rung lắc mạnh, buộc tổ bay P-3B tắt động cơ để bảo đảm an toàn.
Một số nguồn tin nói rằng đại úy Tsymbal sau đó điều khiển chiếc Su-27 bay trước mũi trinh sát cơ P-3B và xả dầu về phía máy bay Na Uy để trả đũa. Hai phi cơ trở về căn cứ an toàn sau sự việc.
Không quân Liên Xô mở cuộc điều tra và khai trừ Vasiliy Tsymbal khỏi đảng Cộng sản, nhưng thu hồi quyết định chỉ sau một ngày. Đại úy Tsymbal sau đó được trao Huân chương Sao Đỏ và chuyển tới đơn vị đóng tại tỉnh Rostov.
Chính phủ Liên Xô đưa ra lời xin lỗi Na Uy về sự việc, nhưng báo cáo điều tra của giới chức nước này khẳng định phi công hai bên đều mắc sai lầm trong sự cố. Bộ Quốc phòng Na Uy bày tỏ không đồng tình với kết luận của Liên Xô, nhưng không áp dụng thêm biện pháp trả đũa nào.
Tiêm kích Su-27 trong vụ va chạm được đổi số hiệu thành 38 Đỏ và 31 Xanh, dường như để đánh lạc hướng các nhà điều tra phương Tây và hạn chế chú ý.
Các bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội sau này cho thấy chiếc Su-27 số hiệu 31 Xanh được sơn 5 biểu tượng xuất kích diệt mục tiêu ở bên trái buồng lái, một trong số đó là hình trinh sát cơ P-3 trên nền sao màu trắng, dường như để thể hiện mục tiêu bị thương và không rơi tại chỗ.
Vũ Anh (Theo Aviation Geek Club)